1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đề án quy hoạch báo chí đã được làm rất kỹ

(Dân trí) - Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết, Thủ tướng sẽ sớm chính thức ban hành Đề án quy hoạch báo chí. Đề án không được lấy ý kiến đối tượng tác động (các cơ quan báo chí) vì là văn bản điều hành cá biệt, đã được Trung ương, Bộ Chính trị cho ý kiến.

Thông tin dự thảo Đề án quy hoạch báo chí được trình Chính phủ, Thủ tướng xem xét quyết định trong tuần này khi chưa được lấy ý kiến các đối tượng bị tác động theo quy định của luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được báo giới nêu ra với Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Bắc Son trong cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều tối 25/4.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son giải thích, quy hoạch báo chí là nhiệm vụ chức năng của cơ quan quản lý quy định tại Điều 17 luật Báo chí. Việc triển khai quy hoạch này là nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ, đã được bắt đầu thực hiện cách đây 9 năm (năm 2006, tức là từ nhiệm kỳ trước, trước khi có Bộ TT-TT). Đề án được tạm dừng sau đó một thời gian vì được đánh giá là việc nhạy cảm phức tạp liên quan đến nhiều cơ quan chức năng, nhất là đội ngũ báo chí, cần xem xét cẩn trọng.
“Đề án quy hoạch báo chí không cần lấy ý kiến… báo chí”

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: Đề án đã được xem xét cẩn trọng và được làm rất kỹ.

Bộ trưởng TT-TT cũng đề cập thực tế, không nước nào có nhiều cơ quan báo chí như Việt Nam (838 cơ quan báo chí ở đủ các loại hình báo chí khác nhau). Việt Nam cũng chắc chắn là 1 nước rất tự do báo chí vì có rất nhiều báo của nhiều cơ quan, từ Trung ương đến địa phương, từ các Bộ, ngành tới các Hiệp hội. Bộ trưởng Son so sánh, ở nhiều nước, đến cấp Bộ cũng không hề có báo.

Về việc dự thảo đề án chưa được đưa ra lấy ý kiến các cơ quan báo chí, người làm báo, ông Son giải thích, đây là 1 văn bản cá biệt (không phải văn bản quy phạm pháp luật) nên việc tổ chức lấy ý kiến chỉ dừng ở cấp Bộ, ngành. Chính phủ đã tổ chức cuộc họp với các Bộ, ngành bàn về vấn đề này và đã ra kết luận số 437 ngày 5/12/2013 thông báo ý kiến quyết định của Ban cán sự Đảng Chính phủ sau cuộc họp.

Ông Son cho rằng, việc đó có nghĩa là dự thảo Đề án cũng đã được lấy ý kiến các cơ quan chủ quản báo chí. Ngoài ra, còn nhiều hội thảo khoa học tổ chức cả trong Nam ngoài Bắc về vấn đề này.

“Trong văn bản kết luận của Ban cán sự Đảng Chính phủ, Chính phủ cũng không chỉ đạo lấy ý kiến của tất cả các đối tượng tác động” – ông Son thông tin.

Về quá trình xây dựng đề án, Bộ trưởng TT-TT cho biết, Chính phủ đã 2 lần trình Bộ Chính trị xem xét Đề án này. Cụ thể, ngày 25/4/2014, sau lần trình đầu tiên, Bộ Chính trị đã có thông báo kết luận bằng văn bản về những điểm được và chưa được của Đề án, giao Chính phủ tiếp tục hoàn thiện. Đến 27/11/2014, Bộ Chính trị xem xét dự thảo Đề án lần thứ 2 và cũng có văn bản chỉ đạo lại các nội dung với Chính phủ.

Bộ Chính trị nhận định đây là vấn đề rất hệ trọng, nhạy cảm, cấp bách, có tác động lớn đến xã hội nên yêu cầu Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình ra Trung ương. Thực tế Hội nghị Trung ương 10 vừa qua đã xem xét nội dung này. Trung ương 10 cũng dành nguyên nội dung thứ 9 trong kết luận hội nghị để nói về nội dung, quan điểm, định hướng trong công tác quy hoạch báo chí.

Bộ trưởng Son khẳng định, theo quy trình, Chính phủ đã thực hiện đúng quan điểm, chỉ đạo của Bộ Chính trị về vấn đề quy hoạch báo chí.

“Ngày 13/3 vừa qua, Chính phủ đã trình Trung ương dự thảo đề án quy hoạch báo chí lần cuối. Thời gian tới, Thủ tướng sẽ xem xét ban hành chính thức đề án này và sẽ có kế hoạch để quán triệt thực hiện quy hoạch. Dù là văn bản cá biệt nhưng Chính phủ cũng lấy ý kiến Bộ Chính trị, Trung ương đến 3 lần. Chắc không có quy hoạch nào làm kỹ đến như vậy” – Bộ trưởng TT-TT chốt lại.

Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cũng quả quyết, báo giới không cần quá băn khoăn vì các vấn đề trong Đề án đã được cân nhắc rất kỹ, đảm bảo hướng tới lợi ích chung.

P.Thảo