Đầu năm bán rủi mua may
(Dân trí) - Cứ đêm mùng 7 đến rạng ngày 8 Tết chợ Viềng ở Nam Định lại tấp nập những người tìm về để “bán rủi, mua may”. Người biết thì thường về đây tìm đồ cổ, cây cảnh, thịt bò. Còn những kẻ hiếu kỳ du xuân thì háo hức kiếm trong những món đồ không biết thật giả chút niềm vui năm mới…
Viềng đúng ra là tên chỉ chung cho nhiều chợ họp vào rạng sáng ngày 8 Tết ở vùng Nam Định. Có 3 chợ đông nhất, thứ nhất là chợ Viềng ở huyện Ý Yên. Phổ biến hơn là chợ Viềng ở Vụ Bản, chuyên bán thịt bò, cây cảnh. Còn chợ bán rủi mua may là chợ Viềng ở Nam Trực, chuyên bán đồ cổ, đồ cũ.
Rủi kia ai bán mà mua!
Chợ xưa còn được gọi là chợ Cầu May. Người mua không mặc cả, kẻ bán không nói thách, cốt là để bán được cái rủi trong nhà và mua lấy cái may, cái lành. Bán được là mừng, mua được là quý. Quan trọng là người bán kẻ mua đều thành thật với vận hạn của nhau trong năm mới.
Chính vì điều quý báu ấy mà nhiều người tâm niệm chỉ cần một lần trong đời hòa lẫn vào dòng người nửa lạ nửa quen trong nhá nhem đèn đuốc chợ Viềng cũng là may rồi, không nhất thiết phải mua hay bán.
Năm, sáu năm gần đây đi chợ Viềng khó tìm được món đồ ưng ý. Đồ cổ, đồ cũ thật bán mãi thì cũng hết. Vào thời buổi mà thánh thần và lễ hội cũng được đem ra để làm kinh tế nhỏ thì chợ Viềng cũng ngập tràn đồ đểu. Không phải ai cũng dễ nhận ra những tế khí kim loại xanh gỉ vì công nghệ ngâm a xít, hay những bùn đất, trầy xước khôn khéo trên ấm, đĩa, bình, bát. Lắm kẻ dại đã mang về nhà những món đồ Bát Tràng, Đông Triều với giá cả trăm nghìn. Đồ cổ thật loại tầm tầm không phải không còn, nhưng tìm được nó thì cũng phải là tay sành sỏi.
Xưa đi chợ Viềng mua rủi để hóa may, nay khách hiếu kỳ đi chợ phải cẩn thận, không khéo mua về rủi thật.
Một thương hiệu... thịt bò Nam Định
Rẽ sang Vụ Bản, khách có thể lạc vào một thế giới của cây cảnh và… thịt bò (thực ra phần nhiều là thịt bê). Bê thui tại chợ Viềng Vụ Bản quả là độc nhất vô nhị với hàng trăm phản thịt chiếm quá nửa chợ. Năm ngoái quy mô của chợ Viềng Vụ Bản có lẽ đã lên đến mức kỷ lục khi Ban quản lý chợ ước tính có tới năm, sáu trăm con bê được xả thịt. Cung nhiều nên giá phải chăng, chưa tới 100 ngàn đồng cho một cân thịt bê "xịn". Năm nay gà thất thế do cúm nên có thể bò sẽ lại lên ngôi trong cán cân thực phẩm của khách tứ phương, giá cả vì thế cũng khó mà rẻ.
Vị giác của tuyệt đại những người mê phở đã gần như bị “trâu hóa”, “ngựa hóa” quanh năm. Hãy bỏ ra một lần trong năm (hoặc trong đời) để về Nam Định vào phiên chợ Viềng, ngồi trong một quán phở giữa cái rét ngọt và lất phất mưa xuân mà thưởng thức miếng thịt bò thơm ngon tan ra trong miệng. Bạn sẽ hiểu vì sao ngay cả ở “thủ đô” của phở như Hà Nội thì phở bò Nam Định chính hiệu mấy chục năm nay vẫn cứ bền vững trong ký ức thị thành.
Chơi xuân trên thánh địa nhà Trần
Nam Định là nơi phát tích của vương triều Trần. Theo lịch sử đây là một dòng họ làm nghề sông nước, thông qua hôn nhân mà thay thế nhà Lý nắm quyền một cách hòa bình. Ở Nam Định hiện có khoảng 60 di tích nhà Trần, trong đó lớn nhất là quần thể nổi tiếng gồm cung Thiên Trường, Chùa Phổ Minh và đền Cố Trạch, nằm ở ngoại thành Nam Định.
Cung Thiên Trường là nơi thờ chung của 14 đời vua nhà Trần. Cạnh đó là đền Cố Trạch, vốn là nhà của Trần Hưng Đạo. Đền Cố Trạch hiện đang sở hữu một pho sử bằng hình cực kỳ quý báu là bộ cửa gỗ chạm khắc tỷ mỷ những sự kiện lịch sử của triều đại anh hùng này như Hội nghị Diên Hồng, trận Bạch Đằng, trận Hàm Tử .v.v.
Cách cung Thiên Trường vài trăm mét là quần thể chùa - tháp Phổ Minh, nơi từng có vạc Phổ Minh - một trong An nam tứ đại khí (đã bị hủy hoại trong thời kỳ giặc Minh xâm lược). Vạc lớn nay không còn, nhưng chùa vẫn rất hấp dẫn du khách bởi những giá trị điển hình của mỹ thuật – kiến trúc Trần. Ấn tượng nổi bật là tòa tháp cao 14 tầng nằm trong khuôn viên chùa cùng với các tượng gỗ lớn trong chùa như tượng Trần Nhân Tông nhập Niết Bàn, tượng Trúc lâm tam tổ .v.v.
Với những người sùng kính những giá trị tâm linh của Đạo giáo thì đi chợ Viềng đầu xuân cũng là một dịp để về Phủ Giày lạy Thánh Mẫu Liễu Hạnh, thăm gần hai mươi di tích của quần thể di tích Phủ Giày và cầu xin tài lộc cho năm mới.
Lâm Bộ