Dấu lặng buồn ở chợ tình Sa Pa
(Dân trí) - Đêm cuối tuần, thị trấn Sa Pa (Lào Cai) chộn rộn hơn bình thường. Ở đó có tiếng khèn giao duyên của trai bản, có điệu múa mê hồn của những sơn nữ vùng Tây Bắc. Khách phương xa được hứng trọn thứ tình cảm chân thành, và cả những “dối lừa” dễ nhận biết…
>> Lạc lối dưới thung lũng Lồ Suối Tủng
Đêm hội giữa đại ngàn
Ngày cuối tuần, Sa Pa náo nhiệt hẳn. Nhà nhà ăn tối sớm hơn mọi ngày. Đêm thứ 7 - đêm hội của đôi lứa - một loại thời gian mặc định suốt nghìn đời nay theo cách nghĩ của bà con bản làng. Sa Pa vào hội, âm thanh của tiếng khèn dân tộc cất lên báo hiệu một đêm giao duyên đầy ý nghĩa của người dân vùng cao.
Chờ đợi chợ tình, chúng tôi tranh thủ thưởng thức món thịt lợn bản nướng thơm lừng từ bếp than hồng ven đường. Lên Sa Pa phải ăn đồ nướng, uống rượu để biết điều diệu kỳ đến từ núi cao. Người về Sa Pa thêm đông, tiếng khèn đâu đó lại vang lên báo giờ khai hội. Trước cổng nhà thờ đá, một nhóm gần mười chàng trai dân tộc chỉnh sửa lại khèn, vuốt lại bộ trang phục ưng ý mà mình mang theo. Rồi cũng đến lúc của vũ khúc núi rừng. Âm thanh phát ra từ chiếc khèn ngọt lịm, những chàng trai bước vào giờ khai hội bằng những điệu nhảy không lệch một dấu chân.
Giàng A Thái đến Sa Pa từ chiều khi vượt đường rừng gần 10 km. Nói tiếng kinh chưa thuần thục, nhưng câu chuyện mà Thái kể cho tôi lại lôi cuốn như ong rừng tìm mật. Con trai ở Tả Phìn (nơi Thái sinh sống) đều biết thổi khèn từ khi còn nhỏ, muốn có vợ thì chân phải nhảy, mồm phải thổi những giai điệu ngụ ý tỏ tình. Hỏi ai dạy, Thái kể học được từ những lần lên rừng bẻ măng, trồng lúa nước. Nét văn hoá đó đến tự nhiên như mây ở cổng trời, nước trong dòng thác.
Đêm cuối tuần, bản làng vùng cao vắng lặng hơn. Thị trấn nhỏ Sa Pa là nơi họ tụ hội. Người già tranh thủ xuống chợ mua thực phẩm, bán hàng thổ cẩm do tự tay làm. Trai bản uống rượu, thưởng thức món thắng cố ưa thích, chờ đêm xuống để tìm cơ hội gặp con gái bản làng khác.
Chợ tình còn lại chút này
Đôi bạn Thào A Minh và Thào A Thạch cũng xuống Sa Pa từ chiều. Chiếc khèn đặc trưng của người dân tộc kẹp sát nách, mòn bóng chứng tỏ chủ nhân của nó thường xuyên dùng đến. Trước khuôn viên nhà thờ đá, hai chàng trai dân tộc thả hồn mình vào giai điệu tiếng khèn, nhịp bước chân nhấp nhổm nhưng ý nhị. Minh thật thà cho biết, đó là những gì còn có thể đem đến Sa Pa, bây giờ muốn kiếm vợ thì vào tận bản chứ không đưa khèn ra gọi mời bạn tình giữa đám đông hiếu kỳ.
Những chàng trai quay vòng theo yêu cầu của du khách.
