Day dứt tiếng đàn Trbon dưới chân núi Ka Đay
(Dân trí) - Mỗi khi ánh trăng rọi sáng cả núi rừng, Hồ Phượng dẫn đám trai tráng trong bản ra đầu con suối ca hát. Nghe tiếng đàn Hồ Sen cùng vài cô thiếu nữ khác cũng dẫn nhau ra con suối, đáp lại bản nhạc của đám trai tráng.
Mê mẩn đàn Cần Đong
Dạo bộ trên con đường nhỏ phảng phất làn gió nhẹ trong nắng chiều cuối đông dưới chân núi Ka Đay, bản Rào Tre, xã miền núi Hương Liên, Hương Khê - Hà Tĩnh, chúng tôi nghe những âm thanh véo von lạ kỳ, lúc trầm, khi bổng. Đó là tiếng đàn của một cặp vợ chồng ở bản Rào Tre - nơi có bộ tộc người Mã Liềng, một nhánh của người dân tộc Chứt, đang định cư.
Lần theo tiếng nhạc tâm tình du dương, chúng tôi tìm vào căn nhà đơn sơ của đôi vợ chồng Hồ Phượng và Hồ Sen. Dẫu nắng chiều đã nhạt dần sau đỉnh Giăng Màn nhưng cặp đôi "nghệ sỹ" vẫn đang mải mê những bản tình ca bằng 2 loại nhạc cụ đơn giản mà độc đáo đến lạ kỳ.
Không cần nghe tiếng nhạc chỉ cần nhìn vào người đàn ông đang say sưa thổi đàn ấy cũng đủ hiểu lão là một người có máu nghệ sỹ nhất cái bản xa xôi, nghèo khó dưới chân núi Ka Đay này. Tai lão đeo vành khuyên, một thứ trang sức mà gần như chỉ thuộc về những người khác phái ở bản Rào Tre. Mái tóc lão cũng bồng bềnh trau chuốt nhưng bàn tay lão trông sần sùi, dấu ấn của năm tháng bám núi, bám rừng kiếm sống, song cũng là yếu tố góp phần mang lại cho tiếng đàn của lão thêm đặc sắc.
Thấy khách lạ vào, lão ngưng bản nhạc tình tứ đang thổi, bỏ chiếc đàn Cần Đong - giống chiếc đàn môi vào một chiếc hộp nhôm nhỏ rất kín đáo, được trau chuốt thật đẹp. Nghe khách hỏi, lão không ngần ngại bật mí, chiếc kèn là vật quý báu mà người xưa truyền lại cho mình.
Trước sự hiếu kỳ của của khách, Hồ Phượng sẵn lòng biểu diễn đàn Cần Đong. Lão nhè nhẹ đặt chiếc đàn lên miệng đã mở hé, dùng ngón tay trỏ của bàn tay phải khảy nhẹ trên đầu lưỡi gà của chiếc đàn rồi di chuyển nó qua lại giữa hai hàm răng. Theo điệu nhạc, môi lão, lúc căng tròn, lúc xẹp xuống. Tiếng nhạc cũng vì thế lúc bổng, lúc trầm, lúc thủ thỉ.
Chừng năm phút sau khúc dạo đầu làm say đắm, mê mẩn lòng khách, Hồ Phượng dừng lại giải thích: Đấy là trích đoạn của một điệu nhạc chàng trai bày tỏ tình yêu với một người con gái, đại ý rằng:
Dù con nai bỏ rừng
Hồ Phượng cũng không quên chia sẻ cách thổi Cần Đong: "Phải dồn khí ngay từ trong cổ họng để khí lọt ra ngoài khoang miệng, nhờ đó âm thanh phát ra sẽ có những cao độ khác nhau. Tùy theo sự điều tiết hơi dài ngắn và cách điều khiển của ngón tay mà âm thanh Cần Đong sẽ trầm bổng, rì rầm".
