Đất bỏ hoang, dân ngồi “rỗi”

(Dân trí) - 8 năm sau khi dự án chuyển đổi đất màu sang trồng mía, hơn 250ha đất sản xuất nông nghiệp của xã Lộc Thuỷ (Phú Lộc, TT-Huế) bị bỏ hoang; trong khi hàng trăm hộ dân rơi vào cảnh thiếu đất canh tác.

Dự án không hiệu quả

 

Năm 1998, nhà máy đường KCB Phong Điền (TT-Huế) đi vào hoạt động. Nhà máy hợp đồng với các xã lân cận thu mua mía nguyên liệu. Theo chỉ đạo của tỉnh, xã Lộc Thuỷ phải tiến hành vận động người dân chuyển đổi từ trồng màu sang trồng mía, cung cấp cho nhà máy đường, với hy vọng sẽ mang đến luồng gió mới cho một vùng quê nghèo.

 

Vốn là một vùng quê xưa nay “nghèo truyền kiếp” nên khi có chủ trương mới, hàng ngàn hộ dân trong xã đã mạnh dạn rủ nhau bỏ màu trồng mía, mong muốn đổi vận. Gia đình ông Dũng ở thôn Phước Hưng là một trong những hộ đi tiên phong, vay ngân hàng 13 triệu đồng đầu tư vào trồng 3ha mía. Sau vụ đầu khá thắng lợi (thu lợi tổng cộng 5 triệu đồng), đến vụ thứ 2, nhà máy đột nhiên không thu mua sản phẩm nữa.

 

Hàng chục tấn mía phút chốc phải bỏ xó. Mía trồng ra không ai mua trong khi nợ ngân hàng tháng nào cũng phải trả lãi. Nhiều gia đình hiện đã kiệt quệ, không thể trả nợ. Hơn 300 hộ dân trong thôn phải ôm nợ ngập đầu, diện tích đất bỏ hoang lên tới hơn 60ha.

 

Dân thiếu đất sản xuất

 

Trước tình trạng đất nông nghiệp để hoang trong một thời gian dài, nhiều hộ dân đã trồng lại hoa màu nhằm lấy nguồn thu nhập. Nhưng trớ trêu thay, mong muốn đó không thể thực hiện được vì vấp phải dự án “treo”. Trong khi đó, nhiều hộ dân muốn chuyển diện tích đất từ trồng mía sang trồng cây lâm nghiệp cũng không được vì chính quyền xã chưa nhất trí. Đầu năm 2003, nhiều hộ dân trong xã triển khai sang trồng cây keo, tràm liền bị xã huy động dân quân tiến hành nhổ bỏ với lý do đây là đất nông nghiệp, không được phép trồng cây lâm nghiệp

 

Ông Đinh Bán, Chủ tịch UBND xã Lộc Thủy, cho biết: “Dự án trồng mía năm 1999 nằm trong chương trình kinh tế trọng điểm của tỉnh. Vì thế đã giao chỉ tiêu cho từng địa phương thực hiện. Tuy nhiên, sau một thời gian nhà máy mía “bỏ của chạy lấy thành tích” vì thua lỗ. Dự án trồng mía bị phá sản, hàng trăm hộ dân trong xã nợ ngân hàng gần 2 tỷ đồng đến nay vẫn chưa có điều kiện trả nợ, đồng thời toàn bộ diện tích đất trồng mía trước đây cũng phải bỏ hoang. 

 

Đứng trước nguy cơ đó, chính quyền xã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, lập vườn trồng các loại hoa màu kết hợp nuôi trồng thủy sản và gia súc trên diện tích đất này, nhưng vì số hộ có ý định đến canh tác quá ít và mang tính tự phát nên không đưa lại hiệu quả và bị gia súc phá hoại. Xã cũng đã đề xuất lên huyện xin chuyển đổi diện tích đất trên thành đất lâm nghiệp nhưng chưa được sự nhất trí”.

 

Sở dĩ phần lớn diện tích đất nông nghiệp xã Lộc Thủy bị bỏ hoang trong một thời gian dài là do chính quyền thiếu sự chỉ đạo sát sao. Hiện trên 90% dân số xã Lộc Thủy sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp.

 

Minh San