Khách phương xa háo hức trông đợi chợ tình, họ không nuối tiếc thời gian khi bỏ những điểm ngao du khác để tận mắt xem sinh hoạt văn hoá đầy ý nghĩa của người dân Tây Bắc. Nhưng ai cũng thất vọng, nhiều người còn nuối tiếc khi tiếng khèn, vòng quay chiếc ô, bước chân uyển chuyển ở chợ tình chỉ là “động tác giả”. Nhiều người buột miệng nói ngụ ý rằng trai gái bản “chỉ là giả vờ “tán” nhau thôi”. Phải thừa nhận, ở đâu có trai, gái bản thổi khèn, quay ô là ở đó đông đặc người xem. “Đến chợ tình lần này, tôi chỉ chứng kiến tổ hợp văn nghệ của huyện biểu diễn”, một cán bộ tại Sa Pa đã thốt lên ngao ngán như vậy.
Cũng có nơi, “chợ tình” chỉ độc diễn mỗi hai chàng trai ôm khèn mà thổi, thiếu bóng hồng sắc nhọn vây quanh. “Hai thằng kia, thổi khèn và quay đi” - đôi vợ chồng người kinh sau khi đưa ít tiền đã cất lời “sai”. Thực hiện yêu cầu, chiếc khèn cầm chặt trong lòng bàn tay, hai chàng trai ngân lên, động tác lắc lư chầm chậm dạo đầu trông mỏi mệt.
Phải đợi đến tiếng “quay đi” lần tiếp theo, cả đám khách hiếu kỳ mới được thưởng thức trọn vẹn động tác quay vòng mê mẩn, tiếng khèn dịu ngọt. Quay hơn chục vòng, bản “tăng gô” giữa bình nguyên đột ngột dừng lại, hai chàng trai người Mông kiệt sức vì chạy “sô” từ đầu buổi tối đến giờ.
Đưa máy ảnh định chụp lấy một kiểu, chiếc khèn trên tay chàng trai dân tộc Mông nhanh chóng được hạ xuống. Bằng thứ giọng tỉnh bơ, anh ta đòi “cho mười nghìn mới được chụp”.
Cứ sau mỗi “tua” diễn, chiếc mũ thổ cẩm trên đầu chàng trai trở thành công cụ “làm kinh tế” hiệu quả. Khách xa cũng rộng lòng, chẳng ai tiếc bỏ ra số tiền xứng với công sức của những “vũ công” vừa bỏ ra. Số tiền kiếm được nhanh chóng tiến hành ăn chia sòng phẳng, họ thực hiện ngay trước mặt du khách như việc làm đương nhiên phải thế.
Con gái vùng cao cũng không còn vẻ e thẹn vốn có. Giữa đông người lạ, việc cầm ô quay vòng theo bước đi của chàng trai thổi khèn cũng thực hiện qua loa. Những sơn nữ này không còn dị ứng với ánh đèn máy ảnh, họ hồn nhiên quay mặt và chỉ đồng ý cho chụp hình nếu khách bỏ tiền mua vài món hàng lưu niệm mà họ mang theo.
Không có khách, không có tiền,
trai thôi thổi khèn, gái thôi múa ô.
Người dân thị trấn Sa Pa không ngạc nhiên vì điều đó. Ai cũng giải thích: “Chợ tình bị thương mại hoá lâu rồi”.
Âm thành từ chiếc khèn bị lấn át bởi tiếng lùng bùng những từ “Min”, Win, xe khách. Mớ hỗn độn ấy tạo nên một không khí cuối tuần chẳng khác phố xá là bao. Những sơn nữ “vào vai” tìm người yêu cũng không mang dáng vẻ vẹn nguyên của một người dân bản. Mái tóc được ép thẳng, công nghệ thẩm mỹ nhanh chóng tiếp cận vào từng đường nét của khuôn mặt. Đôi mày của họ cũng được chăm chút kỹ hơn. Chỉ có tiếng khèn của chàng trai là lạc điệu, không ăn nhập gì so với tiếng rít ga xe máy mà các cô gái vừa ngồi lên thị trấn từ chiều nay.
Đêm Tây Bắc rơi thứ sương buốt, có vị mặn của muối. Mọi người chợt giật mình, biết đâu cái thứ sương trời ấy sẽ làm phai màu bộ trang phục thổ cẩm mà người dân bản khoác lên mình, đã nghìn đời nay?
Trần Hưng