1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

“Dạy lái xe vô trách nhiệm có thể tạo ra những cỗ máy giết người”

(Dân trí) - “Rất nhiều người có giấy phép nhưng không biết lái xe. Tại sao báo cáo đào tạo lái xe tốt mà tai nạn vẫn xảy ra? Đào tạo lái xe là một nghề đặc biệt, nếu không làm bằng lương tâm và trách nhiệm thì rất dễ đào tạo ra những cỗ máy giết người…”.

Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng nhấn mạnh như vậy khi chủ trì Hội nghị Đẩy mạnh Xã hội hóa và nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác đào tạo, sát hạch lái xe diễn ra chiều qua 30/10.

Đăng ký 1 năm chưa được học

Tại Hội nghị, ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng Cục đường bộ Việt Nam - cho biết, nhu cầu đào tạo lái xe tăng cao trong thời gian qua, nhất là từ năm 2004-2010, nhu cầu đào tạo lái xe ô tô tăng từ 25-37%/năm. Có những thời điểm người có nhu cầu học phải đăng ký và chờ từ 3-6 tháng, có nơi 1 năm thì mới được đào tạo. Vì vậy, chủ trương xã hội hóa đào tạo nghề và việc tăng cường năng lực đào tạo, sát hạch lái xe theo hướng xã hội hóa, tăng cường quản lý Nhà nước nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch sẽ đáp ứng nhu cầu học lái xe của người dân, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.

Việc phát triển các cơ sở đào tạo lái xe ô tô hiện không đồng đều trong cả nước

Việc phát triển các cơ sở đào tạo lái xe ô tô hiện không đồng đều trong cả nước

Hiện trên cả nước có 316 cơ sở đào tạo lái xe ô tô và hầu hết có cả đào tạo lái xe mô tô; có 463 cơ sở đào tạo lái xe mô tô và máy kéo đến 1.000 kg do các Sở GTVT, cơ quan, đơn vị, địa phương đủ điều kiện thành lập và quản lý. Từ năm 2001 đến nay, xu hướng cơ sở đào tạo lái xe ô tô công lập chuyển sang bán công, số cơ sở tư thục hình thành mới tăng nhanh.

Mặc dù việc thực hiện chủ trương xã hội hóa đào tạo lái xe đã đạt được nhiều kết quả, nhưng ông Quyền cũng thừa nhận vẫn còn nhiều tồn tại làm hạn chế kết quả công tác quản lý đào tạo, sát hạch lái xe.

Cụ thể: Việc phát triển các cơ sở đào tạo lái xe ô tô không đồng đều trong cả nước; đội ngũ giáo viên đào tạo lái xe mới ở mức sàn, còn hạn chế về nghiệp vụ sư phạm và cập nhật kiến thức mới, trong quá trình đào tạo một số cơ sở chưa thực hiện đúng, đủ nội dung đào tạo và các quy định khác.

Sự phối hợp giữa các Sở GTVT với Lao động-Thương binh & Xã hội và các cơ quan quản lý cấp trên chưa tốt, việc thanh kiểm tra giám sát về đào tạo ở một số địa phương không đạt chất lượng, chưa kịp thời phát hiện các sai phạm để chấn chỉnh, uốn nắn và xử lý. Việc thu phí, chất lượng đào tạo còn nhiều tồn tại…

Giáo viên là tài xế lái xe

Tại Hội nghị, rất nhiều ý kiến tham luận cho rằng thực tế đang xuất hiện tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở đào tạo và sát hạch lái xe, lí do là vì quá dư thừa các cơ sở đào tạo lái xe.

Ông Nguyễn Việt Thắng - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh - cho biết, hiện tượng đổ xô về các địa phương tuyển sinh, khối lượng cực lớn và giảm giá quá thấp để cạnh tranh, điều này sẽ dẫn đến chất lượng đào tạo không đảm bảo.

