Đầu tư tiền tỷ mở quán karaoke, hoạt động được 9 ngày thì bị đóng cửa
(Dân trí) - Không đảm bảo về quy định phòng cháy, quán karaoke phải dừng hoạt động, nhiều ông, bà chủ "khóc ròng", thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.
"Sáng mở mắt ra đã mất 1,3 triệu đồng"
Một chiều tháng 2, chị Nguyễn Thị Nhung - chủ quán karaoke, ở số 37, đường Nguyễn Du, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đứng thấp thỏm, lo âu nhìn khung cảnh ảm đảm tại cơ sở kinh doanh của mình.
Nữ chủ quán than thở, trước đây chị buôn bán quần áo ở chợ Vườn Hoa, phường Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa. Khoảng tháng 9/2022, sau khi dành dụm được ít vốn, chị quyết định dừng công việc bán quần áo, rồi vay mượn thêm từ gia đình, bạn bè để kinh doanh dịch vụ karaoke.
Không có tiền xây dựng quán karaoke mới, chị thuê lại mặt bằng kinh doanh karaoke cũ ở đường Nguyễn Du, có quy mô 6 phòng hát, với giá 30 triệu đồng/tháng. Quá trình tu sửa lại phòng hát, kèm tiền thuê mặt bằng, chị tiêu tốn hơn 1 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sau khi sửa sang xong, đưa quán hát vào hoạt động được 9 ngày thì bị tạm đình chỉ, dừng hoạt động cho đến nay.
"Vừa hoạt động được 9 ngày thì quán nhận được thông báo tạm đình chỉ hoạt động để thực hiện quy định phòng cháy, chữa cháy. Lúc đầu tôi nghĩ dừng một thời gian ngắn để khắc phục. Nhưng đến nay đã 5 tháng trôi qua, quán vẫn chưa được mở cửa trở lại", nữ chủ quán chia sẻ.
Cũng theo chị Nhung, nhiều tháng qua, kể từ khi quán bị tạm đình chỉ, kinh tế gia đình chị rơi vào cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất.
"Chỉ tính riêng tiền thuê mặt bằng, điện, nước hàng tháng, mỗi sáng mở mắt ra đã mất 1,3 triệu đồng. Đây là kế sinh nhai duy nhất, giờ đóng cửa khiến cuộc sống của chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Suốt mấy tháng nay, chúng tôi phải gồng lên để cầm cự, thậm chí đi vay lãi ngày để đóng tiền mặt bằng. Nếu tình trạng này còn kéo dài, có khả năng phải từ bỏ quán karaoke đi tìm nghề khác", chị Nhung than thở.
"Thiên đường karaoke" đìu hiu như thời đại dịch Covid-19
Cách cơ sở của chị Nhung không xa, hai quán karaoke số 27 và 29, trên đường Nguyễn Du với quy mô 12 phòng hát của gia đình bà Phạm Ngọc Thủy được đầu tư hơn 6 tỷ đồng, cũng đang trong tình trạng cửa đóng, then cài. Bà Thủy cho biết, gia đình bà đã gần 10 năm kinh doanh dịch vụ karaoke, đây là lần thứ hai quán hát rơi vào cảnh phải đóng cửa dài ngày.
"Hai năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 đã khiến những người làm kinh doanh dịch vụ karaoke như chúng tôi thua lỗ nặng nề. Sau khi kết thúc dịch bệnh, tưởng chừng mọi thứ sẽ ổn định trở lại, nhưng vừa hoạt động được thời gian ngắn thì phải đóng cửa quán vì quy định phòng cháy.
Tình trạng này kéo dài suốt mấy tháng qua khiến chúng tôi đang đứng trước nguy cơ phá sản. Toàn bộ vốn đầu tư vào quán hát đều là nguồn tiền vay lãi ngân hàng, giờ không hoạt động được, mỗi tháng chúng tôi tiêu tốn hàng chục triệu đồng để trả nợ", bà Thủy nói.
Theo bà Thủy, bà cũng như nhiều hộ kinh doanh dịch vụ karaoke không phản đối việc tạm dừng hoạt động để thực hiện quy định về phòng cháy. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần có "cơ chế mở" để tháo gỡ khó khăn cho người dân.
