1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Đề nghị công nhận di tích quốc gia đặc biệt cho di tích khởi nghĩa Yên Thế

(Dân trí) - Giáo sư Đinh Xuân Lâm - Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam - ủng hộ tỉnh Bắc Giang hoàn tất tiến trình nghiên cứu khu di tích cuộc khởi nghĩa Yên Thế để Chính phủ sớm công nhận di tích quốc gia đặc biệt cho khu di tích này.

Liên tiếp trong 2 ngày 15-16/3, tại Yên Thế, Bắc Giang đã diễn ra hội thảo khoa học và khai mạc lễ hội kỷ niệm 125 năm cuộc khởi nghĩa của nông dân Yên Thế (1884 - 2009). Cuộc khởi nghĩa Yên Thế vang danh lẫy lừng tên tuổi thủ lĩnh tài ba Hoàng Hoa Thám (người dân thường gọi là Đề Thám) với biệt danh "Hùm xám Yên Thế". Đề Thám tiếp tục hoạt động kế thừa cuộc khởi nghĩa Cai Kinh (Hoàng Đình Kinh) ở Lạng Giang (1882-1888). Sau khi Cai Kinh chết, ông đứng dưới cờ nghĩa Lương Văn Nắm (tức Đề Nắm) và trở thành một tướng lĩnh có tài. Tiếp đến, ông lập căn cứ ở Yên Thế và lãnh đạo phong trào nông dân chống Pháp, trong gần 30 năm lãnh đạo đã tổ chức đánh nhiều trận, tiêu biểu là các trận ở thung lũng Hố Chuối (tháng 12 năm 1890) và Đồng Hom (tháng 2 năm 1892).

Cuộc khởi nghĩa Đề Thám được xem là cuộc khởi nghĩa nông dân lớn nhất, dài nhất trong lịch sử Việt Nam. Theo đánh giá của nhiều nhà khoa học thì cuộc khởi nghĩa Yên Thế là một phong trào yêu nước tiêu biểu nhất ở cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. 
 
Ban tổ chức lễ hội năm nay cho biết, lễ hội có nhiều hoạt động mang tính đời sống, phong phú và hấp dẫn nhằm đáp ứng nhu cầu tham dự của nhân dân địa phương cũng như du khách đến với khu di tích khởi nghĩa Yên Thế.

Chuẩn bị cho khai mạc lễ hội năm nay, khu di tích lịch sử Hoàng Hoa Thám đã được tu sửa, nâng cấp và bổ sung thêm một số hiện vật tại nhà trưng bày khởi nghĩa Yên Thế.


Đề nghị công nhận di tích quốc gia đặc biệt cho di tích khởi nghĩa Yên Thế - 1
Đề Thám (đứng giữa hai người áo trắng ở hàng thứ 3) với anh em nghĩa quân  (Ảnh tư liệu)

Tại Hội thảo khoa học "Bảo tồn và khai thác các giá trị di sản văn hoá về phong trào khởi nghĩa Yên Thế" diễn ra vào ngày 15/3 với sự phối hợp của tỉnh Bắc Giang và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức, nhiều nhà khoa học và đơn vị tham gia đã tập trung đánh giá vị trí cuộc khởi nghĩa trong lịch sử dân tộc. 

Ông Bùi Văn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang - bày tỏ mong muốn và đề nghị các cơ quan liên quan tiếp tục nghiên cứu, sưu tầm tài liệu làm rõ thêm về cuộc khởi nghĩa. Bên cạnh đó, ông cũng đề nghị các cơ quan liên quan chuẩn bị hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch xét trình Chính phủ công nhận di tích cuộc khởi nghĩa Yên Thế là di tích quốc gia đặc biệt.

Cùng quan điểm với tỉnh Bắc Giang, Giáo sư Đinh Xuân Lâm - Phó Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam - đã nhất trí  ủng hộ địa phương hoàn tất tiến trình nghiên cứu khu di tích cuộc khởi nghĩa Yên Thế để Chính phủ sớm công nhận di tích quốc gia đặc biệt cho khu di tích này.

Thế Cường