1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

TPHCM:

Đau lòng phiên xử người con giết cha vì thương mẹ

(Dân trí) - Thương mẹ cả một đời lầm lũi mà khi bị tai nạn nằm một chỗ cha không chăm sóc, bao nhiêu tiền kiếm được cha giữ khư khư, trong một phút nông nổi, đứa con trai đã giết cha để "giải thoát" cho mẹ.

Như bao đứa trẻ khác, Trần Minh Phụng được sinh ra và lớn lên trong vòng tay bao bọc của cha mẹ. Tuy cuộc sống vất vả nhưng gia đình không thiếu vắng nụ cười.

Mẹ Phụng, bà Nguyễn Thị Kim Lành, hàng ngày tần tảo kiếm từng đồng tiền phụ chồng xây dựng kinh tế gia đình, lo cho con ăn học. Thương ba mẹ hàng ngày cần mẫn làm thuê mướn mà không thoát khỏi cái nghèo, học hết lớp 6, Phụng nghỉ học để lặn lội mưu sinh.

Năm 2005, mẹ Phụng bị tai nạn giao thông, gãy một chân nên không đi làm thuê được. Từ đó, biến cố gia đình cứ liên tục ập đến khi tình yêu thương của cha Phụng, ông Trần Văn Được, dành cho vợ con không còn mặn mà như xưa.

Lúc trước làm được bao nhiêu tiền ông đem về đưa vợ cất giữ, tích góp; nay khi vợ nằm một chỗ, làm được bao nhiêu ông giữ khư khư bấy nhiêu, tiêu xài cho riêng mình. Ông còn thường xuyên cáu gắt và mắng nhiếc vợ là “đồ vô tích sự”. Tình nghĩa phu thê của cha dành cho mẹ nguội lạnh và tình phụ tử cũng không còn mặn mà trong ngôi nhà ngày ngày Phụng đi về.

Nhận thấy sự ghẻ lạnh của cha, Phụng càng yêu thương mẹ nhiều hơn. Phụng đi làm thuê khắp nơi để kiếm tiền lo chạy chữa thuốc thang cho mẹ và nuôi sống cả gia đình.
Đau lòng phiên xử người con giết cha vì thương mẹ - 1
Sự ân hận muộn màng của đứa con mang tội giết cha

Sáng 15/8/2010, sau một thời gian đi làm xa về, Phụng ở nhà mở đầu đĩa DVD lên xem phim. Cha Phụng, ông Được thì lại thích xem tivi nên bắt Phụng tắt đĩa. Hai cha con nảy sinh cãi vã. Buồn bực, Phụng bỏ đi uống rượu.

Trưa cùng ngày, sau khi uống 2 lít rượu về, Phụng chạy xe bị té ngã trước sân nhà, nên bị cha chửi: “ĐM. Mày đi ăn nhậu về mà còn té xe vậy hả?”. Phụng trả lời: “Tui đi ăn nhậu mà tui còn biết đi làm mang tiền về nuôi mẹ, còn ông không biết ăn nhậu mà đi làm bao nhiêu tiền ông xài hết”. Nói xong, Phụng vào trong nhà và trút cơn giận vào chiếc tủ tivi. Ông Được đi ra vườn cao su sát nhà và chửi đổng: “Mày có giỏi thì ra đây đâm tao đi”. Lúc này, Phụng đang ở trong nhà bếp nấu cháo cho mẹ. Nghe tiếng cha chửi ra rả ngoài vườn, sẵn hơi men trong người càng làm Phụng chếnh choáng. Nghĩ đến những tháng ngày dài sống trong sự ghẻ lạnh của cha, sự vô tâm của cha đối với mẹ, Phụng càng ấm ức muốn giết cha để giải thoát cho mẹ. Tiếng ông Được lại thách thức vang lên, Phụng nói: “Ông thách tôi sẽ đâm ông à”. Phụng lấy con dao Thái lan dài đi ra vườn cao su đâm 3 nhát vào ngực, tay, lưng ông Được. Thấy cha té ngã nằm tại chỗ, Phụng như sực tỉnh. Biết mình đã gây nên tội lớn, hối hận, Phụng dùng dao tự đâm vào bụng để kết liễu đời mình.

Nghe tiếng la thất thanh, hàng xóm chạy đến, phát hiện sự việc nên đưa hai cha con Phụng đi cấp cứu. Do vết thương ở ngực gây thủng tim nên ông Được chết tại bệnh viện. Phụng được cứu sống và đến ngày 19/8/2010 thì bị bắt.

Ngày 17/12/2010, Trần Minh Phụng (21 tuổi, xã Tân Hưng, Tân Châu, Tây Ninh) đã bị TAND tỉnh Tây Ninh tuyên phạt 14 năm tù về tội: “Giết người”. Sau đó, VKSND cùng cấp đã kháng nghị tăng bản án đối với Phụng. Chấp nhận kháng nghị của VKS, ngày 24/3 vừa qua, tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM đã nâng lên thành 20 năm tù đối với hành vi của Phụng.

Trước tòa, bà Lành đau khổ khi nói về hoàn cảnh của mình. Bà vừa là đại diện cho người bị hại, vừa là mẹ của bị cáo. Chồng chết, bà không muốn mất luôn cả đứa con trai duy nhất. Bà đã khẩn thiết xin tòa giảm nhẹ hình phạt cho con để sớm có điều kiện về lo cho bà. Vì hiện tại bà bị gãy một chân không làm nuôi bản thân và lo cho gia đình được.

Luật sư bào chữa cho Phụng cũng cho rằng, nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn giữa cha con xuất phát từ sự thờ ơ, không chăm lo gia đình của ông Được. Mục đích bị cáo giết cha là để giải thoát nổi khổ cho mẹ. Mức hình phạt thấp nhất cũng đủ giáo dục và phòng ngừa.

Trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử, bị cáo thành khẩn khai báo ăn năn hối cải về hành vi sai trái của mình. Trong phiên tòa phúc thẩm, vẻ mặt của Phụng càng buồn rười rượi. “Bị cáo biết mình đã phạm một lỗi lầm quá lớn. Nhưng thực tâm, trong lòng bị cáo vẫn còn mang nỗi ấm ức về người cha luôn xúc phạm, chửi mắng mẹ… Tội bị cáo làm, bị cáo chịu!”.

Dự khán phiên tòa, những người hàng xóm của Phụng cho biết, Phụng hiền lành và chăm chỉ làm ăn lo cho gia đình. “Trong vụ án này, bị hại cũng có một phần lỗi. Trong lúc con mình say rượu, bị hại là người cha, nhưng không khuyên can, dạy bảo con về việc uống rượu là nguy hại mà lại gây gỗ, rồi có lời lẽ chửi thề, thách thức con mình. Giá như người cha biết cư xử tốt đẹp hơn với vợ, với con… Giá như…”, một người dự khán chặc lưỡi thở dài khi nhìn bóng dáng Phụng liêu xiêu bước ra xe về trại giam.

Công Quang