1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Dấu son trong tiến trình hội nhập

Có lẽ sẽ chẳng bao giờ người Việt Nam, nhất là những người Việt Nam đang may mắn có mặt ở đất nước Thụy Sỹ, quên được ngày 7/112006, khi mà WTO, thể chế thương mại lớn nhất hành tinh, làm lễ kết nạp đất nước mình làm thành viên thứ 150.

Không quên, bởi nó đánh dấu một bước đi lên của đất nước trong tiến trình hội nhập và phát triển. Không quên, bởi diễn ra ngay trước thềm Hội nghị APEC lần đầu tiên tổ chức tại Hà Nội, đánh dấu một bước tiến dài trong quá trình hội nhập của Việt Nam vào guồng máy thể chế quốc tế.

 

Không quên, cũng bởi đây là kết quả của một quá trình đàm phán cam go, quyết liệt, kéo dài 11 năm và gần 10 tháng, mà trong đó, những người chủ xướng và thực hiện của đất nước Việt Nam mình vừa phải lèo lái tại các bàn đàm phán quốc tế, lại vừa phải làm “công tác dân vận” trong nước cho kịp với tiến trình hội nhập. Đó chính là điều mà nhiều nhà phân tích quốc tế đã nhận xét: Việt Nam đã nắm bắt đúng xu thế của thế giới và đã chủ động chuẩn bị để đi vào hội nhập với dòng chảy của thế giới ngày nay.

 

Có mặt ở Geneva trong những khoảnh khắc trọng đại này của dân tộc Việt Nam, có thể thấy không khí Geneva 1 ngày trước sự kiện này có vẻ vẫn yên ắng. Có lẽ người dân ở đây cũng đã quen với những sự kiện mang tầm quốc tế kiểu này thường xuyên diễn ra tại thành phố của họ.

 

Nhưng nếu bạn hỏi bất kỳ một ai trên đường phố nghĩ gì về việc Việt Nam gia nhập WTO, chắc chắn bạn sẽ nhận được những lời chúc tốt đẹp. Tất nhiên, bạn bè cũng không quên những lời cảnh báo. Đúng vậy, điều này thì Việt Nam cũng đã ý thức được từ lâu. Vào WTO vừa là cơ hội, vừa là thách thức, tuy nhiên, cơ hội là to lớn, dù thách thức cũng không vừa.

 

Gặp nhau trong những ngày này, những người Việt Nam có mặt tại Geneva còn nhắc lại vòng đàm phán cuối cùng về quy chế thành viên mới của Việt Nam đã kết thúc tại thành phố này vào ngày 26/10 vừa qua trong niềm hân hoan của tất cả những người con đất Việt đang có mặt nơi đây cùng các bạn bè quốc tế. Khi đó, các văn bản về quyền và nghĩa vụ của Việt Nam trong khuôn khổ thể chế này được tất cả các nước thành viên chấp thuận và điểm dấu son trong tiến trình Việt Nam hội nhập với thế giới.

 

Và ngày 7/11, các văn bản này đã được trình cuộc họp của Đại hội đồng WTO để thông qua. Lịch sử đã bắt đầu một trang mới với Việt Nam! Và thành phố Geneva, từng một lần chứng kiến một sự kiện lịch sử quan trọng hiếm có của Việt Nam vào năm 1954, thì hơn 50 năm sau, nay lại là nhân chứng chứng kiến thời khắc lịch sử này của đất nước Việt Nam thời hội nhập.

 

Cộng đồng quốc tế đón nhận sự kiện này của Việt Nam như thế nào? Sau gần 12 năm đàm phán là một quãng đường khá dài, song kết quả được của Việt Nam “có chất lượng cao”, đó là lời nhận xét của vị đại diện của Canada tại đây.

 

Còn tiếng nói từ nhiều quan chức EU thì nhận định, quá trình đàm phán đã phản ánh “giai đoạn quan trọng trong chuyển đổi của nền kinh tế Việt Nam cũng như là của hệ thống thương mại Việt Nam đang hội nhập với thế giới”.

 

Tuy nhiên, cũng có không ít lời cảnh báo. Để hội nhập thành công, Việt Nam cần phải nhanh chóng bắt kịp với trình độ phát triển kinh tế của các nước trong khu vực. Và trở thành thành viên WTO cũng có nghĩa là phải mở cửa hơn nữa thị trường trong nước, chấp nhận cuộc chơi chung. Song cả WTO và bất kỳ thành viên nào của WTO khó có thể chỉ ra cho Việt Nam phải làm cách nào là tốt nhất.

 

Một quá trình vừa học vừa làm đang bắt đầu trước mắt, để đi lên, hội nhập, phát triển. Nhưng với tất cả hành trình đã qua, đứng dưới trời Geneva hôm nay, tôi có niềm tin mãnh liệt rằng, đất nước Việt Nam mình lại sẽ thành công!

 

Lê Thu Hương (Gửi về từ Geneva)

Theo Sài Gòn Giải Phóng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm