Để đơn thư quá hạn, nỗi oan của dân có “vô hiệu”?
(Dân trí) - Câu hỏi các đại biểu Quốc hội dành cho Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình trong buổi chất vấn chiều 19/3 “xoáy” vào trách nhiệm của những người làm công tác xét xử, vấn đề đạo đức cũng như những biểu hiện tiêu cực trong ngành tòa án.
Vũ Quang Hải (Hưng Yên) “bóc” báo cáo của Chánh án Trương Hòa Bình về tỷ lệ án hủy, sửa trong lĩnh vực đất đai tới 11,5% trong khi mỗi năm tòa tiếp nhận hơn 20.000 vụ. Ông Hải quy đổi, như vậy, mỗi năm có khoảng 2.000 án phải hủy, sửa riêng về lĩnh vực này? Có nguyên nhân từ ý thức chủ quan của thẩm phán khi giải quyết các vụ việc?
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận “xoáy” tiếp vào vấn đề ý thức chủ quan của những người cầm cân nảy mực. Ông Thuận nêu con số, trong số gần 40% đơn thư khiếu nại giám đốc thẩm được giải quyết đã có hàng ngàn vụ kháng nghị mà nguyên nhân do các cấp xét xử dưới vi phạm thủ tục pháp luật trong việc sử dụng chứng cứ chứng minh. Ông Thuận đặt câu hỏi, do trình độ thẩm phán yếu hay vì… cố ý?
Chánh án Trương Hòa Bình tiếp tục “chia sẻ” về con số án sai, hủy “đúng là không thể yên tâm”. Ông Bình gật đầu: “Lý do “chủ quan” về phía thẩm phán, thực ra chắc vẫn có cho nên mới có hiện tượng thẩm phán bị xử lý hình sự”. Xác nhận có tình trạng tiêu cực trong đội ngũ thẩm phán nhưng ông Bình vẫn đánh giá việc này không có tính phổ biến. Người đứng đầu ngành tòa án quả quyết không can thiệp, “đỡ đòn” giúp cấp dưới mà chủ trương sẽ xử lý nghiêm. Còn với những quan tòa có án bị hủy, sửa thì kiên quyết “xét lại” việc tái bổ nhiệm.
Tự biện về con số mới chỉ 40% đơn thư khiếu nại giám đốc thẩm được giải quyết, ông Bình cho rằng, với số lượng thẩm phán, cán bộ tòa án hiện nay thì cả đội ngũ làm việc hết công suất cũng chỉ giải quyết được khoảng 1/3 yêu cầu công việc. “Vậy mà thống kê tòa tối cao đã giải quyết được 40%, nhiều khi chúng tôi cũng không hiểu nổi làm sao sức mình có thể làm được vậy. Chúng tôi đã phải làm thêm cả ngày thứ 7, chủ nhật, làm việc phờ phạc”.
Đại biểu Vũ Quang Hải “dồn” tiếp nhân việc ông Bình than khó: “Nói tình hình thiếu cán bộ, một thẩm phán phải giải quyết khoảng 150 vụ việc/năm, trung bình 2 ngày/vụ. Nhưng án luôn tồn đọng, kéo dài, đơn thư khiếu nại cũng “om” đến lúc hết thời hiệu giải quyết. Án vô hiệu nhưng nỗi oan của người dân có vô hiệu?”.
Chánh án tòa tối cao “vớt vát”: “Đáng mừng thời gian gần đây số đơn khiếu nại giám đốc thẩm mà đến khi sờ tới đã vô hiệu không phát sinh mới, nếu có là tồn lại từ những năm trước. Chúng tôi sẽ kiểm điểm, xử lý trách nhiệm với cá nhân để đơn thư quá hạn”.
Chủ nhiệm Ủy ban Dân nguyện Trần Thế Vượng “vặc” lại: “Tôi chưa tin. Theo báo cáo của Chánh án, năm 2009 ngành nhận được hơn 6.000 đơn khiếu nại dạng giám đốc thẩm, tái thẩm, cộng với hơn 5.000 đơn từ 2008 chuyển sang trong khi mỗi năm chỉ giải quyết được 40%. Vậy tôi khẳng định chuyển sang năm nay còn không ít đơn của 2007”.
Trước nghi vấn của đại biểu, ông Bình giải trình: thực tế đơn khiếu nại hiện tòa tối cao tiếp nhận để giải quyết mà để quá hạn thì không có vì còn thời hạn 3 năm để giải quyết. Nhưng những vụ việc còn tồn từ nhiều năm trước thì có nhưng đó là đều đã hết thời hiệu, không tiếp tục xem xét.
Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (thành viên của Ủy ban Tư pháp) lại nhìn nhận vấn đề ở khía cạnh trách nhiệm cá nhân của Chánh án TAND tối cao với việc giải quyết đơn thư khiếu nại giám đốc thẩm. Theo đó, ông Quyền đặt vấn đề, theo luật Chánh án phải trực tiếp xem xét, không thể ủy quyền cho Phó chánh án hay thẩm phán tòa chuyên trách làm thay.
Ông Bình “kêu trời”: “Nếu tất cả đơn khiếu nại đều phải do chánh án xem xét hết thì mỗi năm tôi phải giải quyết 5.000-6.000 đơn, không thể làm nổi. Mỗi ngày cật lực tôi cũng chỉ nghiên cứu được 2-3 vụ án đã qua các tòa chuyên trách xem xét rồi đề nghị để chánh án quyết định”. Dù vậy, ông Bình khẳng định vẫn có cơ chế giám sát quá trình xử lý của tòa chuyên trách và xin được đại biểu thông cảm.
P.Thảo