Đau lòng một di tích lịch sử quốc gia
(Dân trí) - Di tích lịch sử cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh (Thị trấn Nghèn - Can Lộc, Hà Tĩnh) được xếp cấp Quốc gia từ năm 1988, ghi lại dấu ấn của một trong những địa phương đi đầu trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Song hiện nay, những gì diễn ra ở đây đang là một thực trạng đau lòng.
Ngày 16/11/1988, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định QĐ/288/VH-VP, công nhận Khu di tích lịch sử cách mạng Xô Viết Nghệ Tĩnh là Di tích lịch sử Quốc gia.
Khu di tích này nằm ngay Trung tâm Thị trấn Nghèn – huyện Can Lộc, thuộc mút điểm giao nhau của Quốc lộ 1A và Tỉnh lộ 6. Bây giờ đi qua đây, nếu không có hình ảnh chiếc trống treo cao trên giá đỡ bằng bê tông thì nhiều người sẽ lầm tưởng đây là khu…chợ và bãi rác thải.
Hai bên hành lang Khu di tích, người ta vứt đủ thứ, từ củi, vôi, rơm rạ cho đến rác thải sinh hoạt. Đống hỗn độn đó bao choán, bịt kín cả Khu di tích. Hỏi ra mới biết, núi vôi-cát-đá-sỏi-gạch nói trên là hàng hóa buôn bán của những hộ dân sinh sống. Họ tận dụng hành lang Khu di tích và lề đường làm nơi tập kết hàng hóa. Khách du lịch đến thăm, có nhu cầu đi bộ thì xin mời… xuống lòng đường.
Ở một góc của hành lang Khu di tích, đống rác thải ngày càng có chiều hướng phình to. Một cái rờ-móc xe ôtô đựng vôi ve mục rữa, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Chiếc giếng mang ý nghĩa lịch sử đã được phá hành rào sắt để dân tự do vào… tắm giặt, phơi quần áo (!).
Những gì diễn ra ở mặt tiền Khu di tích còn đáng kinh ngạc hơn. Phía bên trái là một quán giải khát lúc nào cũng đông nghịt khách, xe cộ và bàn ghế tràn lan. Trước cổng chính là chỗ để… xe bò. Thi thoảng chủ xe lại vào đó đánh một giấc no say.
Qua cổng, vào bên trong Khu di tích, không khó để nhận ra sự xuống cấp của một công trình được xây trong thời buổi bao cấp. Trải qua hàng chục năm, những bức tường nứt ngang nứt dọc, phủ rong rêu đen xám. Sau bức tường, một công trình vệ sinh di động được lập nên để phục vụ cho nhu cầu “bất khả kháng” của con người.
| |
Bên ngoài Khu di tích là nơi tập kết gạch đá và rác thải
|
Khi chúng tôi cho ông Hùng xem lại những hình ảnh chúng tôi chụp được bên trong Khu di tích, ông bối rối: “Chuyện này quả là tôi chưa biết. Dịp này tôi bận về cơ sở quá!”. Ông Hùng còn cho biết thêm, chuyện bảo vệ ở Khu di tích, đơn vị ông hợp đồng với bà Trần Thị Lý với mức thù lao 80.000đồng/tháng. “Bà Lý làm bảo vệ rất tốt, nhưng không hiểu sao lại có chuyện này. Chúng tôi sẽ cho kiểm tra và dời dọn ngay”.
Chúng tôi lại đến tìm ông Trần Xuân Lương, trưởng phòng Văn hóa - Thể thao huyện Can Lộc. Hỏi ông có biết chuyện này không, ông Lương thẳng thắn thừa nhận, thực trạng chiếm dụng hành lang của người dân làm nơi buôn bán, gây mất mỹ quan Khu di tích đã kéo dài nhiều năm nay. Các cơ quan chức năng của địa phương đã nhiều lần vào cuộc nhưng chưa dứt điểm được.
Xét về giá trị lịch sử, Khu di tích cách mạng Xô Viết Nghệ tĩnh có giá trị rất lớn. Để khẳng định điều này, năm 2005, tỉnh ủy Hà Tĩnh đã trình Bộ Văn hóa và Thủ tướng chính phủ đề án “Tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử cách mạng Xô viết Nghệ Tĩnh Ngã ba Nghèn”. Đề án này hiện đã được phê duyệt trên diện tích 3,6ha, với tổng mức đầu tư lên đến 44 tỷ đồng.
Rõ ràng, những gì đang diễn ra tại Khu di tích lịch sử cách mạng xô viết Nghệ Tĩnh khác hẳn với nội dung bản đề án, đi ngược lại cố gắng bảo tồn những giá trị lịch sử dân tộc của Nhà nước. Thực trạng xót xa này, ai là người đứng ra nhận trách nhiệm?
Văn Dũng