Bình Định:
Để ngư dân vi phạm lãnh hải, chủ tịch huyện sẽ bị kỷ luật
(Dân trí) - Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng tại Hội nghị triển khai Luật thủy sản 2017 và triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách chống khai thác bất hợp pháp, không theo quy định (IUU) nhằm gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam.
Ngày 13/8, tại UBND tỉnh Bình Định, Bộ NN&PTNT phối hợp tổ chức Hội nghị triển khai Luật thủy sản 2017 và triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về chống khai thác bất hợp pháp, không theo quy định (IUU) nhằm gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam với sự tham gia của đại diện của 6 tỉnh ven biển miền Trung và Nam Trung Bộ.
Quyết gỡ “thẻ vàng” EC
Theo ông Phan Trọng Hổ- Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định, việc triển khai Luật thủy sản 2017 và giải pháp thực hiện quy định IUU, tỉnh Bình Định đã tập trung xây dựng lực lượng kiểm ngư, quản lý khai thác thủy sản (KTTS) và tàu cá, phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) và đồng quản lý bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Ngành nông nghiệp tỉnh cũng triển khai nhiều biện pháp theo tinh thần chỉ thị 45/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Nhờ vậy, số tàu thuyền vi phạm lãnh hải nước ngoài (13 tàu cá/107 ngư dân) giảm 4 tàu/13 ngư dân so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, quá trình thực hiện theo quy định IUU gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Hổ, nguyên nhân là nguồn lực con người và thiết bị phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra còn thiếu. Trong khi đó, số lượng tàu cá cập, xuất bến nhiều nên khó có thể kiểm tra được. Ngư dân chưa có thói quen với việc khai báo tàu cá xuất, nhập bến, báo trước cho văn phòng 1 giờ trước và ghi chép nhật ký hành trình khai thác thủy sản...
Tại hội nghị, đại diện các tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận, Quảng Nam cũng đã báo cáo tình hình triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện quy định IUU nhằm gỡ “thẻ vàng” cho thủy sản Việt Nam. Đồng thời, đề xuất kiến nghị Trung ương hỗ trợ kinh phí để nâng cấp các thiết bị giám sát hành trình tàu cá; có cơ chế xây dựng lực lượng chuyên trách thực hiện quy định IUU…
Kỷ luật chủ tịch huyện nếu để ngư dân vi phạm lãnh hải
Tại buổi làm việc, sau khi nghe báo cáo về tình hình khai thác thủy sản của tỉnh nhà, ông Hồ Quốc Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhận khuyết điểm trước Bộ trưởng Bộ NN&PTNT vì tỉnh vẫn còn ngư dân vi phạm lãnh hải nước ngoài. Tuy nhiên, ông Dũng cam kết sẽ chỉ đạo quyết liệt thực hiện quy định của IUU.
“Từ nay đến cuối năm, nếu huyện, xã còn để ngư dân vi phạm lãnh hải nước ngoài thì UBND tỉnh sẽ kỷ luật Chủ tịch UBND huyện và Chủ tịch UBND xã đó”, ông Dũng khẳng định.
Ông Dũng cũng đề nghị Bộ NN&PTNT đầu tư nâng cấp khu neo đậu tàu tránh trú bão cấp vùng ở Tam Quan (huyện Hoài Nhơn) với tổng kinh phí 1.000 tỷ đồng; báo cáo Chính phủ và sớm đưa khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Mỹ Thành và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào vào quy hoạch tổng thể của Chính phủ.
Hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng NTTS ứng dụng công nghệ cao Cát Thành, Cát Hải (huyện Phù Cát) và vùng nuôi tôm Mỹ An, Mỹ Thắng, Mỹ Đức (huyện Phù Mỹ); không thu hồi 500 thiết bị Movimar đã lắp đặt trên tàu cá của ngư dân; hỗ trợ 32 tỉ đồng để nâng cấp Trạm bờ và thiết bị giám sát hành trình tàu cá…
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường yêu cầu, tất cả 28 tỉnh, thành ven biển trong cả nước phải đẩy nhanh chương trình hành động triển khai Luật Thủy sản và khắc phục “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU). Đây là đòi hỏi của cả nền kinh tế và cũng là của người dân, các điều khoản, quy định trong luật phải được thực hiện kịp thời, hiệu quả.
“Việc thực hiện Luật thủy sản năm 2017, Chỉ thị 45/2017 của Thủ tướng Chính phủ là nhiệm vụ mang tính chiến lược để phát triển kinh tế biển bền vững, có trách nhiệm. Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang bàn với 3 địa phương tiên phong trong khâu tổ chức thực hiện là: Kiên Giang, Bình Định và Quảng Ninh. Tại 3 tỉnh này đều có sự quyết tâm rất cao của lãnh đạo tỉnh, ngư dân sở hữu số lượng tàu lớn. Riêng tỉnh Quảng Ninh có đặc điểm gắn giữa vùng biển với di tích thiên nhiên vịnh Hạ Long nên cực kỳ quan trọng. Việc thực hiện sẽ được triển khai theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, ai cũng phải có trách nhiệm vì đây là lợi ích chung của quốc gia”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.
Về bất cập ở cảng cá Tam Quan, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị tỉnh Bình Định phải chuẩn bị các kiến nghị, giải pháp xử lý và ghi lại bất cập thực tế tại cảng bằng video, hình ảnh.
“Khi nào chuẩn bị xong, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đăng ký buổi làm việc riêng với các Bộ, ngành Trung ương, Văn phòng Chính phủ để có hướng xử lý, tháo gỡ. Việc này làm càng nhanh càng tốt vì có nguy cơ ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của ngư dân”, ông Cường cho hay.
Doãn Công