Dấu mốc mới từ những “đại dự án” giao thông cán đích năm 2018

(Dân trí) - Năm 2018, nhiều dự án giao thông trọng điểm hoàn thành đã ghi lại những dấu mốc mới. Lần đầu tiên Việt Nam có sân bay tư nhân, lần đầu tiên những dự án ngoài ngân sách tiêu biểu đưa vào khai thác, tuyến đường sắt trên cao đầu tiên của Việt Nam hoàn thành xây lắp sau 1 thập kỷ được vận hành thử nghiệm...

Sân bay Việt Nam mang “dáng dấp” hiện đại nhất thế giới

Ngày 30/12/2018, Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh) chính thức khánh thành và đi vào hoạt động, khai thác hàng không dân dụng. Đây là sân bay tư nhân đầu tiên tại Việt Nam, với tổng mức vốn đầu tư 7.500 tỷ đồng, được khởi công từ đầu năm 2015. Ấn tượng đặc biệt là nhà ga “siêu đẹp” với thiết kế mang dáng dấp sân bay Changi, Singapore - một trong những sân bay 5 sao hiện đại nhất thế giới.

Dấu mốc mới từ những “đại dự án” giao thông cán đích năm 2018 - Ảnh 1.

Ngày 30/12, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (CHKQT) sẽ chính thức khai trương. Đây là sân bay tư nhân đầu tiên tại Việt Nam.

Sân bay này có 31 quầy làm thủ tục, 7 điểm đỗ máy bay và 4 ống lồng phục vụ hành khách di chuyển từ nhà ga lên máy bay, đáp ứng hoạt động khai thác của các “siêu máy bay” như Boeing 787 và Airbus 350.

Các hãng hàng không của Việt Nam sẽ khai thác bay quốc tế, nội địa và bay thuê chuyến cho các thị trường quốc tế đi/đến từ Vân Đồn là Vietnam Airlines và Vietjet.Trong năm đầu tiên mở cửa, sân bay Vân Đồn sẽ đón khoảng 500.000 lượt khách. Công suất thiết kế sân bay giai đoạn đầu là 2 triệu khách/năm và sẽ tăng lên 5 triệu khách/năm vào năm 2030.

Dấu mốc 1 thập kỷ của Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) có tổng chiều dài gần 13 km, gồm 12 nhà ga trên cao, bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư của dự án là 868,04 triệu USD, tương đương với hơn 18.000 tỷ đồng.

Dấu mốc mới từ những “đại dự án” giao thông cán đích năm 2018 - Ảnh 2.

Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông dự kiến đưa vào khai thác trước Tết Nguyên đán 2019 (ảnh: Toàn Vũ)

Sau gần 10 năm triển khai, hồi giữa tháng 9/2018, Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chính thức vận hành thử liên động toàn hệ thống, thời gian thử nghiệm từ 3 đến 6 tháng. Với vận tốc tối đa 65 km/h, vận tốc trung bình từ 30-35 km/h, các đoàn tàu sẽ chạy theo biểu đồ, đúng với quy trình của dự án.

Theo dự kiến, đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ được đưa vào khai thác thương mại trước Tết Nguyên đán 2019. Đây là dấu mốc quan trọng của dự án đường sắt trên cao đầu tiên tại Việt Nam, kéo dài gần 1 thập kỷ thực hiện dự án đường sắt trên cao đầu tiên tại Việt Nam.

Dự án "tiêu biểu" giúp di chuyển từ Hà Nội - Hạ Long chỉ còn 1,5 tiếng

Ngày 1/9/2018, cụm công trình giao thông gồm cao tốc Hạ Long - Bạch Đằng và cầu Bạch Đằng sẽ chính thức được thông xe, kết nối Quảng Ninh với Hải Phòng - khu vực trọng điểm kinh tế phía Bắc. Đây là các dự án tiêu biểu sử dụng vốn ngoài ngân sách Nhà nước.

Cao tốc Hạ Long - Bạch Đằng

Cao tốc Hạ Long-Bạch Đằng khởi công từ ngày 13/9/2014, tổng mức đầu tư hơn 13.000 tỷ đồng. Toàn tuyến dài 24,6 km, thiết kế 4 làn xe. Vận tốc xe chạy tối đa 100km/h. Cao tốc Hạ Long-Bạch Đằng giúp rút ngắn quãng đường từ Hạ Long đi Hải Phòng, giảm từ 75km xuống còn 25km.

