Đệ nhất cơm chay đất Hà thành
(Dân trí) - Chắc hẳn, sẽ chẳng khi nào bậc tu hành như bà muốn được xưng tụng với nghệ danh đó. Nhưng phật tử khắp nơi gọi bà như vậy. Cũng không vì bà từng nấu cơm chay cho Thủ tướng Gandhi mà còn vì tâm hỉ xả suốt mấy mươi năm bà dâng hiến cho đời.
Từ đệ nhất cỗ chay Hà thành
Nói đến nghệ thuật nấu cỗ chay, có lẽ phật tử gần xa đã từng nghe đến ngôi chùa nhỏ Phụng Thánh nằm khuất nẻo trong ngõ Cống Trắng, phố Khâm Thiên. Rằm tháng Giêng, cũng là ngày sư bà trụ trì Thích Đàm Ánh thể hiện tài năng bách nghệ của mình qua công việc chế biến món cỗ chay có một không hai.
Trước giờ tới nay, Hà thành vốn nổi danh là chốn phong lưu bậc nhất nhưng được thưởng một bữa cỗ chay chùa Phụng Thánh thì không phải ai cũng có được cơ duyên. Sư bà Thích Đàm Ánh ung dung kể chuyện: “cỗ chay chùa tôi làm ra không phải để mua cái sự nổi tiếng. Hàng năm nhà chùa đều mở tiệc chay vào tháng Giêng có khi lên tới vài trăm mâm nhưng đó đều là lòng thành của mọi người với mong mỏi quốc thái dân an chứ không hề mảy may vụ lợi”.
Ăn chay trong quan niệm Phật giáo là để dưỡng pháp thiện, tăng can lành. Ăn chay là một cách để biểu hiện lòng trân trọng sự sống, loại bỏ tham, sân, si, nuôi dưỡng tâm hồn. Do đó, cũng thật khó thống kê hết sự phong phú của các món chay và sự sáng chế, phối trộn tài tình giữa các nguyên liệu, gia vị và kỹ thuật chế biến để tạo nên các món đặc trưng mà sư bà Đàm Ánh từng làm.
Một bữa cỗ chay chùa Phụng Thánh do đích thân sư bà làm cũng đủ món như mâm cỗ Tết. Đương nhiên, nếu mâm cỗ “mặn” có món gì thì mâm cỗ chay cũng có món đó. Thậm chí, có những món đặc biệt như lươn cuốn nướng, gà tần, riêu cá, cá kho, chả rươi, thịt bò hấp, chân giò hầm… đều được làm từ đậu phụ, giá đỗ sống, đậu xanh, chân nấm hương. Tôm rang làm từ bánh đa. Món nem chạo Sài Gòn chế biến từ vỏ bưởi.
Cỗ chay không thiếu món gì! (Ảnh: Phúc Hưng) |
Nhưng có lẽ đặc biệt nhất phải kể đến món giả chạch kho tương từ đọt khoai nước. Đây là phần ngứa nhất trong cây khoai, được bỏ cuống, rửa sạch, vảy kiệt nước, mở ra cho bột đậu xanh vào làm nhân, cuốn chặt lại như cũ, cắt đôi làm khúc rồi xếp vào nồi như xếp gạch. Cà chua hoặc quả nhót xé nát rắc lên trên. Điều tối kỵ là không được đụng đũa vào nồi trong khi đun. Chọc đũa vào sẽ làm ngưng trệ giai đoạn giải ngứa của đọt khoai. Món đọt khoai nước giả chạch kho này chắc, thơm như thịt chạch thật, nhân độn có vị béo bùi như trứng chạch.
Sư bà tâm sự: “Tính đến nay cũng đã hơn 70 năm làm việc bếp núc nhà chùa, món nào cũng đã từng làm nhưng bữa cỗ do chính tay mình làm nhân buổi chiêu đãi đoàn khách cấp cao Ấn Độ tới Hà Nội vẫn là kỷ niệm đi suốt cuộc đời tôi”.
Bữa đó, nhân chuyến thăm chính thức nước ta của cố Thủ tướng Gandhi, phía bạn có đề nghị muốn được thưởng thức một bữa tiệc chay mang đậm phong cách Việt. Sư bà Đàm Ánh được uỷ thác làm việc này. Mâm cỗ chay với đầy đủ giò, chả, 3 bát, 6 đĩa như một bữa cỗ Việt thuần tuý đã làm các vị khách vô cùng thích thú. Bữa tiệc đó được bà Thủ tướng Ấn Độ tấm tắc khen mãi món cốm, thịt gà làm từ măng và cá sốt chua ngọt chế tác từ hoa chuối.
Hà thành mỗi độ xuân về có thêm những mâm cỗ chay chùa Phụng Thánh góp nhặt làm giàu thêm bao cung bậc mùa xuân. Nghệ thuật ẩm thực tinh tế Hà thành có thêm một chương ghi danh món cỗ chay chùa Phụng Thánh và người biện cỗ tài danh.
