Kết quả thanh, kiểm tra dự án WB4 của PMU18:
Đề nghị kiểm điểm lãnh đạo Bộ GTVT và PMU18
Thanh tra Chính phủ vừa kiến nghị Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ GTVT tiến hành kiểm điểm và chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam, PMU18 và Ban QLDA đường bộ II kiểm điểm, rút kinh nghiệm về công tác quản lý, điều hành dự án nâng cấp cải tạo mạng lưới giao thông đường bộ (dự án WB4).
Đây là dự án của PMU18, được Thanh tra Chính phủ tiến hành theo chỉ đạo của Thủ tướng. Kết quả thanh, kiểm tra cho thấy, theo quyết định ký năm 2003, tổng mức đầu tư của dự án WB4 là gần 4.800 tỷ đồng, trong đó, dự kiến vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB) trên 224 triệu USD còn lại là vốn đối ứng của Việt Nam.
Theo quyết định này, năm 2003 sẽ tiến hành khảo sát, năm 2004 triển khai xây lắp và hoàn thành vào năm 2008. Nhưng đến năm 2005, Bộ GTVT lại có quyết định điều chỉnh danh mục một số tuyến đường cải tạo, nâng cấp và điều chỉnh mức đầu tư theo hướng tăng vốn vay của WB và vốn đối ứng (trên 100 tỷ đồng).
Do chấp hành không đúng các quy định như đã thỏa thuận, WB yêu cầu chủ đầu tư phải báo cáo ngay tài chính được kiểm toán, nếu không sẽ không chấp thuận việc bổ sung vốn vào tài khoản đặc biệt, không gia hạn thêm ngày kết thúc khoản cho vay và trì hoãn đàm phán hay tạm dừng các khoản vay mới.
Theo hiệp định với WB, nội dung đầu tư WB4 gồm 3 hợp phần là: khôi phục và mở rộng khoảng 600 km thuộc hệ thống đường bộ quốc gia ở miền Bắc; bảo dưỡng định kỳ khoảng 1.100 km đường bộ quốc gia; tăng cường năng lực cho Cục Đường bộ Việt Nam trong hoạt động quản lý, đánh giá và theo dõi các hoạt động duy tu, bảo dưỡng đường và các công trình đường, triển khai các dự án…
PMU18 và Ban QLDA đường bộ II được chọn làm đại diện chủ đầu tư quản lý các hợp phần này. Trong quá trình thực hiện dự án, Thanh tra Chính phủ phát hiện gói thầu QL 48-1 xuất hiện các vết nứt nhỏ tập trung ở nhiều vị trí tiếp giáp giữa nền mới và nền cũ. Tại các đoạn mới thi công phần Base cũng xuất hiện vết nứt dăm dọc theo mép đường bên phải. Do đó, từ tháng 2/2006, nhà thầu đã phải dừng thi công gói thầu này.
Ngày 21/2/2006, Tư vấn giám sát có báo cáo về sự cố trên nhưng đến ngày 16/8/2006, Bộ GTVT mới có thông báo cho thẩm định tìm nguyên nhân để khắc phục. Qua kiểm tra, đơn vị tư vấn kết luận một số điểm cục bộ, chiều dày và thành phần cấp phối bê tông nhựa không bảo đảm; với kết cấu như thiết kế kỹ thuật và mật độ lưu hành của phương tiện giao thông thì sau 90 ngày, công trình sẽ xuống cấp chứ không thể đạt được tuổi thọ 10 năm như mục tiêu đề ra. Theo Thanh tra Chính phủ, việc tháo gỡ những sự cố này không quá phức tạp nhưng Bộ GTVT đã thiếu sự chỉ đạo kịp thời để kéo dài thời hạn thi công, gây tổn thất cho Nhà nước…
Một cán bộ tham gia đoàn thanh, kiểm tra cho biết, do nền, móng đường yếu, nếu chỉ phủ lớp bê tông nhựa dày 5-7 cm như kế hoạch của Bộ GTVT thì công trình xuống cấp rất nhanh. Trong khi đó, theo khuyến cáo của WB, bề dày lớp bê tông nhựa phải đạt 20-30 cm.
Đối với hợp phần thứ hai với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng, theo quyết định đầu tư, công tác xây lắp sẽ tiến hành vào năm 2004 nhưng chủ đầu tư đã không tổ chức thực hiện được. Gói thầu ký hợp đồng thi công sớm nhất là ngày 20/7/2005, gói thầu số 12 thì đến ngày 20/10/2006 mới được mở lại thầu. Một số nội dung của hợp phần thứ ba cũng phải kéo dài đến năm 2009.
Tính đến ngày 30/9/2006, kết quả giải ngân cho hợp phần do PMU18 và Ban QLDA đường bộ II chỉ đạt 18,3 triệu USD, bằng 6% kế hoạch! Việc chậm trễ thi công nhất là các hạng mục thi công dở dang sẽ dẫn đến những thiệt hại lớn cho chủ đầu tư. Sau khi ông Nguyễn Việt Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT và Bùi Tiến Dũng, nguyên Tổng Giám đốc PMU18, bị bắt tạm giam, dự án càng bị đình trệ. Tuy nhiên, Bộ GTVT đã không kịp thời kiện toàn, bố trí người thay thế, khiến thiệt hại về kinh tế trong dự án này càng lớn. Vì vậy, Thanh tra Chính phủ đề nghị xử lý nghiêm các cán bộ, cá nhân liên quan.
Theo Kiến Quốc
Sài Gòn Giải Phóng