Nghệ An:
Đặt thêm trạm cân, 98% xe “hổ vồ” phải hạ tải
(Dân trí) - Với việc đặt thêm trạm cân ở các điểm đầu mối để kiểm soát xe quá tải của ngành giao thông, hàng chục xe Howo (xe hổ vồ) đã tự nguyện đến các xưởng sữa chữa để cắt gọt phần thùng xe đã bị cơi nới.
Ngoài trạm cân số 15 đặt trên Quốc lộ 1A đoạn đi qua huyện Diễn Châu, Sở GTVT Nghệ An đặt thêm một trạm cân di động trên tuyến Quốc lộ 48 để kiểm soát tải trọng từ khu nguyên liệu đá về xuôi.
Để kiểm soát và đi đến xóa bỏ vấn nạn cơi nới thành, thùng xe để chở hàng quá tải trọng, tỉnh Nghệ An một mặt tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, mặt khác phạt nặng các trường hợp xe quá tải cũng như người điều khiển phương tiện. Cùng với đó ngành chức năng buộc các chủ xe phải hạ tải tại chỗ và yêu cầu cắt gọt thùng xe về nguyên bản trước khi đưa phương tiện ra lưu thông.
Bên cạnh đó, thanh tra Sở GTVT Nghệ An đã đến các cơ sở kinh doanh vật liệu vận động các chủ doanh nghiệp ký cam kết không cung cấp hàng quá tải trọng, không cho xe tự ý thay đổi kích thước thành, thùng vào giao nhận hàng. Tổ chức cho các doanh nghiệp vận tải ký cam kết không chở hàng quá trọng tải thiết kế, không chở hàng vượt quá chiều cao xếp hàng cho phép, không tự ý thay đổi kích thước thành, thùng xe.
Để kiểm soát xe quá tải trọng, sở GTVT Nghệ An phối hợp với lực lượng chức năng đặt thêm trạm cân lưu động tại ngã ba Săng Lẻ (Quỳ Hợp) trên Quốc lộ 48 nhằm ngăn chặn tình trạng xe quá tải ngay từ điểm đầu. Điểm cân lưu động này cùng với trạm cân trên Quốc lộ 1A được kỳ vọng là sẽ tạo thành một vòng khép kín không cho xe quá tải chạy thoát.
Nhiều xe "hổ vồ" đã tự nguyện hạ tải, cắt gọt thùng xe.
Với sự kiên quyết của lực lượng chức năng, nhiều doanh nghiệp vận tải trên địa bàn tỉnh Nghệ An có xe Howo (xe hổ vồ) tự nguyện đến các xưởng sửa chữa để cắt bỏ phần thùng xe đã bị cơi nới, trả về nguyên trạng ban đầu. Tại địa bàn huyện Quỳ Hợp và thị xã Thái Hòa - nơi vốn được xem là điểm nóng về tình trạng xe quá tải do có các doanh nghiệp khai thác đá, các chủ phương tiện cũng đang dần thay đổi nhận thức về vấn đề này.
“Việc chặn ngay trục “yết hầu” khu mỏ, vùng nguyên liệu về các tuyến đường chính như “vựa” đá, quặng Quỳ Hợp, nhiều lái xe đã bắt đầu biết sợ và ý thức được việc cần phải tuân thủ nghiêm quy định của pháp luật về việc chấp hành quy định về tải trọng xe” ông Phan Thanh Chương - Chánh Thanh tra Sở GTVT Nghệ An cho biết.
Nhiều xe có thùng cáo 1,6 - 1,8m nguyên bản cũng tự nguyện hạ thùng, thành xe cho đúng quy định về tải trọng lưu thông trên đường.
Tại xưởng sửa chữa của Công ty CP cơ khí và xây lắp 250 Phủ Quỳ, xe “hổ vồ” đang xếp hàng chờ đến lượt cắt gọt. Một chủ xe đang đợi cắt gọt thùng xe cho biết: “Trước đây xe tôi thường chở 50 - 60 tấn. Giờ cắt gọt thùng xe thì chỉ chở được hơn 10 tấn. Với chi phí xăng dầu hiện nay thì gần như không có lãi, nếu không muốn nói là bị lỗ. Nhưng nếu không cắt gọt thùng xe thì bị phạt gần 15 triệu đồng, rồi cũng bắt buộc phải hạ tải nếu muốn đưa xe ra. Trước sau gì cũng phải hạ tải, thôi thì mình làm trước vậy. Nhưng chúng tôi cũng mong các cơ quan chức năng làm nghiêm, tránh tình trạng làm chỗ này, bỏ chỗ khác, như thế thì không công bằng với chủ xe chúng tôi”. Anh này cũng cho biết, chi phí cho việc cắt gọt thùng một chiếc xe là hơn 5 triệu đồng.
Xe “hổ vồ” xếp hàng chờ đến lượt cắt gọt, thợ cơ khí làm việc không ngơi tay. Trước đây, công việc chủ yếu của anh Nguyễn Hồng Nghĩa – công nhân Công ty CP cơ khí và xây lắp 250 Phủ Quỳ là đóng bệ, gò hàn thành, thùng xe. Nay anh có thêm việc dỡ bỏ phần hoán cải, gọt thành, thùng xe “hổ vồ”. “Mỗi ngày nếu làm liên tục tôi cũng gọt được 2 thành thùng”, anh Nghĩa cho hay.
Theo ông Phan Huy Chương - Chánh thanh tra Sở GTVT Nghệ An thì tính đến hết ngày 29/9, 98% xe "hổ vồ" tự ý cơi nới thùng xe ở Nghệ An đã được hạ tải.
Theo ông Phan Huy Chương, trên địa bàn Nghệ An có khoảng 200 xe Howo đã được chủ phương tiện tự ý cơi nới để tăng tải trọng. Tính đến ngày 30/9, có khoảng 98% phương tiện đã được cắt gọt, hoàn trả về nguyên trạng ban đầu. “Ý thức của các chủ phương tiện đã được nâng lên rất nhiều. Tại địa bàn huyện Quỳ Hợp có 100% chủ phương tiện chấp hành quy định về tải trọng xe. Đó là một tín hiệu rất đáng mừng. Không chỉ các chủ phương tiện đã cơi nới tự nguyện tới các xưởng sửa chữa để cắt gọt thùng xe mà cả những chiếc xe nguyên bản có thùng cao từ 1.6-1,8m cũng được đưa đến để hạ thùng, hạ tải trọng xuống 10 -11 tấn”, ông Chương cho biết thêm.
Trước mắt thì các chủ xe đều chấp hành quy định về tải trọng khi đi qua trạm cân lưu động đặt tại ngã ba Săng Lẻ. Tuy nhiên, theo ông Chương thì sau khi đi qua trạm, các xe có bốc thêm hàng hay không thì cũng rất khó kiểm soát.
Hoàng Lam