1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An:

Dạy, học "liều" trong trường, lớp kiên cố hóa... dở chừng

(Dân trí) - Đã chậm 1 năm so với kế hoạch bàn giao phòng học kiên cố hóa cho các trường thuộc huyện biên giới Kỳ Sơn, trường lớp vẫn dang dở. Do thiếu phòng học, các trường vẫn “liều” đưa học sinh vào học trong điều kiện mất an toàn.

Dạy, học "liều" trong trường, lớp kiên cố hóa... dở chừng - 1

6 phòng học tại trường Phà Đánh 1 đã chậm bàn giao 1 năm. 
Trường lớp “kiên cố... hoãn”
 
Năm 2009, nằm trong đề án kiên cố hóa trường học huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) đã triển khai xây mới một số phòng học cho các trường. 5 phòng học tại cơ sở Độn Bọong - Trường Tiểu học Na Loi (xã Na Loi) và 6 phòng học thuộc Trường Phổ thông cơ sở Dân tộc bán trú Phà Đánh 1, xã Phà Đánh được khởi công xây dựng. Theo kế hoạch đến tháng 4/2010, các công trình này sẽ được hoàn thành và bàn giao cho ban giám hiệu nhà trường đưa vào phục vụ cho công tác giảng dạy.

Dạy, học "liều" trong trường, lớp kiên cố hóa... dở chừng - 2

Phòng học thì có nhưng cửa... không.

Theo đề án, 5 phòng học của cơ sở Độn Bọong - Trường Tiểu học Na Loi được xây dựng theo kiểu nhà cấp bốn, trần nhà đổ bê tông, mái lợp bằng tôn, các cửa làm bằng gỗ. Nhưng đến tháng 4/2011, công trình trông tiêu điều như vừa trải qua trận bão lớn. Cả dãy mái nhà, chỗ có mái tôn chỗ thì trơ những thanh xà gồ bằng sắt được bắc lên lâu ngày đã nhuốm màu hoen gỉ, đỏ quánh... 5 phòng học đều “lộng gió”. chưa có bất kì một cánh cửa nào được lắp.

Trong khi đó, trên các bức tường bị vẽ nhem nhuốc, từng cụm dây điện treo sơ sài. Quan sát trong những phòng học, một số cửa sổ được làm bằng phên nứa tạm bợ, nhìn lên trần nhà đã xuất hiện những vết rạn, nứt, thấm nước.

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Na Loi, thầy Lâm Vinh Hạnh cho biết: “Công trình xây dựng cơ bản hoàn thành từ tháng 4/2010. Nhưng sau đó thì thợ rút hết, phần mái tôn chưa được lợp, cửa, điện … chưa được hoàn thiện và dang dở cho đến nay.”

Cách cơ sở Độn Bọong của Trường Tiểu học Na Loi không xa là cơ sở chính của Trường Phổ thông cơ sở Dân tộc bán trú Phà Đánh cũng đang chịu cảnh công trình “kiên cố hoãn”. Cùng thời điểm tháng 4/2010, 6 phòng học gồm 2 tầng được thi công, chỉ 4 tháng sau đã xong phần thô. 

Dạy, học "liều" trong trường, lớp kiên cố hóa... dở chừng - 3
Học sinh học trong những căn phòng khá khang trang nhưng cửa sổ chỉ bằng những tấm phên nứa tạm bợ

Nhưng từ đó đến nay chẳng thấy bóng một nhân công nào tại công trường. Công trình phơi mình, ngổn ngang với những cọc chống, ván cốt pha đã có dấu hiệu mục nát...
 
Thầy Nguyễn Gia Tùng, Hiệu trưởng trường Phà Đánh giãi bày: “Ban giám hiệu của các trường được phê duyệt xây dựng phòng học đều không nắm được bất kì thông tin gì quanh việc xây dựng các công trình. Nhà trường chỉ có nhiệm vụ đề xuất địa điểm còn việc xây dựng đều do huyện và xã tiến hành. Vì vậy công trình xây dựng dang dở, ngổn ngang chúng tôi cũng chẳng biết kêu ai...”.

