Đề nghị sớm thể chế hóa việc miễn học phí, hỗ trợ bữa trưa cho học sinh
(Dân trí) - Đó là những chủ trương rất đúng đắn, hợp lòng dân, rất cần được thể chế hóa sớm để nhân dân được thụ hưởng, theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Sáng 5/5, Quốc hội nghe Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Đỗ Văn Chiến trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp.
Đề nghị sớm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước
Ông Chiến cho biết cử tri và nhân dân bày tỏ sự quan tâm sâu sắc và đồng thuận với các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước như miễn học phí cho học sinh từ giáo dục mầm non đến hết bậc trung học phổ thông; ưu tiên bố trí cơ sở vật chất dôi ra sau sắp xếp tổ chức bộ máy cho lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa cộng đồng…

Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến (Ảnh: Phạm Thắng).
Cử tri là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đánh giá cao Đảng và Nhà nước, Chính phủ kịp thời ban hành chính sách rất phù hợp cho những người bị ảnh hưởng do sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.
Ông Chiến cũng cho hay cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực của Đảng và Nhà nước trong việc tháo gỡ "nút thắt", "điểm nghẽn" để thúc đẩy phát triển đất nước, nhiều công trình dự án trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ.
"Phản ứng nhanh nhạy, kịp thời của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đứng đầu là Tổng Bí thư Tô Lâm, trước việc Mỹ áp đặt thuế quan đối với các nước trong đó có Việt Nam được cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân đánh giá cao và hoan nghênh", ông Chiến cho biết.
Bên cạnh đó, theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cử tri và nhân dân hoan nghênh lãnh đạo Đảng, Nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
"Nhiều vụ việc được điều tra làm rõ, xử lý nhiều cán bộ nghiêm minh nhưng cũng rất nhân văn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người vi phạm là ai", ông Chiến nêu rõ.
Ông Chiến cũng cho biết nhiều ý kiến cử tri và nhân dân rất băn khoăn lo lắng về chính sách áp đặt thuế quan của Mỹ làm cho giá vàng, tỷ giá đồng USD, thị trường chứng khoán biến động mạnh...
Cử tri và nhân dân băn khoăn, lo lắng, bức xúc, bất bình và lên án mạnh mẽ đối với một số vấn đề nổi lên trong thời gian gần đây như tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, sữa giả, thuốc giả, thực phẩm kém chất lượng; lừa đảo, quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng, theo ông Chiến.
Trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị trong quá trình tổ chức thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy, hiệu lực, hiệu quả, "gần dân, sát dân" chủ động phục vụ nhân dân, các cơ quan chức năng cần kịp thời tham mưu cho Đảng, Nhà nước điều chỉnh vướng mắc, phát sinh (nếu có).
Cơ quan này cũng đề nghị các cơ quan chức năng kiên quyết xử lý, chặn đứng, đẩy lùi nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, đồng thời chấm dứt tình trạng sử dụng sim rác gọi điện chiếm đoạt thông tin cá nhân lừa đảo, đăng tin thất thiệt...
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cũng đề nghị các bộ, ngành liên quan khẩn trương tham mưu để cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước như miễn học phí cho học sinh, nghiên cứu ban hành chính sách hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh...
"Đó là những chủ trương rất đúng đắn, hợp lòng dân, rất cần được thể chế hóa sớm để nhân dân được thụ hưởng", ông Chiến nêu rõ.
Luật hiệu lực 10 năm nhưng có danh mục chưa ban hành
Trình bày báo cáo tóm tắt kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 8, Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Dương Thanh Bình cho biết Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương đã tích cực, tập trung chỉ đạo giải quyết, trả lời khối lượng lớn kiến nghị của cử tri.

Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện và Giám sát của Quốc hội Dương Thanh Bình (Ảnh: Phạm Thắng).
Theo ông Bình, một số chính sách ưu đãi của Nhà nước chưa được triển khai do bộ, ngành chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành. Trong đó, cử tri tỉnh Hà Tĩnh đề nghị ban hành danh mục các ngành, nghề chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.
Ông Bình cho biết qua giám sát cho thấy Luật Giáo dục nghề nghiệp năm 2014 quy định miễn học phí đối với người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù theo quy định của Chính phủ.
Tuy nhiên, ông Bình cho biết sau gần 10 năm kể từ khi luật có hiệu lực, chính sách miễn học phí này vẫn chưa được triển khai do chưa ban hành danh mục. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) khẩn trương tham mưu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành danh mục trên.
Bên cạnh đó, cử tri tỉnh Hậu Giang kiến nghị thay thế Thông tư số 08/1988 của Bộ GD-ĐT về khen thưởng và kỷ luật học sinh phổ thông.
Theo ông Bình, qua giám sát cho thấy Bộ GD-ĐT đã xây dựng dự thảo thông tư thay thế, đăng tải lấy ý kiến từ ngày 1/7/2020. Tuy nhiên, gần 5 năm trôi qua, thông tư thay thế vẫn chưa được ban hành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Bộ GD-ĐT khẩn trương ban hành thông tư thay thế Thông tư số 08.