Trong khi đó, ông Nguyễn Vi Tùng - Trung tâm dạy nghề lái xe ô tô số 8 - nêu dẫn chứng về nội dung học rất hình thức, khi đào tạo về cấu tạo xe và sửa chữa xe được bố trí 2 buổi nhưng nếu muốn đào tạo học viên có tay nghề đến nơi đến chốn về sửa chữa xe thì cần nhiều thời gian hơn, còn không thì bỏ hẳn nội dung này. Chương trình yêu cầu học tập trung mấy tháng trời. Nếu kiểm tra thì tất cả các cơ sở đào tạo, không cơ sở nào thực hiện đúng.

Nhiều đại diện của các Sở GTVT địa phương cũng nêu quan điểm về chất lượng giáo viên còn ở mức thấp, giáo viên chưa được đào tạo qua trường lớp mà chủ yếu là lái xe chuyển qua, thậm chí khi tiến hành kiểm tra sát hạch lại trình độ giáo viên dạy lái xe thì rất nhiều giáo viên không đạt yêu cầu.

Không cẩn thận dễ đào tạo ra những cỗ máy giết người

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Đinh La Thăng thẳng thắn đặt ra câu hỏi lớn về chất lượng đào tạo sát hạch lái xe và nhiều vấn đề liên quan đến công tác này.

“Tại sao báo cáo tốt nhưng tai nạn giao thông vẫn xảy ra? Có rất nhiều người có bằng mà không biết lái xe, đó là thực tế nhưng khi hỏi đến thì không Trung tâm đào tạo sát hạch nào dám thừa nhận. Đào tạo lái xe là một nghề đặc biệt, nếu người làm công tác này không làm bằng lương tâm và trách nhiệm thì rất dễ đào tạo ra những cỗ máy giết người” - Bộ trưởng Thăng nhấn mạnh.

Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng Đinh La Thăng phát biểu tại hội nghị

Bộ trưởng Đinh La Thăng giao cho Tổng Cục đường bộ Việt Nam chậm nhất trong quý I/2014 phải hoàn thành quy hoạch hệ thống đào tạo sát hạch lái xe để phê duyệt. Bộ trưởng Thăng cũng đề nghị các Bộ, ngành liên quan sớm ngồi lại với nhau để họp bàn và có ý kiến góp ý về chủ trương xã hội hóa, các quy định, nội dung cụ thể của chủ trương này.

Về giáo viên đào tạo lái xe, Bộ trưởng Thăng yêu cầu phải có tiêu chuẩn cụ thể và phải kiểm tra lại toàn bộ chất lượng giáo viên, sát hạch viên tại các Trung tâm, cơ sở đào tạo sát hạch lái xe hiện nay.

Bộ trưởng Thăng nói rõ, hoạt động đào tạo sát hạch lái xe là một dịch vụ xã hội đặc biệt, vì thế sản phẩm “xuất xưởng” phải là sản phẩm xã hội cần và không được phép có lỗi. Đào tạo làm sao để người ta có thể lái được xe chứ không phải chỉ cầm cái bằng.

Ngoài ra, người đứng đầu ngành giao thông cũng yêu cầu xem lại sự phân cấp quản lý giữa Bộ GTVT - Tổng Cục đường bộ Việt Nam - Sở GTVT các địa phương. Cùng với đó, cần mở rộng thành phần hội đồng sát hạch, mời các ngành cùng tham gia để minh bạch hóa. Phải có sự ràng buộc trách nhiệm cao hơn của các đối tượng tham gia vào quy trình đào tạo, sát hạch lái xe và không bắt buộc đào tạo tập trung.

Bộ trưởng Đinh La Thăng yêu cầu cuối năm 2014 phải cổ phần hóa và tư nhân hóa toàn bộ các cơ sở đào tạo lái xe, đồng thời tăng cường quản lý bằng việc siết chặt thanh kiểm tra trong công tác này.

Châu Như Quỳnh