TPHCM:
Đề nghị tôn trọng hơn nữa lao động khuyết tật
(Dân trí) - Về vấn đề lao động là người khiếm khuyết năng lực vận động, UBND TPHCM vừa có văn bản đề nghị nên sửa từ “tàn tật” thành “khuyết tật” trong Bộ Luật lao động.
Theo UBND TPHCM, Bộ Luật lao động đã thể hiện sự quan tâm rõ ràng đến lao động có tính đặc thù là người khuyết tật. Tuy nhiên, trong Bộ Luật lao động vẫn gọi đối tượng này là “lao động là người tàn tật”. Do đó, UBND TP “đề nghị sửa đổi tên gọi “lao động là người tàn tật” thành “lao động là người khuyết tật”.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, để chỉ đối tượng này có ba mức độ: khiếm khuyết (impairment), khuyết tật (disability) và tàn tật (handicap). Khiếm khuyết chỉ sự mất mát hoặc không bình thường của cấu trúc cơ thể, hoặc tâm sinh lý. Khuyết tật là sự giảm thiểu chức năng hoạt động do khiếm khuyết. Tàn tật là tình thế bất lợi hoặc thiệt thòi của người khuyết tật (NKT) do tác động của môi trường xung quanh.
Còn theo quan điểm của Tổ chức Quốc tế Người khuyết tật, NKT trở thành tàn tật là do thiếu cơ hội để tham gia các hoạt động xã hội và có một cuộc sống giống như thành viên khác của xã hội.
Chẳng hạn như một người bị sốt bại liệt và teo cơ thì đó là khiếm khuyết. Do khiếm khuyết này nên họ khó khăn trong di chuyển, họ trở thành NKT. Nhưng nếu xã hội bỏ rơi họ, không tạo cơ hội cho họ được học tập, kiếm việc làm và có cuộc sống như các thành viên khác thì họ trở thành người tàn tật.
Thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, Giám đốc Chương trình Khuyết tật và Phát triển, cho rằng: “Sự tàn tật mang tính tình huống. Người ta trở thành tàn tật vì phải sống dựa vào các thành viên khác trong gia đình hoặc dựa vào trợ cấp xã hội trong khi vẫn còn khả năng cống hiến cho xã hội”.
Do vậy, đề nghị của TPHCM là một đề nghị hết sức tôn trọng NKT. TPHCM cũng là địa phương đi đầu trong việc tuyển NKT vào làm việc trong các công sở, xây dựng hệ thống xe buýt tiếp cận, cấp thẻ xe buýt miễn phí cho NKT, sử dụng thiết bị điện tử để hỗ trợ người khiếm thị đón xe buýt...
Năm 2008, khi cộng đồng NKT góp ý, Sở Giao thông Vận tải TPHCM cũng đã chính thức sửa tên “thẻ xe buýt miễn phí cho người tàn tật” thành “thẻ xe buýt miễn phí cho người khuyết tật”.
Ngoài ra, theo quy định hiện nay, các doanh nghiệp phải nhận ít nhất 3% lao động khuyết tật vào làm việc. Nếu không phải đóng góp một số tiền bằng lương tối thiểu nhân với số lao động khuyết tật mà mình không tuyển dụng vào quỹ hỗ trợ tạo việc làm cho NKT.
Tùng Nguyên