Bình Định:

Đầu xuân về Tây Sơn uống nước giếng cổ

(Dân trí) - Ai đã đến Bảo tàng Quang Trung (thị trấn Phú Phong, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) đều một lần uống ngụm nước từ giếng cổ của gia đình thân sinh Tây Sơn tam kiệt để được may mắn.

Trong không khí nô nức ngày lễ hội đầu năm mới, hàng nghìn lượt người xếp hàng tự tay xách cho mình gàu nước, uống một ngụm rồi rửa mặt, chỉnh trang quần áo tươm tất trước khi vào dâng hương trong điện thờ Hoàng đế Quang Trung. Dâng hương xong, trước khi về nhiều người còn lấy nước vào chai đem về nhà hay để đi đường uống với mong muốn để nhận được may mắn trong năm mới.

 

Đầu xuân về Tây Sơn uống nước giếng cổ - 1
Di tích giếng thân sinh nhà Tây Sơn tam kiệt được ghép bằng đá ong



Ngày xưa, giếng được xây bằng đá ong, về sau dân làng vét sâu thêm, xây thành để làm giếng nước uống chung cho cả làng. Quanh năm, dù thời tiết nắng hạn hay mưa bão, giếng cổ nước lúc nào cũng trong vắt, mát ngọt như bao đời nay.

 

Theo các bậc cao niên trong làng cho biết, trước đây ai đau ốm lên điện dâng hương xin nước uống bệnh sẽ chóng khỏi. Uống nước giếng sẽ được may mắn cả năm, uống ngụm nước giếng như hưởng lộc từ tổ tiên nơi “chôn nhau cắt rốn” của Tây Sơn tam kiệt, để trí được minh, nghĩa được bền, tình được vẹn.

 

Song hành trường tồn cùng giếng nước là cây me cổ thụ hơn 200 năm tuổi, cao 24 m, đường kính thân cây 1,2m, tán rộng bao phủ hơn 600 m2. Cây me được công nhận là cây di sản.
 
Đầu xuân về Tây Sơn uống nước giếng cổ - 2
Giếng được xây bằng đá ong lúc nào nước cũng sâu và trong vắt

 

Du khách sau khi đi dạo một vòng khuôn viên Bảo tàng, khi mệt mỏi ai cũng ngồi dưới bóng cây me cổ thụ này để nghỉ ngơi mới thấy lòng mình lắng lại. Đặc biệt, nhiều năm nay hạt của cây me cổ thụ được nhân giống, du khách từ Bắc vào Nam khi tham quan đều mua về làm kỷ niệm.

 

Bác Nguyễn Thành Danh, một vị khách từ TP.HCM ra thăm Bảo tàng cho biết: “Đi thăm Bảo tàng nhiều lần rồi, việc đầu tiên mình tự tự tay xách một gàu nước rửa mặt, uống một hơi cho sảng khoái rồi mới vào dâng hương trong điện thờ. Xong rồi tiếp tục dạo quanh khuôn viên Bảo tàng. Khi mệt ngồi dưới tán cây me cổ thụ, lòng như lắng lại, thấy mình bình tâm hơn, thanh thản hơn. Và lúc về mình không quên lấy nước giếng đựng vào chai để đi đường uống”.
 
Đầu xuân về Tây Sơn uống nước giếng cổ - 3
Quan niệm uống nước sẽ gặp may mắn nên ai cũng uống

Đầu xuân về Tây Sơn uống nước giếng cổ - 4
Các em nhỏ cũng được bố mẹ cho uống dòng nước mát lấy từ giếng cổ

Đầu xuân về Tây Sơn uống nước giếng cổ - 5
Rửa mặt xong du khách vào dân hương trong điện
 

Doãn Công