"Chúng tôi nghiêm chỉnh chấp hành, nếu cơ quan chức năng phát hiện ra cơ sở còn thiếu ở chỗ nào thì chúng tôi sẵn sàng bổ sung để đảm bảo điều kiện, chứ không thể kéo dài như thế này được. Chúng tôi hy vọng các ngành chức năng sớm có biện pháp để tháo gỡ những khó khăn, giúp chúng tôi sớm trở lại hoạt động", nữ chủ quán karaoke bày tỏ.
Cũng theo bà Thủy, việc đóng cửa nhiều ngày cũng khiến các thiết bị tại phòng hát bị xuống cấp do không sử dụng.
Qua tìm hiểu, tại đường Nguyễn Du - nơi được ví như "thiên đường karaoke" ở xứ Thanh hiện nay, hàng chục cơ sở kinh doanh karaoke đang trong tình trạng đóng cửa. Ngoài ra, một số quán karaoke do đóng cửa lâu ngày đã treo biển bán nhà hoặc chuyển sang kinh doanh ngành nghề khác.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về công tác rà soát, kiểm tra an toàn về phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn (PCCC&CNCH) trên phạm vi toàn quốc; Cục Cảnh sát PCCC&CNCH cũng có công văn hướng dẫn về việc tiếp tục đẩy mạnh kiểm tra an toàn PCCC&CNCH đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường.
Tại Thanh Hóa, cơ quan chức năng đã đồng loạt vào cuộc kiểm tra. Qua kiểm tra, trên địa bàn toàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 850 cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường, bar. Trong đó, Công an tỉnh quản lý về phòng cháy chữa cháy đối với 290 cơ sở; UBND các xã, phường, thị trấn quản lý 565 cơ sở.
Theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh Thanh Hóa, từ 16/8 đến 15/12/2022, cơ quan chức năng tiến hành 1.746 lượt kiểm tra/852 cơ sở. Quá trình kiểm tra phát hiện 415 cơ sở vi phạm. Đồng thời xử phạt hành chính với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Ngoài ra, cơ quan chức năng đã tạm đình chỉ hoạt động 11 cơ sở (trong đó có 9 cơ sở vi phạm về PCCC).
Về vấn đề nhiều quán karaoke đồng loạt đóng cửa, theo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, trong quá trình kiểm tra, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke tự thấy không đảm bảo an toàn PCCC đã chủ động xin dừng hoạt động để khắc phục các tồn tại.
UBND tỉnh Thanh Hóa cũng yêu cầu công an tham mưu thành lập đoàn kiểm tra liên ngành cấp tỉnh, kiểm tra đối với một số cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự; các cơ sở có nguy hiểm cháy, nổ cao, cơ sở kinh doanh dịch vụ vui chơi, giải trí tập trung đông người trên địa bàn.
Quá trình kiểm tra cần kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục các vi phạm, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính; tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự đối với các cơ sở vi phạm nghiêm trọng.
Thông tư số 147/2020/TT-BCA, ngày 31/12/2020 của Bộ Công an quy định biện pháp đảm bảo an toàn PCCC&CNCH đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, dịch vụ vũ trường, gồm: Điều kiện an toàn, thiết kế, thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu, bố trí lực lượng phòng cháy và chữa cháy; kiểm tra an toàn về PCCC&CNCH và trách nhiệm của công an các đơn vị, địa phương.
Ngoài ra, các cơ sở cần đảm bảo đầy đủ về phương tiện PCCC như: Bình chữa cháy, hệ thống báo cháy tự động, hệ thống chữa cháy tự động, hệ thống họng nước chữa cháy trong nhà, hệ thống cấp nước chữa cháy ngoài nhà, phương tiện cứu người, mặt nạ lọc độc, phương tiện chiếu sáng sự cố và chỉ dẫn thoát nạn, phương tiện, dụng cụ phá dỡ thô sơ (tùy vào quy mô của cơ sở kinh doanh sẽ áp dụng các phương tiện PCCC theo quy định).