Tuyến cao tốc Hạ Long-Bạch Đằng nối với cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, rút ngắn quãng đường Hà Nội - Hạ Long từ 180km xuống còn 130km, thời gian di chuyển giảm từ 3,5 tiếng xuống còn 1,5 tiếng.

Dấu mốc mới từ những “đại dự án” giao thông cán đích năm 2018 - Ảnh 3.

Từ Hà Nội đi Hạ Long với quãng đường từ 180km giảm xuống còn 130km, thời gian di chuyển từ 3,5 tiếng xuống còn 1,5 tiếng

Cầu Bạch Đằng

Cầu Bạch Đằng được khởi công từ tháng 1/2015 với mức đầu tư hơn 7.000 tỷ. Cầu bắc qua sông Bạch Đằng từ phường Đông Hải 2, quận Hải An ( Hải Phòng ) đến xã Liên Vị (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh).

Cầu có tổng chiều dài 5,4 km, rộng 25 m, 4 làn xe. Vận tốc lưu thông tối đa 100 km/h. Cầu chịu được động đất cấp 8. Cầu Bạch Đằng giúp rút ngắn 50 km từ Hải Phòng đi Quảng Ninh.

“Con đường tạo cơ hội” Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Với chiều dài gần 140km, cho phép xe chạy tối đa 120km/h, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được kỳ vọng là “con đường tạo cơ hội” cho các tỉnh Trung Trung Bộ phát triển đột phá, thông xe vào ngày Quốc khánh 2/9/2018. Đây là một trong những dự án trọng điểm quốc gia, cũng là tuyến cao tốc đầu tiên được xây dựng ở khu vực miền Trung.

Dấu mốc mới từ những “đại dự án” giao thông cán đích năm 2018 - Ảnh 4.

Cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thông xe ngày 2/9/2018

Dự án khởi công ngày 19/5/2013, đi qua địa phận các tỉnh/thành phố: Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Ngãi. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến 139,204km, trong đó tuyến cao tốc có chiều dài 131,5km, đoạn nối tuyến cao tốc với Quốc lộ 1A có chiều dài 7,7km, tổng mức đầu tư là 34.516 tỷ VNĐ (tương đương 1.640,82 triệu USD).

Tuyến cao tốc hoàn thành và đưa vào khai thác giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ Đà Nẵng đi Quảng Ngãi chỉ còn hơn 1 giờ, giảm 2 giờ đồng hồ so với lưu thông trên Quốc lộ 1.

Cụm công trình trọng điểm gỡ “nút thắt” cửa ngõ Thủ đô

Ngày 10/10, Bộ Giao thông vận tải đã chính thức thông xe tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình và cầu Việt Trì (Phú Thọ) - Ba Vì (Hà Nội). Đây là cụm công trình trọng điểm, kết nối Hà Nội với các tỉnh phía Tây Bắc, giúp rút ngắn 20km so với tuyến đường cũ.

Dấu mốc mới từ những “đại dự án” giao thông cán đích năm 2018 - Ảnh 5.

Tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình (ảnh: Toàn Vũ)

Với tuyến đường Hòa Lạc - Hòa Bình (giai đoạn 1), dự án có tổng chiều dài đầu tư 25,69km và tổng mức đầu tư là hơn 2.700 tỷ đồng (giảm được 200 tỷ đồng tổng mức đầu tư so với kế hoạch ban đầu). Việc đưa tuyến đường vào khai thác sẽ giảm khoảng cách, chi phí đi lại giữa các tỉnh Tây Bắc và Hà Nội, thu hút đầu tư cho vùng Tây Bắc.

Dự án đầu tư xây dựng công trình cầu Việt Trì - Ba Vì vượt sông Hồng, nối quốc lộ 32C với quốc lộ 2C theo hình thức BOT, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 1.400 tỷ đồng. Tổng chiều dài cầu và đoạn tuyến chính đường hai đầu cầu khoảng 9,46km. Việc thông xe và đưa vào khai thác giúp rút ngắn khoảng cách 20km từ Phú Thọ về Hà Nội so với lộ trình cũ, xóa bỏ phương thức đi đò không đảm bảo an toàn giao thông giữa 2 bờ sông Hồng.

Châu Như Quỳnh