1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM "khát" cây xanh

Đà Nẵng:

Đề nghị Thủ tướng công nhận 3 bảo vật quốc gia

(Dân trí) - UBND TP Đà Nẵng vừa có văn bản gửi Bộ VH-TT-DL đề nghị xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia cho 3 hiện vật quý tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm là Đài thờ Mỹ Sơn E1, Đài thờ Trà Kiệu và Tượng Bồ Tát Tara.

Theo đó, Đài thờ Mỹ Sơn E1 có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ VII - VIII, là hiện vật gốc độc bản, tiêu biểu cho loại hình đài thờ tại khu di tích Chămpa ở Mỹ Sơn. Đài thờ Mỹ Sơn E1 là đài thờ duy nhất còn lại tương đối nguyên vẹn, là một cứ liệu quan trọng cho việc nghiên cứu các vấn đề văn hóa, tín ngưỡng, điêu khắc và kiến trúc của di tích Mỹ Sơn nói riêng và Chămpa nói chung.
 
Đề nghị Thủ tướng công nhận 3 bảo vật quốc gia - 1
Đài thờ Mỹ Sơn E1

Về nội dung và nghệ thuật điêu khắc, đây là đài thờ Chămpa duy nhất được tìm thấy có miêu tả nhiều nhân vật, cảnh sinh hoạt, thiên nhiên, động vật... là căn cứ để nghiên cứu về đời sống tâm linh, đời sống xã hội của Chămpa cổ đại, đặc biệt là về quan hệ giao lưu văn hóa giữa các nước trong khu vực. Cách thức điêu khắc trên đài thờ Mỹ Sơn E1 được các nhà nghiên cứu nghệ thuật xem là tiêu biểu cho một phong cách ổn định sớm nhất trong lịch sử phát triển nghệ thuật điêu khắc Chămpa, gọi là phong cách Mỹ Sơn E1.

Về kiến trúc, đài thờ Mỹ Sơn E1 cũng là một cứ liệu tiêu biểu cho loại hình đài thờ có kích thước lớn và có chạm khắc chung quanh, gồm nhiều mảnh ghép lại, có gờ mộng bên trên, được xem là tiêu biểu cho giai đoạn đầu của việc xây dựng các tháp Chăm, khi mà kiến trúc Chăm chủ yếu được xây dựng bằng gỗ.

Bảo vật thứ hai được TP Đà Nẵng trình Chính phủ công nhận là Đài thờ Trà Kiệu. Đài thời này có niên đại vào khoảng thế kỷ thứ VII - VIII, là hiện vật gốc độc bản, tiêu biểu cho sự tồn tại của một khu kinh thành và thờ tự của Chămpa cách đây hơn 1.000 năm ở Trà Kiệu.
Đề nghị Thủ tướng công nhận 3 bảo vật quốc gia - 2
Đài thờ Trà Kiệu

Đặc biệt, hiện vật đài thờ này còn giữ được nguyên vẹn bốn mặt, trên đó có chạm khắc thể hiện hoàn chỉnh một chủ đề trong thần thoại, là cơ sở quan trọng cho các chuyên gia khi nghiên cứu, so sánh về tín ngưỡng, phong cách nghệ thuật Chămpa.

Bảo vật thứ ba là Tượng Bồ Tát Tara. Bảo vật này có niên đại vào thế kỷ thứ IX, là hiện vật gốc độc bản. Theo kết quả khai quật khảo cổ, vào khoảng cuối thế kỷ thứ IX, tại Đồng Dương (Quảng Nam) đã có một Phật viện lớn. Các di tích nền móng cho thấy đây là Phật viện lớn nhất của Vương quốc Chămpa. Văn bia tìm thấy ở Đồng Dương có nói đến việc vua Chămpa Indravarman II đã cho xây dựng ở đây một Phật viện và một đền thờ để thờ Bồ Tát Laksmindra Lokesvara vào năm 875. Hiện vật này là tượng Bồ Tát bằng đồng, tiêu biểu cho việc thờ Bồ Tát tại Phật viện Đồng Dương.
Đề nghị Thủ tướng công nhận 3 bảo vật quốc gia - 3
Tượng Bồ tát Tara

Về mặt kỹ thuật và nghệ thuật: Hiện vật này được đúc hoàn chỉnh, không có dấu vết khuôn đúc với một kỹ thuật đặc biệt (hiện nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa xác định được). Một giả thuyết cho đây là kỹ thuật đúc bằng khuôn sáp nay đã thất truyền, sau đó được gia công bằng kỹ thuật chạm khắc. Đặc biệt, hiện vật có những phần khắc lõm để nạm ngọc và kim loại quý trên trán, lông mày, hai tròng mắt. Các chi tiết trang trí và hình thể được các nhà nghiên cứu xem là đặc trưng tiêu biểu của phong cách Đồng Dương.

Với những giá trị to lớn và độc đáo nêu trên, UBND TP Đà Nẵng gửi hồ sơ chi tiết về 3 hiện vật Đài thờ Mỹ Sơn E1, Đài thờ Trà Kiệu, Tượng Bồ tát Tara và đề nghị Bộ VHTT-DL trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận 3 hiện vật trên là bảo vật quốc gia.

Nếu được Thủ tướng Chính phủ chấp nhận thì đây là 3 bảo vật quốc gia đầu tiên của TP Đà Nẵng.

Công Bính