“Đầy tớ sai thì phải biết lắng nghe ý kiến góp ý của dân”

(Dân trí) - “Xây dựng xã hội mới không dễ dàng nên đã bộc lộ nhiều cái sai lầm. Vậy thì phải dũng cảm, luôn luôn suy nghĩ, lắng nghe ý kiến của trí thức, phát huy tinh thần dân chủ. Người lãnh đạo phải quan sát thật kỹ lưỡng, khoa học trong việc làm, nghệ thuật trong tập hợp được đội ngũ trí thức, tập hợp mọi người có quyền lợi chính trị, dân chủ vào xây dựng đất nước”.

 

gs-le-mau-han-e3412
GS.NGND Lê Mậu Hãn.

Trao đổi với PV Dân trí, GS.NGND Lê Mậu Hãn (Đại học Quốc gia Hà Nội) khẳng định: “Nói tới thắng lợi của Cách mạng Tháng 8/1945 là nói tới bước ngoặt lịch sử, mở ra kỷ nguyên mới độc lập, tự do của thời đại Hồ Chí Minh. Một dân tộc đầu tiên trên thế giới lúc bấy giờ thành lập được Nhà nước độc lập tự do theo thể chế dân chủ cộng hòa”.

Theo GS. Lê Mậu Hãn, 70 năm đã qua nhưng nhiều bài học lịch sử của Cách mạng Tháng 8/1945 cho tới hôm nay vẫn còn nguyên giá trị. “Để có cuộc khởi nghĩa ấy, chúng ta đã có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước đó rất lâu. Khi tình hình khẩn cấp thì lập tức triệu tập hội nghị của Đảng họp từ ngày 15/8/1945 và quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong toàn quốc để làm chủ đón quân đồng minh vào... “- ông Hãn nói.

Hàng loạt công việc đã được triển khai gấp rút. “Đại biểu các giới họp hôm 16/8/1845 nhất trí chủ trương khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, quyết định chủ trương cụ thể, bầu ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam. Như vậy Quốc dân đại hội có giá trị lịch sử như một tiền Quốc hội và Ủy ban Dân tộc giải phóng như Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam và kết thúc khởi nghĩa, hoàn thành thắng lợi để đưa đến sự kiện ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cách mạng Tháng 8/1945 là cuộc khởi nghĩa diễn ra trong toàn dân, một cuộc khởi nghĩa dân tộc với mục tiêu cao cả là độc lập dân tộc giành tự do. Cuộc khởi nghĩa dân tộc ấy thành công là nhờ chủ trương của Đảng dưới ngọn cờ của Hồ Chí Minh hay là tư tưởng độc lập tự do của Hồ Chí Minh”- GS. Lê Mậu Hãn khẳng định.

GS. Lê Mậu Hãn cho rằng nghệ thuật quân sự nắm bắt thời cơ để vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền từ cuộc Cách mạng Tháng 8/1945 đến hôm nay vẫn còn nguyên tính giá trị thời sự. “Nghệ thuật đó là quá trình tổ chức dưới ngọn cờ Hồ Chí Minh. Dân mình có truyền thống đã được nhiều nhà sử học đúc rút, mà như Cụ Hồ đã nói đại ý rằng dân tộc ta phải đương đầu với biết bao nhiêu cuộc kháng chiến, từ thời Hai Bà Trưng, nhưng đều giành được thắng lợi cuối cùng, nhân dân giữ được độc lập tự do, không phải bằng quân đông, tướng nhiều mà đó là ý chí của khát vọng độc lập, tự do. Tư tưởng của Hồ Chí Minh trên nền tảng tư tưởng dân tộc phát triển đất nước là một giá trị lớn, mang tầm vóc học thuyết dân tộc độc lập tự do, phát triển xã hội công bằng dân chủ văn minh”- GS. sử học Lê Mậu Hãn phân tích.

 

ho-chu-tich-6eaff

GS. Lê Mậu Hãn đặc biệt tâm đắc tinh thần đại đoàn kết dân tộc, trọng dụng nhân tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Mặc dù lúc bấy giờ đảng viên chưa có nhiều, những người ngoài đảng rất đông, nhưng hầu hết trí thức đã đứng dưới lá cờ của Hồ Chí Minh, sẵn sàng làm mọi việc giúp ích cho đất nước. Những trí thức phong kiến như như Phạm Khắc Hòe, Huỳnh Thúc Kháng, Bùi Bằng Đoàn… đến những trí thức “Tây học” như Vũ Đình Hòe, Nguyễn Văn Huyên, Tạ Quang Bửu, Hoàng Minh Giám, Trần Đại Nghĩa, Hồ Đắc Di, Tôn Thất Tùng... đều là nhân tài Việt Nam được đào tạo ở nước ngoài cũng đã trở về góp sức xây dựng đất nước.

Thắng lợi lớn nhất, triệt để nhất của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là đánh đổ chế độ nô lệ, xây dựng nhà nước kiểu mới, nhà nước do dân và vì dân. Cuộc bầu cử Quốc hội tháng 1/1946 và sau đó là thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, chính là bước đi có tính chiến lược, tài ba của Bác. Bài học lớn trong xây dựng nhà nước của cuộc Cách mạng tháng Tám là sự thay đổi bản chất nhà nước, nói như Bác là Nhà nước ấy không phải để đè đầu cưỡi cổ dân như chế độ thực dân phong kiến, mà bộ máy Chính phủ từ Trung ương đến địa phương phải là công bộc của dân, phục vụ nhân dân.

“Xây dựng xã hội mới không dễ dàng nên đã bộc lộ nhiều cái sai lầm. Vậy thì phải dũng cảm, luôn luôn suy nghĩ, lắng nghe ý kiến của trí thức, phát huy tinh thần dân chủ, không thể vội vàng. Người lãnh đạo phải quan sát thật kỹ lưỡng, khoa học trong việc làm, nghệ thuật trong tập hợp được đội ngũ trí thức, tập hợp mọi người tham gia và có quyền lợi chính trị, dân chủ vào xây dựng đất nước. Làm thế nào cũng phải vì lợi ích cao cả của dân. Cụ Hồ học kinh nghiệm của Mỹ, nên mới nói rằng nhà nước là đầy tớ của dân, nếu đầy tớ sai thì phải biết lắng nghe ý kiến góp ý của dân” - GS. Lê Mậu Hãn chia sẻ.

Thế Kha

 

 

“Đầy tớ sai thì phải biết lắng nghe ý kiến góp ý của dân” - 3