1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thanh Hóa:

Đau đầu tìm cách đưa trạm BOT về đúng chỗ!

(Dân trí) - Để thu phí tuyến đường tránh phía Tây TP Thanh Hóa, trạm thu phí được Bộ GTVT lên phương án đặt trên QL1A qua địa bàn Bỉm Sơn. Tuy nhiên đại đa số ý kiến từ Hiệp hội vận tải, Sở Tài chính, thị xã Bỉm Sơn và các đại biểu Quốc hội không đồng ý với phương án này. Hiện việc di dời trạm thu phí về đúng vị trí đang vô cùng nan giải đối với tỉnh này.

Không đồng ý đặt trạm BOT ở Bỉm Sơn

Theo hồ sơ, dự án tuyến đường vành đai phía Tây (đường tránh phía Tây) TP Thanh Hóa được khởi công xây dựng vào tháng 8/2015 theo hình thức BOT, với chiều dài toàn tuyến là 6 km. Điểm bắt đầu của dự án (km 0) giao với QL1A tại Km 322+70, điểm cuối (km 6) giao với QL47 và nối với đại lộ Đông Tây.

Tổng kinh phí đầu tư xây dựng đoạn đường tránh này là hơn 1.000 tỷ đồng. Công trình do liên danh Công ty CP Bitexco, Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 1, Tổng Công ty xây dựng đường thủy, Công ty TNHH thiết bị xây dựng Hồng Hà, Công ty TNHH xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng Bình Minh làm nhà đầu tư dự án. Công ty cổ phần (CP) BOT đường tránh Thanh Hóa là doanh nghiệp dự án.

Đau đầu tìm cách đưa trạm BOT về đúng chỗ! - 1

Tuyến đường BOT tránh phía Tây TP Thanh Hóa đã đưa vào khai thác từ cuối năm 2018, tuy nhiên đến nay vẫn chưa thể thu phí.

Đây là dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung vào Dự án xây dựng QL1A đoạn tránh TP Thanh Hóa theo hình thức hợp đồng BOT và sử dụng trạm thu phí tại Km 286+397 trên tuyến QL1A (đóng phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn) cách tuyến đường khoảng 40 km, để hoàn vốn cho dự án.

Thời gian hoàn vốn là 13 năm 8 tháng. Theo quyết định được phê duyệt tuyến đường sẽ được đưa vào sử dụng vào tháng 12/2017, tuy nhiên đến cuối năm 2018, tuyến đường mới hoàn thành và đưa vào vận hành.

Ngay khi có thông tin Trạm thu phí Bỉm Sơn “rục rịch” hoạt động trở lại, các nhà xe và giới tài xế đã xôn xao phản ứng, cho rằng đường làm một nơi, trạm đặt một nẻo là không được.

Được biết, trước đó, vào cuối năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản xin ý kiến công an, Hiệp hội Vận tải, Sở Tài chính, thị xã Bỉm Sơn và các đại biểu Quốc hội về việc đặt trạm thu phí BOT trên tuyến QL1A đoạn qua thị xã Bỉm Sơn để hoàn vốn, thế nhưng đại đa số ý kiến không đồng ý.

Tỉnh Thanh Hóa không thể hỗ trợ kinh phí!

Đến ngày 19/6, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình và Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chủ trì buổi họp xử lý tồn tại, bất cập tại các dự án BOT. Kết luận tại cuộc họp liên quan đến trạm thu phí Bỉm Sơn thuộc dự án BOT tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hóa, Phó Thủ tướng chỉ đạo “khẩn trương nghiên cứu, triển khai phương án di dời trạm về tuyến đường tránh theo quy định, không để xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự và ùn tắc giao thông trên địa bàn”.

Đau đầu tìm cách đưa trạm BOT về đúng chỗ! - 2

Bộ GTVT có văn bản đề nghị Thanh Hóa hỗ trợ kinh phí.

Cũng tại cuộc họp này, theo tính toán của đơn vị tư vấn, phương án di dời trạm Bỉm Sơn về đúng vị trí tuyến đường đầu tư để thu phí hoàn vốn rất khó khả thi. Nguyên nhân là do lưu lượng phương tiện theo hướng Bắc – Nam đã phân lưu tuyến tránh phía Đông và QL1A song hành. Hơn nữa, có tới 16 điểm giao cắt nên phải có sự hỗ trợ của ngân sách Nhà nước. Từ đó, Bộ GTVT đã có văn bản đề nghị tỉnh Thanh Hóa xem xét hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng (khoảng 250 tỷ đồng) cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, mới đây, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản phúc đáp Bộ GTVT về việc không thể cân đối ngân sách để hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng dự án BOT xây dựng QL1A đoạn tránh TP Thanh Hóa.

Ông Nguyễn Văn Việt, Phó phòng Kế hoạch – Tài chính, Sở GTVT tỉnh Thanh Hóa cho biết, tuyến đường đã đưa vào khai thác từ cuối năm 2018, tuy nhiên tới thời điểm này vẫn chưa thống nhất được vị trí đặt trạm BOT.

“Chúng tôi mới nhận được văn bản của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc không có kinh phí hỗ trợ. Theo văn bản, hiện nguồn vốn đầu tư công trung hạn 5 năm (2016-2020) đã được Trung ương phân bổ cho từng dự án cụ thể, trong khi Thanh Hóa vẫn là tỉnh nghèo, chưa cân đối được ngân sách, nguồn vốn cân đối ngân sách hàng năm còn rất hạn hẹp... Vì vậy, UBND tỉnh Thanh Hóa chưa thể cân đối để hỗ trợ kinh phí giải phóng mặt bằng tuyến tránh phía Tây TP Thanh Hóa từ nguồn vốn ngân sách tỉnh”- ông Việt cho biết.

Bình Minh