1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Tiêu điều làng tôm Hộ Độ:

Đau đầu bài toán trả nợ

(Dân trí) - 6 năm trước, Hộ Độ giăng kèn giăng trống đón con tôm công nghiệp với hy vọng đổi đời. Bây giờ, vì con tôm, làng Hộ Độ méo mặt, đảo điên vì nợ. Với người dân nơi đây, giờ họ chỉ còn một mối quan tâm duy nhất: Làm sao để kiếm tiền trả nợ?

Bỏ tôm thì chết đói

 

Suốt hai ngày đi bên những bờ tôm thưa thớt, quạnh hiu người nuôi ở Hộ Độ, chúng tôi mới biết, không chỉ người dân mà một số doanh nghiệp, đơn vị trong và ngoài tỉnh Hà Tĩnh cũng dở khóc, dở cười vì tôm.

 

Trương Hữu Á - ông “vua tôm” bất đắc dĩ ở Hộ Độ - chỉ giùm chúng tôi hai đơn vị Công ty Nuôi trồng Thuỷ sản (NTTS) Hưng Thịnh và Tổng đội thanh niên xung phong Tỉnh đoàn Hà Tĩnh. Chỉ 3 năm cắm bản nuôi tại Hộ Độ, Công ty Hưng Thịnh đã “bỏ của chạy lấy người”.

 

Nhưng với những đơn vị này, dù có thất bại thì họ vẫn có thể tìm ra một hướng đi khác để cứu vãn tình hình. Còn với những người nông dân cả đời chỉ quen với hạt muối, giờ đổ của vào tôm, thua lỗ, họ không tìm đâu ra lối thoát. Ông Lê Doãn Hùng - Chủ tịch UBND xã - đau đầu: “Bỏ nuôi tôm, tôi cũng chưa biết họ sẽ sống bằng gì?”

 

Hơn một trăm hộ dân nuôi tôm ở Hộ Độ mỗi nhà mỗi hoàn cảnh, nhưng cùng có chung một sự điêu đứng khi tôm mất mùa. Ông Trương Quang Lộc - Chủ nhiệm HTX Hà Voọc - đang “giãy giụa” với “giấc mơ tôm” cùng khoản nợ hơn 30 triệu đồng. Ông cho hay: “100% trong số 63 xã viên của đơn vị chúng tôi gắn bó với con tôm đều nợ đầm đìa. Nếu không thắng tôm thì khả năng thanh toán nợ biết lấy ở mô? Khổ nhất ở chỗ, dân ở đây ai cũng khát vốn, chỉ có thể ngóng lên ngân hàng, nhưng sổ đỏ “cắm” hết rồi. Lấy mô bìa nữa?”.

 

Ở Hà Voọc, ao hồ nuôi tôm còn đó, nhưng nhiều hộ dân đã bán sạch hệ thống giàn sục khí, máy nổ, đèn điện,… để có thêm tiền trả lãi ngân hàng. Ông Lộc nhẩm một phép tính đơn giản: “Chỉ tính riêng tiền lãi và chi phí cho cuộc sống hằng ngày, thu nhập mỗi tháng của mỗi gia đình ở đây phải đạt trên 2 triệu đồng/tháng mới tạm đáp ứng đủ. Đó là một con số quá lớn so với khả năng và điều kiện lao động của họ”.  

 

Dẫu vậy, trên những hồ tôm ở Hộ Độ vẫn có bóng dáng thưa thớt những người dân đang cố gắng vật lộn, cầm cự bằng vụ tôm trái vụ. “Biết là thất bát rồi, nhưng không sống bằng con tôm chắc chúng tôi chết đói à?” - ông Lộc chỉ cho chúng tôi những bóng người liêu xiêu bước trên những bờ ao xa tít ngoài đê, nói như than.

 

Trong số người đang trong cơn vùng vẫy với con tôm, ông Trương Quang Á - HTX Hà Voọc - được người dân ở đây gọi là “vua tôm bất đắc dĩ”. Ông Á làm liều, nhận một số ao hồ có diện tích 7,5 ha của những chủ hộ, doanh nghiệp “bỏ tôm đi tìm chân trời mới” để “bao sân” đến 8 ha. Không có vốn, ông Á có kiểu nuôi tôm lạ nhất hiện nay: ụp một lúc mấy vạn con tôm xuống hồ, nuôi cầm chừng kiểu được chăng hay chớ, tôm không bệnh thì ăn nhỏ, mất cũng chẳng thua gì nhiều. Hiện “ông vua tôm” này cũng phải duy trì con tôm bằng nguồn vốn kiếm được từ nghề sửa chữa điện tử của gia đình.

 

Không còn lối thoát

 

Không còn vốn nuôi, người dân Hộ Độ đang hy vọng sẽ có những đột phá từ việc khống chế dịch bệnh để có thể “đánh một trận”, gỡ lại những gì đã mất. Nhưng qua cuộc tiếp xúc của chúng tôi với lãnh đạo Sở Thủy sản Hà Tĩnh mới đây, xem ra hy vọng đó vẫn còn rất xa vời.

 

Ông Bùi Tùng Phong - Giám đốc Sở cho biết: “Mỗi lần người dân Hộ Độ mất trắng mùa tôm là những người có trách nhiệm của ngành Thủy sản Hà Tĩnh đứng ngồi không yên. Chúng tôi đã cử nhiều đoàn cán bộ chuyên trách về tận Hộ Độ tìm hiểu đánh giá tình hình, thậm chí có những cuộc họp “mở” Sở đưa ra các nguyên nhân trước để bà con thảo luận, góp ý kiến diễn biến thực tế.

 

Ngành Thủy sản Hà Tĩnh đã xác định được nguyên nhân tôm chết ở Hộ Độ trong thời gian qua là do bị mắc bệnh đốm trắng. Tuy nhiên, đến lúc này chúng tôi vẫn chưa lý giải được vì sao trong số các vùng nuôi tôm trên khắp toàn tỉnh chỉ có Hộ Độ là thất bại liên miên. Đã có các lý giải khác nhau, nhưng đó cũng chỉ là kiểu nhận định, chưa có căn cứ khoa học xác thực nào. Giải pháp của tỉnh là đang thực hiện chuyển đổi con nuôi”.

 

Như vậy là đã rõ, nếu tiếp tục gắn bó với tôm người dân Hộ Độ sẽ “chết” vì vốn, vì tôm bệnh tật,…

 

Bây giờ, người dân Hộ Độ nuôi tôm là để cầm chừng, là để tìm lối thoát mới, là vì không còn biết bấu víu vào đâu. Cảnh cụt vốn, nhiễm bệnh có nghĩa là hy vọng tiếp tục nuôi tôm để thoát nghèo của người dân Hộ Độ còn lắm gian nan. Họ từng mơ ước có của ăn của để từ con tôm, thì nay lại đau đầu với bài toán làm gì để có tiền trả nợ?

 

V.Dũng - M.San - H.Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm