Đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu thêm 5 năm
(Dân trí) - Để đối phó với nguy cơ “vỡ quỹ” lương hưu, Vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đề xuất phương án tăng thêm 5 năm làm việc so với tuổi hưu hiện nay. Tuy nhiên, đang có nhiều ý kiến trái chiều về đề xuất này.
Tăng tuổi nghỉ hưu của cả nam, nữ và tăng tuổi nghỉ hưu của nữ là hai phương án vừa được Bộ Lao động - Thương bình và Xã hội (LĐ-TB&XH) đề xuất tại hội thảo lấy ý kiến nội dung hướng dẫn điều 187-Bộ Luật lao động về tuổi nghỉ hưu.
Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tuổi nghỉ hưu thực tế bình quân chung (53,2 tuổi) thấp hơn nhiều so với tuổi nghỉ hưu hiện nay; trong đó nam là 55,1 tuổi, nữ là 51,6 tuổi. Trong khi đó, theo Tổng cục Dân số, tuổi thọ trung bình và kỳ vọng sống của người Việt Nam đang tăng. Những nguyên nhân này đã tạo nên áp lực về mất cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong tương lai gần đòi hỏi Việt Nam phải có những thay đổi về tuổi nghỉ hưu. Để giải quyết nguy cơ “vỡ quỹ, tại hội thảo vụ Bảo hiểm xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đã đề xuất 2 phương án tăng tuổi hưu cùng hai phương án về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Theo đó, phương án 1, tăng ngay thêm 5 năm làm việc. Phương án 2, thực hiện tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình. Thời điểm áp dụng tăng tuổi hưu bắt đầu từ 1/1/2014.
Đề xuất tăng thêm 5 năm làm việc nhằm tránh nguy cơ "vỡ quỹ" lương hưu
Trước đề xuất tăng thêm tuổi làm việc đối với người lao động, bà Hà Thị Thanh Vân Phó trưởng Ban Chính sách - Luật pháp (Hội Phụ nữ Việt Nam) cho rằng, nếu tiếp tục điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu của cả nam và nữ thì sẽ không đảm bảo được việc lồng ghép bình đẳng giới trong xây dựng chính sách. Bà Vân cũng cho rằng, việc chênh 5 năm làm việc hiện nay đang tạo nên thiệt thòi cho người phụ nữ trong cơ hội việc làm, đào tạo, thu nhập và cần thay đổi để đảm bảo quyền bình đẳng cho phụ nữ.
Một số ý kiến khác cũng cho rằng cần tiếp tục có những đánh giá, nghiên cứu sâu về tác động của pháp luật đến với các đối tượng, không chỉ là đối tượng thụ hưởng chính sách mà cả đối với cá nhân, tổ chức sử dụng lao động. Về thời điểm áp dụng, một số ý kiến cho rằng, nên thực hiện ngay từ 1/5/2013 cùng với thời điểm Bộ Luật lao động mới có hiệu lực.
Nhìn nhận vấn đề thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Minh Huân cũng cho rằng mặc dù vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được đưa vào Bộ luật lao động, song chưa được cụ thể hóa rõ ràng. “Chính phủ đã giao Bộ LĐ-TB&XH xây dựng nghị định hướng dẫn thi hành điều luật về tuổi nghỉ hưu. Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức lấy ý kiến về tuổi nghỉ hưu, tìm ra phương án chung để khi đưa vào luật thực hiện không bị vướng mắc và đảm bảo lợi ích của đại đa số người lao động”- ông Huân nói.
Thanh Trầm