Lấy vợ nhờ tiếng đàn
"Đàn Cần Đong không chỉ để tiêu khiển mà còn được nam nữ thanh niên người Mã Liềng ngày xưa sử dụng để thổ lộ tâm tình của người con trai với người con gái" - lão già Hồ Phượng bật mí thêm.
"Đàn môi là một nhạc cụ độc đáo, với hình dáng nhỏ nhắn, xinh xắn, dài khoảng 5 cm, có hai bộ phận chính là khung cố định và lưỡi gà mỏng tạo độ rung. Ở Việt Nam, đàn môi được đồng bào các dân tộc thiểu số rất ưa chuộng. Loại đàn môi bằng kim khí có thể tìm thấy ở vùng người dân tộc Gia Rai, bằng thau ở dân tộc Mông, bằng tre ở dân tộc Ba Na, Ê Đê... và bây giờ còn tìm thấy ở dân tộc Chứt với tên gọi đàn Cần Đong". |
Thời trai trẻ, ông Phượng nổi tiếng chơi Cần Đong, còn Hồ Sen không thua kém, vừa "sắc nước" vừa giỏi chơi đàn Trbon - một loại đàn riêng biệt của người Mã Liềng được cấu tạo từ một ống nứa dài khoảng 50cm với 2 sợi dây nhỏ và một thanh giang mỏng dùng để đều khiển âm sắc.
Mỗi khi ánh trăng rọi sáng cả núi rừng, Hồ Phượng dẫn đám trai tráng trong bản ra đầu con suối ca hát. Nghe tiếng đàn Hồ Sen cùng vài cô thiếu nữ khác cũng dẫn nhau ra con suối, đáp lại bản nhạc của đám trai tráng. Sau vài mùa rẫy, tiếng nhạc đã khiến chàng trai Hồ Phượng và cô gái Hồ Sen đượm tình như cây và đất ở núi Ka Đay. Và rồi họ nên vợ, nên chồng, sống chung thủy đến bây giờ.
Nhắc lại chuyện xưa, nhờ tiếng đàn mà trái tim níu kéo được chàng nghệ sỹ Hồ Phượng, bà Hồ Sen không ngại ngần, chơi một bản nhạc cho chúng tôi nghe. Những ngôn từ tiếng Mã Liềng chúng tôi không hiểu được song phần nào cảm nhận được thông điệp của bản nhạc, một khúc tâm tình của người con gái đối với người con trai. Bà Hồ Sen cũng giải thích cho chúng tôi tương tự như vậy.
Ước nguyện "người giữ lửa"
Đàn Cần Đong và Trbon là những loại nhạc cụ đặc sắc của người Mã Liềng, góp phần làm nên bản sắc văn hoá truyền thống đa dạng và phong phú của các dân tộc Việt Nam. Nhưng cả bản Rào Tre, giờ chỉ thấy duy nhất vợ chồng lão già Hồ Phượng còn lưu giữ được những chiếc đàn này.
Hồ Phượng bảo, trước trong bản có nhiều chiếc đàn Cần Đong lắm, nhà nào cũng có một chiếc, nhưng giờ đàn hiếm như con nai, con thú trong rừng vậy. Còn đàn Trbon, được dân bản gọi là đàn ống hiện cũng không còn mấy người ở đây sử dụng được. Ngoài những người già trong bản, còn lại đám thanh niên, trẻ em rất hiếm ai có thể chơi được đàn Trbon.
Nhắc đến điều này lão già Hồ Phượng buồn bã, tiếc nuối, thổ lộ thèm muốn một thời rạo rực tiếng đàn xưa kia.
Trước khi chia tay, "người giữ lửa" âm nhạc cuối cùng ở bản Rào Tre này có một ước nguyện, tiếng đàn Cần Đong, Trbon sẽ còn vang mãi ở rừng núi Ka Đay
Đất Vũ - Văn Dũng