ĐBSCL đối mặt hàng trăm mối lo từ biến đổi khí hậu
(Dân trí) - Biến đổi khí hậu, xây dựng đập thủy điện, lạm dụng thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp, khai thác tài nguyên vô tội vạ… đang là những mối đe dọa đến môi trường được các nhà khoa học Việt - Pháp đưa ra bàn luận tại hội thảo “Môi trường và biến đổi khí hậu” diễn ra tại Cần Thơ ngày 15/9.
Hội thảo là một trong những sự kiện chính của hội nghị Việt – Pháp lần thứ 10.
Ông Đào Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, Cần Thơ là địa bàn khá xa biển nhưng trong đợt hạn hán, xâm nhập mặn mới đây tại Cần Thơ, độ mặn đã lên đến 2 phần nghìn, cao nhất trong vòng cả trăm năm qua. Đây được xem là một trong những biểu hiện cực đoan tiêu biểu đến từ những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Theo ông Dũng, ĐBSCL hiện nay không chủ động được nguồn nước mặt, ngoại trừ sông Hậu. Chất lượng nước mặt hiện nay đã suy giảm đáng kể do ô nhiễm chất hữu cơ, nước không còn nhiều phù sa. Mực nước ngầm thấp hơn 3,5 m so với trước đây, có khi còn bị ô nhiễm do hữu cơ, kim loại nặng và nhiễm mặn.
GS-TS Nguyễn Ngọc Trân, người có gần 30 năm nghiên cứu khoa học, có những công trình tiêu biểu về sông Mê Kông, vùng ĐBSCL cho biết, châu thổ sông Mekong, mà đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là phần tận cùng về phía Nam giáp với biển, là một trong ba châu thổ lớn của thế giới bị uy hiếp nghiêm trọng nhất bởi sự biến đổi khí hậu (BĐKH) toàn cầu.
Các yếu tố như biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên nước trên thượng nguồn châu thổ, bao gồm việc chuyển nước (trong lưu vực và ra ngoài lưu vực), và nhất là việc khai thác thủy điện trên dòng chính sông Mekong ngày càng đe dọa đến sự “sống còn” của ĐBSCL.
GS.TS Nguyễn Ngọc Trân cho rằng để ứng phó biến đổi khí hậu như, đã đến lúc 6 nước trong lưu vực phải xây dựng một cơ chế sử dụng nguồn nước, trong đó quyền và lợi ích của mỗi quốc gia phải đi đôi với trách nhiệm và nghĩa vụ đối với cả lưu vực. Công việc này khó nhưng phải kiên trì.
“Chung sống với nước mặn, xem nước mặn và lợ là một dạng tài nguyên cần được khai thác. Hơn thế, biến “thách thức mặn” thành lợi thế của vùng đất duy nhất của lưu vực tiếp giáp với biển, sẽ mở ra những tiềm năng và khát vọng mới cho đồng bằng. Xây dựng cơ chế sử dụng nguồn nước cho sông Mekong như đã nói ở trên, được quy định bằng một điều ước quốc tế”- Ông Trân cho biết.
Theo ý kiến của nhóm chuyên gia Pháp AFD/IRD/CIRD: Việt Nam hiện có gần 10 triệu hộ dân đang trồng lúa và đó là nguồn sinh kế chính của họ. Biện pháp để thích ứng với biến đổi khí hậu, thích ứng với việc trồng lúa là vô cùng quan trọng đối với người nông dân Việt Nam. Việc sử dụng thuốc trừ sâu cao gấp 2 đến 3 lần cho phép không chỉ ảnh hưởng môi trường đất mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người nông dân.
Các chuyên gia Pháp cũng cho rằng, thời gian tới cần tiến hành thử nghiệm một số giải pháp như làm giảm phát thải khí mê tan trong hoạt động nông nghiệp, thích ứng hoạt động nông nghiệp trong môi trường và khí hậu mới, áp dụng sản xuất nông nghiệp thích hợp với điều kiện biến đổi khí hậu; phải huy động công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đồng thời có biện pháp để giúp đỡ người dân chuyển đổi các hình thức nông nghiệp.
“Phải sử dụng những phương pháp nông nghiệp bảo vệ được môi trường, nếu không 50% vùng đất nông nghiệp của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng rất nặng nề vào năm 2030”- một chuyên gia của Pháp cảnh báo.
Phạm Tâm