Đệ nhất cơm chay Hà thành (Ảnh: Phúc Hưng) |
Đến chuyện vay tiền làm việc thiện
Sư bà Đàm Ánh đã đi gần hết đất nước Việt Nam để làm từ thiện bằng chính những đồng tiền dành dụm, tích cóp và quyên góp của mình… “Một cây thiện cho ngàn quả thiện, mang được một ít mắm, ít muối, ít gạo đến với những mảnh đời khốn khó, bất hạnh đối với tôi còn hơn một đời ăn chay, niệm phật”, sư bà đã nói như vậy với chúng tôi.
Hơn 30 năm làm từ thiện, bằng khen, huy hiệu của sư thầy có thể treo kín các bức tường trong chùa Phụng Thánh, nhưng bà lại xếp gọn trong cái hòm gỗ. Trong ngôi chùa tĩnh mịch, rực một sắc vàng của cúc, và trắng tinh khiết của hoa nhài. Vẳng bên tai tôi những câu kệ với âm điệu lạ lùng, sư bà tâm sự:“Còn hơi thở, tôi còn giúp những người khốn khổ. Với tôi khi sinh ra không mang vật nào thì khi chết đi sẽ không mang vật gì theo”.
Tuổi thơ của sư thầy Thích Đàm Ánh là một chuỗi những ngày khổ đau, đói rét theo những biến động của đất nước. Năm 10 tuổi, bà ngoại gửi bà vào tu tại chùa Âm Hồn (Vạn Linh, thị xã Bắc Giang). Cuộc sống tu khổ hạnh, cái đói, cái rét, cái nhọc nhằn đã ngấm sâu vào máu thịt chú tiểu.
15 tuổi, chú tiểu Thích Đàm Ánh đã góp nhặt cái áo, cái quần, tấm chăn rách mang đến các bệnh viện, trại phong giúp đỡ những người không may mắn. Trận đói lịch sử năm 1945 vẫn còn ám ảnh bà: “Chính mắt tôi thấy những thây người chết đói nằm rải rác khắp các đường phố. Những đám người sống sót thì rách rưới, teo tóp. Họ bới nhặt những cái đầu cá thối rữa rồi mút lấy mút để”. Khi ấy việc phát chẩn của chùa chỉ như muối bỏ bể.
Sư ít nói về mình mà nói rành rọt hoàn cảnh từng gia đình đang cần mọi người ra tay cứu giúp. “Chuyện của “bá tánh” mà sao lòng sư nặng trĩu nỗi lo?”- tôi hỏi. Sư giãi bày: “Đạo là đời mà! Mình không thể “tốt đạo” được khi những người xung quanh mình còn phải sống cuộc sống khổ sở mà mình làm “cầu nối” để chuyển tải những tấm lòng đến với nhau…
Đã hơn ba chục năm nay, năm nào nhà chùa cũng tổ chức các đoàn đi thăm hỏi, tặng quà những người bị bệnh phong tại các trại phong ở nhiều tỉnh trên địa bàn cả nước; thường xuyên đến chia sẻ, trợ giúp cho những người mù, những thương binh nặng, những trẻ mồ côi ở các tỉnh như: Bắc Giang, Nam Định, Phú Thọ, Hải Dương…
Bà còn nhớ như in cái ngày cách đây vài năm. Khi thì đến với mảnh đất đầy bom đạn thời chiến tranh Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế chứng kiến cuộc sống khó khăn của những quản trang nghèo tại các nghĩa trang liệt sĩ bà đã khóc, rồi trăn trở nghĩ cách để giúp đỡ. Nhưng giúp thế nào cho có hiệu quả lâu dài nhất? Sau dạo ấy, mỗi quản trang trong đó được phát một con bò (hoặc trâu) cái để nuôi dưỡng cho sinh sản. Buổi trao tặng, những người quản trang mím môi nước mắt vòng quanh, cầm lấy tay bà mà nắm chặt.
Đó là chưa kể đến những đợt lên đường đột xuất vì lũ lụt có bao giờ báo trước. Ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng hễ nghe ở miền Trung, miền Nam, bị ngập lụt là bà lại quyên góp, có khi được hàng trăm triều đồng cùng thuốc men, quần áo, chăn màn… Ni sư Đàm Ánh lại cùng các ni trong chùa lặn lội tới tận nơi trao quà cho các gia đình bị thiệt hại do thiên tai gây ra.
Bão Chanchu vừa qua, sư Ánh đi vay đủ 150 triệu đồng giúp đồng bào. “Thấy tôi vay mượn, một nhà hảo tâm đã tự nguyện ủng hộ 30 triệu đồng. Đợt ấy tôi mang 168 triệu đồng đem trao tiền cho các gia đình nạn nhân ở Quảng Nam. Vay rồi làm dần để trả nợ!”- sư thầy cười hồn nhiên.
Phúc Hưng