“Để lỡ những dự án tỷ đô vì chậm quy hoạch, quá đáng tiếc!”
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An thốt lên như vậy khi nói về những vướng mắc trong quy định về điều chỉnh, bổ sung, tạm dừng thực hiện quy hoạch… khiến rất nhiều dự án, hoạt động đồng loạt… tắc.
Sáng 15/7, Chính phủ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tình hình triển khai thi hành Luật Quy hoạch, trọng tâm là tình hình thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
Dự án cấp bách, địa phương thúc, Bộ… không trả lời được
Khái quát về tình hình, Phó Thủ tướng nêu ý nghĩa của việc lần đầu Việt Nam có một luật thống nhất để quản lý các quy hoạch, từ quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh và quy hoạch chuyên ngành. Tuy nhiên, vì mục tiêu làm đồng bộ, khối lượng công việc cần giải quyết rất lớn. Nhiều hoạt động, dự án đang đình trệ, bế tắc đòi hỏi lãnh đạo các bộ ngành, địa phương phải cùng vào cuộc tháo gỡ để việc triển khai luật Quy hoạch hiệu quả, không gây trở ngại với nền kinh tế.
Chia sẻ một số vướng mắc trong quá trình thực hiện Luật Quy hoạch, Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Văn Sinh nhấn mạnh nguyên tắc quy hoạch ngành phải phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất quốc gia và quy hoạch không gian biển quốc gia. Nhưng đến nay các quy hoạch này chưa thực hiện nên việc lập, phê duyệt hệ thống quy hoạch đô thị, nông thôn quốc gia không đảm bảo quy định.
Cũng theo ông Sinh, theo luật mới, việc lập, điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng, tỉnh, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật cấp tỉnh đã được bãi bỏ và sẽ được thực hiện khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt.
Vì thế, khi gặp các yếu tố mới phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện các quy hoạch trên không thể tổ chức điều chỉnh, dẫn tới đánh giá, phân loại đô thị để cụ thể hóa chương trình phát triển đô thị toàn tỉnh không thực hiện kịp thời. Các dự án hạ tầng kỹ thuật cấp vùng, cấp tỉnh gặp khó khăn trong triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, việc lập quy hoạch xây dựng liên huyện, vùng huyện cũng gặp khó khăn do phải chờ quy hoạch tỉnh được phê duyệt.
“Việc này gây tác động tiêu cực, làm giảm thu hút đầu tư, chậm triển khai thực hiện các dự án đầu tư, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế xã hội ở các địa phương” – Thứ trưởng Xây dựng nhận định.
Ông cũng nhắc đến khó khăn trong việc xác định danh mục quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được thực hiện trước thời điểm Luật Quy hoạch có hiệu lực chưa được làm rõ dẫn đến khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện quy định chuyển tiếp.
Thứ trưởng Xây dựng kiến nghị Chính phủ khẩn trương ban hành quy định lập quy hoạch chuyên ngành đồng thời với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đảm bảo phù hợp theo quy định. Đồng thời, Thứ trưởng Sinh cũng đề nghị bổ sung quy định, trong quá trình thực hiện luật, nếu cần thiết, có thể xem xét, rà soát, đánh giá và điều chỉnh nội dung quy hoạch của quy hoạch cấp quốc gia, vùng, tỉnh nhằm đảm bảo tính khả thi của quy hoạch.
Thứ trưởng Công Thương Đặng Hoàng An cũng cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay là không có quy định chuyển tiếp, không cho phép điều chỉnh quy hoạch. Bên cạnh đó, trình tự điều chỉnh quy hoạch theo luật mới rất phức tạp, gần như phải làm quy hoạch mới, gây cản trở nhiều với nhiều dự án.
Riêng với Bộ Công Thương, hiện có 3 lĩnh vực vướng mắc lớn nhất là điện, khoáng sản và năng lượng.
Thứ trưởng An thông tin, đối với lĩnh vực điện đã có quy hoạch điện quốc gia, tỉnh, thành nhưng hiện tại, 369 dự án điện… đều đang tắc cả. Ông An dẫn chứng với một dự án rất cấp bách ở Lai Châu là làm đường dây để giải tỏa tồn ứ công suất thủy điện. Thực tế, đường dây cần làm chỉ 30km, văn bản cần thiết đã nằm trên bàn Thủ tướng mà không thể phê duyệt được. Các địa phương cũng sốt ruột, liên tục hỏi Bộ Công Thương khi nào có thể điều chỉnh quy hoạch để đưa những dự án cấp bách tương tự vào mà Bộ… không trả lời được.
