1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Đề nghị Bộ GTVT đốc thúc thu hồi tài sản vụ Vinashin

(Dân trí) - Việc thu hồi cả nghìn tỷ đồng theo bản án của TAND Tối cao đối với các bị cáo trong vụ án xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cựu Chủ tịch HĐQT Vinashin (giữa) cùng đồng phạm có thoát án bồi thường 34,8 tỷ đồng?
Cựu Chủ tịch HĐQT Vinashin (giữa) cùng đồng phạm có thoát án bồi thường 34,8 tỷ đồng?

Đó là thông tin ông Nguyễn Thanh Thủy - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) - trao đổi với PV Dân trí sáng nay 20/3.

Theo ông Thủy, ngoài việc các đơn vị được thụ hưởng số tiền bồi thường theo phán quyết của tòa án không mặn mà với việc gửi đơn yêu cầu thi hành án thì một vướng mắc rất lớn hiện nay là những cá nhân phải bồi thường (lãnh đạo các đơn vị thuộc Vinashin - PV) có quá ít tài sản (?!). Trong quá trình thực hiện các biện pháp tố tụng vụ án trước đây, tài sản của những người liên quan đã không được ngăn chặn, phong tỏa, đảm bảo phục vụ cho công tác thi hành án sau này.

Trước thông tin mà nhóm nghiên cứu thuộc Ban Nội chính Trung ương đưa ra về việc cựu Chủ tịch HĐQT Vinashin Phạm Thanh Bình và đồng phạm có thể “thoát” bồi thường 34,8 tỷ đồng theo bản án của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao năm 2012,  ông Nguyễn Thanh Thủy cho biết sẽ yêu cầu rà soát, xem xét lại việc này.

Gần nhất, Tổng cục Thi hành án dân sự đã có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải (GTVT) hỗ trợ, đốc thúc công ty, đơn vị được liên quan làm đơn yêu cầu thi hành án, thu hồi tài sản về ngân sách nhà nước.

Trước đó, như Dân trí đã phản ánh, sau rất nhiều công văn hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền, chỉ có 2/6 doanh nghiệp làm đơn yêu cầu thi hành án là Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin.

Đáng chú ý, Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh không làm đơn yêu cầu thi hành án với lý do: HĐQT và hội đồng cổ đông công ty cho biết Công ty Công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh không bị thiệt hại và không yêu cầu ông Phạm Thanh Bình, Nguyễn Văn Tuyên (nguyên Giám đốc Công ty cổ phần công nghệ tàu thủy Hoàng Anh) và Đỗ Đình Côn (nguyên Kế toán trưởng Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh) phải bồi thường số tiền trên 34,8 tỷ đồng theo quyết định của bản án. Lý do là tài sản đầu tư của công ty vẫn còn tính đến thời điểm hiện tại, giá trị tài sản lớn hơn nghĩa vụ phải bồi thường nên công ty không làm đơn yêu cầu thi hành án (!).

Nhóm nghiên cứu Ban Nội chính Trung ương còn cho biết, mặc dù các cơ quan có thẩm quyền đã nhiều lần hướng dẫn, thuyết phục nhưng cho đến cuối tháng 9/2014 vẫn còn 2 doanh nghiệp chưa làm đơn yêu cầu thi hành án để thu hồi khoản tiền của nhà nước, đó là Công ty TNHH MTV tàu thủy Cái Lân và Công ty TNHH MTV điện Cái Lân.

     Tổng số tiền phải thi hành án trên 1.100 tỷ đồng

Theo bản án hình sự số 454/2012 của Tòa phúc thẩm TAND thì Phạm Thanh Bình nhận mức án 20 năm tù và mức tiền bồi thường thiệt hại hơn 500 tỷ đồng; Trần Văn Liêm (nguyên Tổng giám đốc Công ty viễn dương Vinashin) 19 năm tù, bồi thường hơn 495 tỷ đồng; Tô Nghiêm (nguyên Giám đốc Công ty công nghiệp tàu thủy Cái Lân) 18 năm tù, bồi thường 16 tỷ đồng; Nguyễn Văn Tuyên 16 năm tù, bồi thường 14 tỷ đồng; Trần Quang Vũ (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu) 11 năm tù, bồi thường thiệt hại trên 25,4 tỷ đồng, đã nộp 1 tỷ đồng; Đỗ Đình Côn 10 năm tù và phải bồi thường cho Công ty cổ phần công nghiệp tàu thủy Hoàng Anh 14 tỷ đồng; Nguyễn Tuấn Dương (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long) 3 năm tù và phải bồi thường cho Công ty cổ phần đầu tư Cửu Long gần 25 tỷ đồng.

Bản án cũng buộc Phạm Thanh Bình, Trần Văn Liêm, Tô Nghiêm, Nguyễn Văn Tuyên, Đỗ Đình Côn, Trần Quang Vũ phải liên đới bồi thường cho 6 công ty tổng cộng trên 1.149 tỷ đồng; ngoài ra 9 bị cáo phải nộp án phí dân sự, hình sự và tiền phạt tổng cộng trên 1,9 tỷ đồng.


Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm