1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đất lở, tượng… “lo”

(Dân trí) - “Vào đấy mà xem người ta khóc dở mếu dở” - vừa đến đầu xã Hồng Hà (Đan Phượng - Hà Tây) người dân đã râm ran truyền thông điệp. Tại dải đất lở ở thôn Bá Thị, chị Lê Thị Bản, người có nhà bị sụp bật khóc khi gặp chúng tôi.

Cách nhà chị Bản không xa, tài sản ngàn năm của làng - chùa Nguyệt Lão đã bị vệt lở tiến sát.

 

Đất sụt đến… chân chùa

 

Chị Bản kể, ngôi nhà của gia đình chị sống qua biết bao thế hệ đã “lao” về phía bờ sông từ nhiều ngày nay. Tết rồi, chị cùng cô con gái học lớp 10 đã phải đón năm mới ở… ngoài sân. Bao nhiêu đồ đạc của gia đình đã được đem đi gửi hàng xóm, còn con người thì không thể gửi ở đâu được nên từ tết đến nay, chị vẫn cứ sống nguyên tại đó. Một chiếc lều dứa nhỏ xíu được chị Thảo dựng lên, chỉ chứa được một chiếc giường cùng một chiếc ti vi… đủ cho một cuộc sống đầy tạm bợ.

 

Cách đó không xa, ngôi nhà của ông Bùi Vũ Quý vẫn còn đứng tại chỗ nhưng đất đã lở đến chân móng nhà, trong khi tường nhà đã nứt toang hoác. Ông Quý cho biết, đất lở hết phía trước nhà ngang của ông, khiến ông chỉ còn nước đục tường, khiêng nhờ con lợn nái qua sân nhà hàng xóm để… bán vội.

 

Tổng cộng, đến lúc này đã có 6 ngồi nhà đã biến khỏi mặt đất. Khoảng chục hộ gia đình đã bị đất lở đến sân hoặc bị nứt nẻ trong nhà. Số hộ nằm trong vùng nguy hiểm lên đến vài chục hộ, với khoảng trên hai trăm nhân khẩu.

 

Đất lở, tượng… “lo” - 1

Đất sụt để lại những khoảng trống toang hoác. 

 

Nguy hại hơn, đất đã lở đến khu chùa Nguyệt Lão - ngôi chùa được xây dựng từ cách nay hàng 6-7 trăm năm. Cách đây năm ngày, lở đất đã làm sụp đổ và cuốn toàn bộ lầu Quan Âm trước nhà chùa xuống phía dưới. Những chiếc bia đá có từ thời vua Lê Dụ Tông, thế kỉ XVI cũng chịu số phận tương tự.

 

Ông Nguyễn Tất Vịnh, một người dân tại đây cho biết, mọi người trong làng đã dự đoán đúng thời điểm có thể xảy ra lở đất nên đã di chuyển tượng Phật bà quan âm. Tượng được dời đi 3h chiều thì 2h sáng hôm sau, lầu Quan Âm bị sụt… Theo dự đoán của ông Vịnh, với đà lở hiện tại, rất có thể không lâu nữa, các cụ trong làng phải tính đến nước mang hết tượng cùng các tài sản ngàn năm của ngôi chùa đến đặt nhờ ở trụ sở UBND xã.

 

Liên tục trong nhiều ngày nay, người dân Bá Thị không dám đi xa, chỉ quanh quẩn ở khu đất lở để đếm những vết nứt mới và lo cho số phận ngôi nhà của mình.

 

Đất lở, tượng… “lo” - 2

Lầu Quan Âm bị sụt hoàn toàn. 

 

Lỗi tại ai?

 

Khác với điểm lở ở Tản Hồng, Ba Vì, điểm lở ở Bá Thị không cuốn nhà cửa vườn tược xuống dòng sông. Thậm chí, phần nền đất tiếp giáp với dòng sông vẫn còn giữ được.

 

Tuy nhiên, đoạn lở kéo dài khoảng trên 100 mét này lại được người dân Bá Thị cho là rất liên quan tới sự can thiệp của con người tới dòng sông. Theo ông Vịnh, năm 1998 đoạn kè Bá Giang được thực hiện với dự kiến ban đầu là 800 mét nhưng rồi “không hiểu sao” chỉ có 300 mét được kè. Không phải ngẫu nhiên, vết sụt đất lần này bắt đầu từ chính đoạn kè dở.

 

Đất lở, tượng… “lo” - 3

Dãy bia của chùa Nguyệt Lão vừa bị sụt, vừa bị đất đá đè lên.

 

Đoạn không kè lại chính là điểm “vòng thúng”, nơi thường chịu những tác động trực diện của dòng chảy. Nước sông Hồng cạn nhưng dòng chảy không kém phần mạnh đã “thúc” vào bên dưới gây nên sụt lở. 

 

Tuy nhiên, trong buổi họp sáng nay giữa lãnh đạo xã Hồng Hà và lãnh đạo các ngành liên quan, tỉnh Hà Tây lại có những quan điểm khác hơn. Nhiều lãnh đạo các ngành liên quan của tỉnh lại cho rằng,  hiện tượng ở Bá Thị là đất “sụt” chứ không phải đất… lở. Còn nguyên nhân đoạn kè năm 1998 bị bỏ dở được ông Nguyễn Đắc Thoả, Phó Chi cục trưởng Chi cục đê điều Hà Tây lí giải là do không giải phóng được mặt bằng.

 

Chưa biết bên nào có lí, chỉ có điều những người già sống ở dải đất này cũng cho rằng, cha ông họ đã sống ở đây qua nhiều thế hệ mà chưa bị sụt hay lở như vừa qua.

 

Cấn Cường - Phương Thảo