“Đất vàng”... bỏ hoang!
Một lô đất có vị trí mặt phố tại Hà Nội có thể được bán với giá vài tỉ hoặc cho thuê vài chục triệu đồng/tháng. Đất đắt đỏ và quí hiếm nhưng nhiều lô đất đẹp nhất nhì Hà thành vẫn bị... bỏ hoang.
“Vườn hoang” giữa phố
Cách đây 5 năm, tuyến đường Lê Văn Lương được xây mới nối đường Láng Hạ với khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính. Sự khang trang của tuyến đường mới cạnh khu đô thị sầm uất khiến nhiều lô đất có vị trí mặt phố trên tuyến này được lên giá bạc tỉ. Sau khi thi công tuyến đường này, phần lớn diện tích đất mặt tiền được rào kín bằng tôn mạ kẽm, có tin nói để xây dựng những chung cư mới. Diện tích đó lên tới hàng chục nghìn mét vuông.
Tuy nhiên, sau bốn năm vẫn không thấy chung cư nào mọc lên. Thay vào đó, từng lô đất lần lượt được “xé rào” mở cửa làm các loại dịch vụ, có nơi được chiếm dụng kê bàn ghế bán bia hơi, nơi thành bãi rửa xe. Gần đây nhất, lô đất số 10 Lê Văn Lương và lô đất đối diện bên kia đường cũng được “xé rào” cho hai doanh nghiệp lập kho kinh doanh đá granite.
Tại địa chỉ liền kề 129 Thái Hà, một lô đất khoảng hơn nghìn mét vuông được quây rào tôn cách đây ba năm. Trước đó lô đất này được cắm biển thông báo “dự án xây dựng chung cư cao tầng”.
Hiện nay tại lô đất này chỉ còn lại duy nhất lán tôn nhỏ, tấm biển cạnh đó ghi: “Công ty kinh doanh và xây dựng nhà... tổ bảo vệ”. Anh xe ôm chạy xe gần khu đất này nói dự án gì đâu, trong đó tồn lại ba chiếc cọc nhồi, diện tích còn lại bỏ hoang. “Cũng đã có nhiều đám đến dò hỏi xin lập gara để ôtô nhưng không rõ phải liên hệ với ai” - anh xe ôm cho biết.
Diện tích đất đẹp nhất nhì Hà Nội, gần Nhà hát lớn, đối diện khách sạn Hilton cũng đã có thời bỏ hoang tới hơn chục năm. Mảnh đất này đã từng được gọi với cái tên “Vườn chuối Plaza”. Hiện tại, diện tích hơn một nghìn mét vuông này đã được cắm biển một dự án chức năng xây dựng và kinh doanh văn phòng thương mại. Tuy nhiên, một số hộ dân gần khu vực này cho biết tất cả những gì nhìn thấy tận mắt bây giờ là vài căn nhà nhỏ lợp tôn, không rõ bao giờ hết cảnh đất hoang.
Tại đầu phố Trần Phú, một lô đất diện tích khoảng 2.000m2, ba mặt tiền đường Hùng Vương, Trần Phú, Ông Ích Khiêm. Khu đất này được cắm rào chắn gần chục năm nay nhưng hiện tại bên trong hoàn toàn bỏ hoang, cỏ mọc cao quá đầu người. Đây là khu đất xây dựng công trình trung tâm giao dịch và điều hành viễn thông quốc gia nhưng hiện vẫn chưa có hạng mục nào được triển khai.
Thu hồi quá khó
Theo Thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường & nhà đất Hà Nội, sau quá trình kiểm tra đất sử dụng của gần 6.000 tổ chức, đơn vị, cá nhân đã phát hiện 1.412 đơn vị và 1.774 cá nhân vi phạm về quản lý sử dụng đất với diện tích khoảng 485ha. Trong đó, đất để hoang là 128,5ha, đất sử dụng sai mục đích 173ha.
Đối với diện tích đất dự án đã bàn giao các chủ đầu tư hiện đang để hoang, việc xử lý gặp nhiều khó khăn. UBND phường sở tại cho rằng cần có thời hạn ấn định sau khi tiến hành bàn giao đất để buộc nhà đầu tư triển khai dự án, quá thời hạn sẽ áp dụng các biện pháp mạnh tay như thu hồi.
UBND TP Hà Nội mới đây đã có qui định sẽ thu hồi toàn bộ hoặc một phần nếu đất không sử dụng trong thời gian 12 tháng hoặc tiến độ sử dụng chậm hơn 24 tháng so với tiến độ trong dự án đầu tư. Theo đó, đất sử dụng không đúng mục đích được giao, đất để hoang hoặc sử dụng kém hiệu quả cũng thuộc diện thu hồi.
Qui định này cũng phân cấp cho UBND phường, xã, thị trấn quyết định xử phạt hành chính, buộc khôi phục tình trạng ban đầu của đất, chấm dứt hợp đồng giao, cho thuê sử dụng đất công ích. Đối với những lô đất đấu giá khi giao các chủ đầu tư, sau thời hạn 12 tháng mà không tiến hành xây dựng sẽ bị thu hồi để tổ chức đấu giá tiếp hoặc giao đất theo qui định. Người trúng giá được hoàn lại số tiền đã nộp và không được tính lãi, trượt giá, đồng thời bị phạt tiền.
Theo Thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường & nhà đất, lâu nay vướng mắc ở chỗ hầu hết các đơn vị vi phạm, khi có quyết định thu hồi đất đều không chịu chấp hành. Quá trình áp dụng các hình thức xử phạt phải có sự kết hợp của nhiều ngành. Tuy nhiên, với qui định mới đây của UBND TP Hà Nội về khung hình phạt, thu hồi, diện tích đất vi phạm... sẽ là cơ sở áp dụng để xử lý.