Thứ trưởng Công Thương cũng phân trần, hiện tại, việc đảm bảo nguồn điện liên quan lớn đến vấn đề phát triển kinh tế. Mỗi khi có dự án, có nhà đầu tư tới, ngành chức năng phải “vắt chân lên cổ” để lo điện ngay. Nhưng cái khó hiện nay là có nhiều dự án năng lượng hiện chưa được đưa vào quy hoạch và chính vì thế nên… tắc. Tình hình tương tự với ngành điện là lĩnh vực xăng dầu.
“Sắp tới sẽ có những dự án hóa dầu rất lớn nhưng lại chưa có quy hoạch. Nếu để lỡ các dự án lớn hàng tỷ đô la như vậy vì chậm quy hoạch thì rất đáng tiếc” – ông An ta thán.
Ông An chỉ rõ điểm lệch pha, theo luật Quy hoạch, đến tháng 11/2021 cả nước mới có quy hoạch tổng thể quốc gia. Trong thời điểm “trống” từ nay đến đó, các quy hoạch bên dưới đều tắc vì quy định quy hoạch quốc gia phải làm trước.
Phó chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan cũng chia sẻ về những vướng mắc khi luật Quy hoạch mới bãi bỏ quy hoạch ngành, lĩnh vực, làm ảnh hướng lớn đến đầu tư, huy động nguồn lực của thành phố lớn động lực kinh tế của cả nước. Ông Hoan kiến nghị Trung ương cho phép TPHCM trong khi chưa có quy hoạch mới thì tiếp tục thực hiện các nội dung trong các quy hoạch được duyệt, khi nào có quy hoạch mới thì bãi bỏ cái cũ.
Cần sớm được giải thích, tháo gỡ
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị
Về hướng tháo gỡ những vướng mắc thực tế phát sinh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ KH&ĐT chủ trì phối hợp với các bộ, ngành sớm trình Chính phủ để trình UB Thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số điều liên quan đến Luật Quy hoạch.
Về trình tự lập quy hoạch, kiến nghị theo hướng phải thực hiện đồng bộ, đồng thời, song song, để có thể áp ứng yêu cầu cho đầu tư phát triển nhưng vẫn bảo đảm đồng bộ giữa các quy hoạch. Trong năm 2020, phải cơ bản xong để phê duyệt.
Về điều chỉnh cục bộ quy hoạch trong thời kỳ từ nay đến 2020, Phó Thủ tướng đề nghị UB Thường vụ Quốc hội theo hướng cho phép cơ quan có thẩm quyền quyết định thực hiện các dự án đầu tư cấp thiết cho phát triển kinh tế-xã hội, sau đó cập nhật vào quy hoạch mới.
Với các quy hoạch đã lập, đã tổ chức thẩm định nhưng chưa phê duyệt như kiến nghị của một số địa phương, sẽ kiến nghị UB Thường vụ Quốc hội cho phép phê duyệt theo luật quy hoạch mới, nhưng không hồi tố các thủ tục trước đây.
Bộ KH&ĐT cũng được giao chủ trì thành lập các tổ chức công tác liên ngành để hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương; phối hợp với Bộ Tài chính sớm hướng dẫn phân bổ vốn cho công tác lập quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng quốc gia; sớm thành lập Hội đồng thẩm định quy hoạch cấp tỉnh.
Bộ TN&MT đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch không gian biển quốc gia và quy hoạch sử dụng đất quốc gia. Đây là những quy hoạch rất quan trọng, làm cơ sở để xây dựng các quy hoạch khác.
Phó Thủ tướng cũng lưu ý các bộ, ngành Trung ương khẩn trương soạn thảo, trình Chính phủ dự thảo các Nghị định, thông tư hướng dẫn Luật Quy hoạch. Đồng thời, tiến hành lập các quy hoạch ngành quốc gia. Ông dẫn chứng, Bộ Công Thương phải nhanh chóng lập quy hoạch điện 8 nhưng với một tư duy mới, một cách làm mới so với trước đây.
“Không ai có thể nói luật Quy hoạch đã được xây dựng là tốt nhất vì nhận thức là cả quá trình. Vậy thì việc điều chỉnh quy hoạch cho tốt hơn là điều rất khuyến khích, nó khác với điều chỉnh quy hoạch vì lợi ích cá nhân làm ảnh hưởng, phương hại đến lợi ích quốc gia và lợi ích cộng đồng” - Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.
P.Thảo