Đề nghị Hội Bảo vệ quyền trẻ em VN có ý kiến lên Chính phủ về vụ sàm sỡ bé gái
(Dân trí) - Người dân gọi điện lên Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM hỏi rất nhiều về sự việc bé gái bị sàm sỡ trong thang máy. Phía chuyên gia tâm lý cho rằng, đấu tranh với tội phạm ấu dâm là việc phải làm, đồng thời không được quên bảo vệ cháu bé.
Các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực như luật sư, công an, tâm lý đã cùng lên tiếng về vụ việc bé gái bị ông Nguyễn Hữu L. sàm sỡ trong thang máy chung cư Galaxy 9, quận 4, TPHCM.
"Người dân hỏi, chúng tôi không biết trả lời"
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM) cho biết, nếu đơn yêu cầu khởi tố vụ án của Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM không có phản hồi, Hội sẽ tiếp tục gửi đơn lần thứ 2 đưa ra đề nghị khởi tố vụ án đối với vụ bé gái bị sàm sỡ trong thang máy.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ
Bà Nữ cũng cho biết, sáng nay bà đã trực tiếp gọi điện đến Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, đề nghị Hội có ý kiến lên Chính phủ. Những ngày qua, rất nhiều người dân gọi điện đến đường dây nóng của Hội hoặc trực tiếp đến trụ sở của Hội để hỏi về vụ việc nhưng quả thật... họ chưa biết trả lời thế nào.
"Một sự việc có thật, một vụ án có thật diễn ra như vậy mà mình không làm gì được để bảo vệ trẻ em thì có thể làm gì? Sự việc này trước mắt cần được khởi tố", luật sư Nữ bày tỏ quan điểm.
Bà Nữ phân tích, hình ảnh thể hiện trong clip cho thấy người đàn ông không chỉ sàm sỡ bé gái một lần mà tận 2 lần. Sau khi buông ra, ông ta lại tiếp tục ôm siết chặt bé gái. Hành vi này đủ cấu thành tội "Dâm ô trẻ em" đúng nghĩa theo điểm b, khoản 2, Điều 146 BLHS năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, có khung hình phạt cao nhất là 7 năm tù. Hành vi này hoàn toàn không phải là cưng nựng bình thường.
Trước đó, vào ngày 5/4, Hội Bảo vệ quyền trẻ em TPHCM đã gửi văn bản đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận 4 và Viện Kiểm sát nhân dân quận 4 đề nghị khởi tố vụ án. Hội đánh giá, hành vi của ông Nguyễn Hữu L. cần được khởi tố để điều tra về tội “dâm ô với người dưới 16 tuổi” theo quy định tại điều 146 bộ luật Hình sự 2015.
"Người tốt không được im lặng trước cái xấu"
Tại tọa đàm "Bạo lực học đường, dâm ô trẻ em - Chống được không?" vừa diễn ra ở TPHCM, Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm (Trường ĐH An ninh Nhân dân, Bộ Công an) cho hay, một số quy định của pháp luật chưa theo kịp với thực tiễn xã hội; việc xử phạt không đảm bảo tính răn đe.
Việc xử phạt 200.000 đồng đối với đối tượng Đỗ Mạnh Hùng trong vụ việc sàm sỡ nữ sinh trong thang máy ở Hà Nội là một minh chứng cho sự thất bại của pháp luật.
Thiếu tá Lâm khẳng định, dâm ô với trẻ em là tội ác - tội ác này cần phải được lên tiếng. Người tốt không được im lặng trước cái xấu.
Thiếu tá Lê Hoàng Việt Lâm
Sự việc ở quận 4, theo ông Lâm, cách xử lý quyết liệt của Ban quản lý chung cư cần được nhân rộng, tuyên dương. Nếu Ban Quản lý chung cư không làm tốt và không có trách nhiệm khi phát hiện vụ việc (như cắt điện ngôi nhà, cử bảo vệ giám sát đối tượng, báo cáo với công an phường…) thì vụ việc có thể đã bị “ém” khi đối tượng thực hiện hành vi tìm cách tiếp cận với gia đình nạn nhân để thỏa thuận.
Đấu tranh với tội phạm, không được bỏ rơi nạn nhân
Nhà tâm lý học Phan Thị Hoài Yến (Bệnh viện Thủ Đức) cho hay, việc truy tố, đấu tranh chống tội ác ấu dâm, xâm hại tình dục trẻ em là việc phải làm.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, một việc cực kỳ quan trọng là bảo vệ nạn nhân. Đừng để một đứa trẻ bình thường biến thành bất thường vì một sự việc đã xảy ra.
Chuyên gia tâm lý Phan Thị Hoài Yến
Theo bà Yến, bị tổn thương về mặt tinh thần hay thực thể đều gây ra sự đau khổ. Tổn thương tinh thần không cân đong đo đếm được, có người mang theo suốt cuộc đời nhưng có người vượt qua, tiếp tục cuộc sống tốt.
Tuy nhiên, điều đó tốt trong bao nhiêu lâu, chúng ta vẫn chưa thể trả lời được. Đau khổ về mặt tinh thần có thể gây ra sang chấn, bệnh stress, gây ra trầm cảm, phải điều trị lâu dài.
Bà Yến cho rằng, có nhiều vụ việc chúng ta đưa thông tin quá rộng, quá công khai về nạn nhân, vô tình gây sức ép cho các cháu. Các cháu đi đâu cũng có nhiều người tỏ vẻ thương xót trong khi thực tế các cháu không cần sự tội nghiệp, thương xót đó mà cần được an toàn, được hỗ trợ tâm lý.
Bà Yến cũng nhấn mạnh, người có hành động lệch lạc về mặt tình dục là tội phạm. Nhưng ở góc độ khác, họ cũng cần được hỗ trợ tâm lý để không lặp lại những hành động trên.
Hoài Nam