Đất "vàng" quốc phòng không làm nhiệm vụ phải bàn giao lại, bán đấu giá

Phương Thảo

(Dân trí) - Đây là một trong những nội dung quy định về chế độ sử dụng đất quốc phòng kết hợp làm kinh tế được nêu trong Nghị quyết đặc biệt của Quốc hội…

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa công bố Nghị quyết về Thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc, tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động sản xuất, xây dựng kinh tế. Nghị quyết mang số 132, được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 (tháng 11 vừa qua) sau quy trình đặc biệt, họp kín ở tất cả các phiên thảo luận, thông qua.

Đất vàng quốc phòng không làm nhiệm vụ phải bàn giao lại, bán đấu giá - 1
Những diện tích đất quốc phòng đang được sử dụng kết hợp làm kinh tế như sân golf Tân Sơn Nhất có quy định hướng xử lý trong Nghị quyết 132.

"Cấm" dùng đất quốc phòng góp vốn

Đây là nguyên tắc lớn đề ra khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp với hoạt động lao động, sản xuất, làm kinh tế.

Theo Nghị quyết của Quốc hội, đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng, an ninh nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh, để làm kinh tế thì phải lập phương án sử dụng đất trình Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an phê duyệt.

Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an có trách nhiệm quyết định phê duyệt hoặc chấm dứt phương án sử dụng đất quốc phòng, an ninh kết hợp làm kinh tế hoặc liên doanh, liên kết đã thực hiện trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành (1/2/2021).

Tư lệnh 2 ngành Quốc phòng, Công an cũng được giao tổ chức việc rà soát, lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh, bảo đảm quỹ đất dự trữ lâu dài cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh.

Với những khu đất có giá trị kinh tế lớn, không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định về việc chuyển mục đích sử dụng đất để phối hợp với UBND cấp tỉnh tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất.

Khu đất có giá trị kinh tế lớn quy định tại điểm này là khu đất có giá trị từ 500 tỷ đồng trở lên tính theo giá đất trong bảng giá đất do UBND cấp tỉnh ban hành theo mục đích sử dụng thể hiện trong quy hoạch đã được phê duyệt.

Đối với khu đất không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng, an ninh thì bàn giao cho UBND cấp tỉnh để phát triển kinh tế - xã hội và quản lý theo quy định của pháp luật.

2 Bộ trưởng có nhiệm vụ tổ chức thu, nộp vào ngân sách các khoản tiền như tiền sử dụng đất hàng năm, tiền đấu giá đất, tiền cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp quân đội, công an khi sử dụng đất quốc phòng kết hợp làm kinh tế.

Gỡ vướng cơ chế cho quân đội, công an 

Ngoài việc khắc phục những tồn đọng trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng kết hợp làm kinh tế bộc lộ thời gian qua, Nghị quyết của Quốc hội cũng tháo gỡ những vướng mắc đối với những đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an trong việc làm kinh tế trên đất quốc phòng được giao.

Cụ thể, theo Nghị định này, các đơn vị, doanh nghiệp quân đội, công an được sử dụng đất quốc phòng, an ninh và những tài sản gắn liền để thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế theo đúng phương án được phê duyệt. Được hưởng thành quả lao động, kết quả đầu tư trên đất.

Tuy nhiên, những đơn vị sử dụng đất này không được bồi thường khi Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an quyết định chấm dứt phương án "kết hợp làm kinh tế". Doanh nghiệp cũng phải nộp tiền sử dụng đất hàng năm.

Nguyên tắc quan trọng là không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê quyền sử dụng đất; không được thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất; không được tự ý chuyển mục đích sử dụng đất. Không được chuyển nhượng, tặng cho, cho thuê, thế chấp, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất.

Xử lý những dự án đang tồn tại ra sao?

Đối với những dự án, hợp đồng thuê đất, hợp đồng liên doanh, liên kết đã thực hiện, Bộ Quốc phòng, Công an cần chỉ đạo doanh nghiệp trong ngành rà soát, đánh giá hiệu quả, lập báo cáo và đề xuất phương án xử lý.

Đối với dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết sai phạm, không hiệu quả thì chấm dứt, thanh lý, thu hồi; khắc phục triệt để những tồn tại, vi phạm.

Đối với dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết có hiệu quả, phù hợp, Nghị quyết quy định, Trường hợp dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết có nhiều tổ chức, cá nhân cùng thực hiện nhưng có tổ chức, cá nhân vi phạm nghĩa vụ đã cam kết thì phải tiến hành chấm dứt hợp tác với bên vi phạm.

Nhiều trường hợp quy định được tiếp tục thực hiện như: dự án, hợp đồng liên doanh, liên kết liên quan đến quyền, lợi ích của nhiều bên; liên kết có đối tác nước ngoài để thực hiện nhiệm vụ quân sự. Tài sản gắn liền với đất đã cho thuê theo dự án, hợp đồng được tiếp tục thực hiện đến hết thời hạn. Dự án, hợp đồng bị Nhà nước thu hồi đất trước thời hạn thì được bồi thường giá trị còn lại của tài sản trên đất.

Tuy nhiên, tất cả các trường hợp, khi hết hạn dư án, hợp đồng thì không được gia hạn.

Việc sắp xếp, xử lý nhà đất khi doanh nghiệp quân đội, công an cổ phần hóa, thoài vốn, đối với vị trí không còn nhu cầu cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh thì phải đưa ra khỏi quy hoạch của loại đất này, chuyển giao cho UBND tỉnh quản lý, sử dụng.

Những vị trí cần thiết cho quân sự thì thực hiện theo phương án sắp xếp lại được phê duyệt.

Với diện tích đất dự trữ lâu dài cho nhiệm vụ quân sự mà có hợp đồng sử dụng, thuê đất đã ký, khi doanh nghiệp trong ngành cổ phần hóa, thoái vốn thì tiếp tục được thực hiện cho hết thời hạn. Bộ Quốc phòng, Công an phải thu bù tiền sử đụng đất với những dự án, hợp đồng đã ký trước mà chưa nộp đầy đủ.

Những nội dung của Nghị quyết này được xác định là quy định để thực hiện trong trường hợp có độ "vênh" với các văn bản ban hành trước đó, về cùng một vấn đề.