1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Than Hóa:

Đập tràn - Hiểm nguy rình rập mùa mưa lũ

(Dân trí) - Đập tràn được xây dựng bởi hai mục đích vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thoát nước nhanh vào mùa mưa lũ, đồng thời đáp ứng nhu cầu đi lại cho người dân. Tuy nhiên khi vào mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về, đập tràn lại ngập chìm trong dòng nước chảy xiết, thì chính chúng lại là cái bẫy nguy hiểm cho người và phương tiện đi qua đây.

Đó cũng chính là thực trạng xảy ra ở đập tràn sông Quyền ở xã Xuân Quỳ, huyện Như Xuân (Thanh Hóa). Đập tràn thuộc dự án xây dựng tuyến đường nối các xã Thanh Lâm, Thanh Quân, Xuân Quỳ (huyện Như Xuân) được đầu tư năm 2008 từ nguồn vốn Trung ương.

Cứ mưa to là học sinh nghỉ học, người lớn nghỉ làm

Theo phản ánh của người dân xã Xuân Qùy, vào những ngày nắng ráo thì việc đi lại qua cầu tràn này rất thuận tiện, nhưng cứ mỗi khi trời mưa to, lũ về thì đập tràn này bị nhấn chìm trong biển nước mênh mông. Khi đó, con đường độc đạo liên xã sẽ bị chia cắt, cô lập các xã Xuân Quỳ, Thanh Hòa, Thanh Lâm, Thanh Quân, Thanh Phong với trung tâm huyện. Việc này đồng nghĩa với mọi hoạt động sinh hoạt, sản xuất của người dân trên địa bàn cũng bị ngưng trệ.

Đập tràn - Hiểm nguy rình rập mùa mưa lũ - 1
Đập tràn - Hiểm nguy rình rập mùa mưa lũ - 2

Chỉ cần trận mưa to là tràn sông Quyền lại ngập trắng băng nước không phân biệt được đâu là đường đâu là sông.

Cũng theo người dân địa phương, việc giao thông thường xuyên bị chia cắt như vậy ảnh hưởng rất lớn đến đời sống hàng nghìn hộ dân các xã như Xuân Quỳ, Thanh Hòa, Thanh Lâm, Thanh Quân, Thanh Phong. Bởi lẽ, muốn đi từ trung tâm huyện vào các xã này hay ngược lại đều phải qua tràn này trên địa bàn xã Xuân Quỳ.

Mỗi khi mưa to xuống là người dân phải ngưng các hoạt động đi lại, học sinh không thể đến trường, công chức, viên chức thì không thể đến công sở.

Cụ bà Lương Thị Sen (80 tuổi), thôn Chuối, xã Xuân Quỳ cho biết, gia đình cụ sống bên sông Quyền gần 30 năm, đều chứng kiến cảnh mỗi trận mưa to xuống là nước lại tràn trắng băng, không phân biệt được đâu là đường đi, đâu là sông.

Theo bà Sen thì việc nước sông dâng cao ngập nhà đã diễn ra nhiều lần khiến mỗi lần mùa mưa đến là bà con nơi đây nơm nớp lo sợ, sống trong bất an. Nhiều đêm trời mưa to không ngớt là dân cũng thức trắng đêm vì sợ nước dâng ngập nhà không kịp chạy. Bà Sen vẫn còn ám ảnh trận lũ vào năm 2008, nước sông dâng cao ngập cả nhà khiến bà con nơi đây phải khuân vác đồ đạc, gia súc đi nơi khác sơ tán.

Đập tràn - Hiểm nguy rình rập mùa mưa lũ - 3

Có những đợt phải 3-4 ngày nước mới bắt đầu rút, bà con mới có thể lội bộ qua được.

Ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Xuân Quỳ cho biết, từ tháng 7 đến tháng 12 hàng năm là mùa mưa lũ, theo đó, đập tràn ở đây thường xuyên bị ngập sâu gây nên tình trạng chia cắt giao thông nhiều ngày. Ngay trong xã Xuân Quỳ cũng bị chia cắt, cô lập lẫn nhau, thậm chí, một nửa cán bộ xã không thể đến cơ quan làm việc.

“Để đối phó với tình trạng này, năm nay, địa phương được một tổ chức hỗ trợ xây dựng dây cáp ròng rọc nối qua sông. Khi có mưa lũ, trong trường hợp cần đưa người qua sông khẩn cấp, chúng tôi sẽ dùng thuyền, xuồng nối với dây cáp kéo qua sông. Đây là một phương án khả thi nhất trong mùa mưa lũ trước mắt” - ông Dũng nói.

“Những ngày mưa nhỏ thì chỉ bị ngập khoảng nửa ngày là nước rút, thế nhưng cũng có khi lũ lớn thì bị ngập đến 3-4 ngày. Mực nước có thời điểm cao lên tới 5-6m, như một biển nước chảy rất xiết nhấn chìm cả một đoạn đường dài, không có phương tiện nào dám đi qua vì rất nguy hiểm. Chính quyền địa phương phải cắt cử người canh chừng, cảnh báo 24/24h nên chưa để xảy ra tai nạn thương vong nào về người, nhưng mất mát về tài sản như trôi xe cộ thì đã từng xảy ra nhiều lần” -  ông Dũng cho biết thêm.

Đập tràn - Hiểm nguy rình rập mùa mưa lũ - 4

Năm nay địa phương này mới được hỗ trợ 1 chiếc xuồng để đưa người qua sông khi có trường hợp khẩn cấp.

Đề xuất nâng cấp, xóa tràn mà chưa được!

Chủ tịch UBND xã Xuân Qùy cũng cho biết, năm 2015, tuyến đường được nâng cấp nhưng cầu tràn vẫn được xây dựng trên nền công trình cũ từ năm 2008, không có sự thay đổi thiết kế để phù hợp với địa hình và nhu cầu thực tiễn của địa phương. Miệng cống không những rất thấp mà còn không nằm vào dòng chảy tự nhiên của dòng suối.

Chỉ cần thiết kế miệng cống cao hơn từ 1-1,5m là giải quyết được vấn đề với các con lũ nhỏ. Nhân dân và chính quyền địa phương nhiều năm qua đã rất mong mỏi có một cây cầu để chấm dứt hoàn toàn tình trạng này. Nếu không có cầu thì chí ít cũng xây đập tràn nới rộng và nâng cao lên.

Ông Nguyễn Quang Dự, Phó Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Như Xuân cho biết, hiện ở miền núi đã bắt đầu bước vào mùa mưa, điều đó cũng có nghĩa là nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông tại các tuyến đường nhất là những tuyến đường có các cầu tràn cần được quan tâm thực hiện. Tuy nhiên việc tập trung lực lượng trong những đợt mưa lũ tại các cầu tràn chỉ là giải pháp mang tính tạm thời.

“Cử tri đã ý kiến nhiều lần, và chúng tôi cũng nhiều lần có văn bản đề xuất sở, ngành cấp trên bố trí kinh phí nâng cấp, xóa các tràn trong mùa mưa lũ thường xảy ra ngập lụt, đặc biệt là cầu tràn sông Quyền ở xã Xuân Quỳ nhưng chưa được. Chúng tôi mong được nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng cầu cho các tràn này để đảm bảo an toàn giao thông” - ông Dự bày tỏ.

Bình Minh