Đau xót nhân đôi
Thiếu 20.000 đồng tiền nhậu, hai thanh niên rủ nhau chặn xe người đi đường “xin” tiền. Bị hại, là một người bán bánh giò, đã dùng dao phản kháng. Một bên xâm phạm bất hợp pháp đến tài sản người khác, một bên xâm hại đến tính mạng con người. Và họ phải trả giá bằng những năm tháng tù tội.
Đó là vụ án “giết người trong trạng thái bị kích động mạnh” và “cướp tài sản” vừa được TAND TPHCM đưa ra xét xử trong một ngày cuối tháng 9.
Bị hại trở thành bị cáo
Mười năm trước, được một người đồng hương mách nước, Nguyễn Công Tuyển (SN 1968) rời Thái Bình vào TPHCM kiếm sống bằng nghề bán bánh giò dạo để nuôi vợ và 3 con nhỏ. Đó thực sự là một cuộc hành trình đầy nhọc nhằn, hiểm nguy. Nhiều lúc mệt rã rời, tưởng chừng không thể trụ nổi vì phải thức đêm, đạp xe hàng chục cây số, rao hàng khan cả cổ nhưng Tuyển vẫn phải cố, vì miếng cơm manh áo của cả nhà.
Vậy mà không ít lần trên đường đi bán, Tuyển bị cướp sạch những đồng tiền lời nhỏ nhoi thấm đẫm mồ hôi, nước mắt ấy. Nhiều lần như thế, Tuyển quyết tâm phải bảo vệ những đồng tiền mình vất vả kiếm được, cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ chén cơm của cả nhà.
Ngày 13/11/2006, khoảng 3 giờ sáng, Tuyển đi bán bánh giò về ngang qua quận Gò Vấp thì bị Đặng Đức Bảo Trực (SN 1986) và Trần Hoàng Long (SN 1987) đạp vào đầu xe khiến Tuyển té ngã xuống đất. Chưa kịp ngồi dậy, Tuyển bị Trực đánh vào mặt. Sẵn con dao dùng cắt bánh cho khách, Tuyển rút ra. Trực và Long bỏ chạy. Tuyển vừa hô “cướp” vừa đuổi theo. Để thoát thân, Trực nhổ một cây bông sứ bên đường đánh Tuyển. Lúc này, Tuyển rút dao đâm hai nhát vào bả vai và hông của Trực gây tỉ lệ thương tật 23%.
Bị cáo cũng là bị hại
Trực sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng. Bố mẹ không giàu có nhưng cũng chưa bao giờ để Trực phải thiếu thốn. Mẹ Trực nói, Trực rất ghét những kẻ cậy khỏe bắt nạt yếu, cũng từng lên án những kẻ cướp tiền của người nghèo... Vậy mà chính Trực là người rủ Long đi cướp tài sản, đạp xe và đánh anh Tuyển để lấy tiền.
Bà không thể ngờ Trực vì đi cướp tài sản mà bị đâm như thế. Mà có nhiều nhặn gì cho cam, chỉ 20.000 đồng để trả tiền còn thiếu của chầu nhậu sinh nhật bạn. “Nó có thể về nhà xin tiền mẹ. Chỉ vì say mà làm càn, làm bậy. Đây là bài học nhớ đời cho nó. Nghĩ thế, tôi không đòi bồi thường tiền thuốc men. Mà chú Tuyển cũng khó khăn quá còn gì”.
Có lẽ hiểu được ngọn nguồn mọi chuyện do mình gây ra nên khi được nói lời sau cùng, Trực đã nghẹn ngào xin lỗi anh Tuyển và gia đình, “Xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt cho anh Tuyển và Long. Tại bị cáo mà họ mới nhận lãnh hậu quả hôm nay”. Long và Tuyển cũng hối hận xin HĐXX chiếu cố cho cả 3 bị cáo.
Bài học ứng xử
Khi được hỏi vì sao không dừng lại ở hành động rút dao ra dọa mà lại đâm Trực đến 2 nhát, Tuyển uất ức nói: “Bị cáo đi bán bánh giò suốt đêm lời lóm chẳng bao nhiêu, vậy mà năm ba hôm lại bị trấn lột một lần. Hôm ấy, tức giận quá nên bị cáo hành động như vậy”. HĐXX giải thích: “Nếu chỉ dùng dao phòng vệ để thoát khỏi tình huống nguy hiểm, bị cáo đã không trở thành tội phạm (Tuyển bị truy tố tội “giết người trong trạng thái bị kích động mạnh”).
Chính vì xử sự thiếu kiềm chế, xử lý tình huống không đúng pháp luật mà bị cáo phải vào vòng lao lý, cuộc sống gia đình vốn đã khó khăn lại càng bần cùng hơn”. Quay qua Trực, Long, vị chủ tọa nói tiếp: “Hành vi dùng vũ lực đe dọa người khác lấy tiền là “cướp”, không phải “xin” như các bị cáo đã thanh minh. Chỉ mấy chục ngàn đồng mà phải ở tù vì tội “cướp tài sản”, có đáng không?”.
HĐXX đã tuyên Trực, Long mỗi người 1 năm tù và Tuyển 1 năm 6 tháng tù. Mức án này thấp hơn đề nghị của VKS.
Theo Người Lao Động