Khổ cả thầy và trò

Đến nay, thời điểm bàn giao các công trình kiên cố hóa này đã vượt thời hạn đúng 1 năm, giáo viên và hàng trăm học sinh ở 2 ngôi trường này đang gặp rất nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy, học tập.

Dạy, học "liều" trong trường, lớp kiên cố hóa... dở chừng - 4
Nhiều phòng học ở Phà Đánh vẫn dang dở vì nhà thầu

Tính từ thời điểm xây dựng phòng học mới (tháng 10/2009), Ban giám hiệu trường Tiểu học Na Loi đã phải mượn các công trình cộng đồng trên địa bàn xã để giảng dạy. Các công trình này đều ở xa trung tâm nên học trò đến lớp rất thất thường. Tuy nhiên đến đầu năm học 2010-2011, địa phương lấy lại các địa điểm này để sử dụng vào việc khác, trường không còn cơ sở để giảng dạy. 

Thầy hiệu trưởng Lâm Vinh Hạnh tỏ ý băn khoăn về việc không thấy tiếp tục thi công các phòng học chưa hoàn thiện. "Chữa cháy", nhà trường đã nhờ phụ huynh gia cố tạm các cánh cửa bằng phên tranh nứa để đưa công trình vào sử dụng”. Còn thầy giáo Lâm Văn Tuấn - một giáo viên dạy ở cơ sở mới Độn Bọong lại phàn nàn vấn đề chất lượng xây dựng: “Thời điểm mưa nhiều các phòng học có hiện tượng rấm nước, chúng tôi buộc phải cho học trò nghỉ giữa chừng vì sợ mất an toàn”.

Dạy, học "liều" trong trường, lớp kiên cố hóa... dở chừng - 5

Cơ sở Độn Bọong - Trường Tiểu học Na Loi đang chịu cảnh dang dở
 
Trường Phà Đánh may mắn hơn khi không phải dạy học "nhờ" nhưng cả thầy và trò cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Gia Tùng cho biết: “Vì thiếu phòng học, chúng tôi phải bố trí dạy 2 ca sáng và chiều nên không có điều kiện để dạy thêm, phụ đạo cho học sinh yếu kém. Đặc biệt là không có điều kiện tổ chức ôn luyện cho các em học sinh lớp 9 chuẩn bị thi tốt nghiệp. Một điều nữa khiến chúng tôi luôn lo ngại đó là việc công trường ngổn ngang rất dễ xảy ra tai nạn cho học sinh”.
 
Được biết tình trạng chậm hoàn thiện, bàn giao các công trình trường học để đưa vào sử dụng đã được ban giám hiệu nhà trường đưa ra phản ánh tại các cuộc họp có sự tham gia của lãnh đạo Phòng Giáo dục, lãnh đạo huyện Kỳ Sơn nhưng chỉ nhận được những lời hứa: “Sẽ khẩn trương đôn đốc nhà thầu tiếp tục xây dựng hoàn thiện các công trình trong thời gian sớm nhất”.

Trao đổi với PV, ông Trần Văn Khánh - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Kỳ Sơn phân trần: “Hiện tại chúng tôi cũng khó xử về việc một số phòng học xây dựng dở dang này. Lý do là nhà thầu triển khai chậm, rồi giá cả lại tăng nhanh quá... Chúng tôi đã nhiều lần nhắc nhở và mời nhà thầu lên làm việc. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục đốc thúc, đồng thời sẽ đề nghị huyện thành lập hội đồng đánh giá tiến độ. Việc chậm trễ thế này thì không thể chấp nhận được. Nếu nhà thầu không làm được chúng tôi sẽ mời nhà thầu khác ...".

Nguyễn Duy - Anh Sơn