1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hà Nội:

Đập bỏ tầng 17, 18 nhà 8B Lê Trực hay giữ nguyên nhưng... không cho ở?

(Dân trí) - Hơn 3 năm kể từ lúc hoàn thành phần “cắt ngọn” (tháng 10/2016) đến nay, quận Ba Đình (Hà Nội) mới đưa ra hai phương án xử lý tiếp theo phần sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực để các sở ngành lựa chọn, trong đó có phương án phá bỏ tầng 17 và 18.

UBND quận Ba Đình vừa có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội báo cáo kết quả khảo sát, kiểm định phục vụ thiết kế phá dỡ giai đoạn 2 (tầng 17 và 18) tòa nhà 8B Lê Trực. Kết quả này đưa ra hai phương án xử lý phần ngọn tòa nhà 8B Lê Trực căn cứ theo đánh giá do Viện Khoa học và Công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng) lập.

Với phương án phá dỡ tầng 17 và 18, UBND quận Ba Đình đưa ra các phương án chống đỡ dầm chuyển của tầng 3 và dầm treo ở mái tầng 16 có kích thước đảm bảo an toàn về chịu lực. Sau khi phá dỡ, có khả năng phải gia cường dầm tầng 3 và các dầm biên của các tầng trên. Lý do phải gia cường được quận Ba Đình cho là các dầm này đã bị nứt và phải chịu thêm tải trọng và tác động phát sinh trong quá trình phá dỡ.

Đập bỏ tầng 17, 18 nhà 8B Lê Trực hay giữ nguyên nhưng... không cho ở? - 1

Hà Nội phá dỡ xong tầng 19 tòa nhà 8B Lê Trực từ tháng 10/2016

Cũng theo báo cáo của UBND quận Ba Đình, phương án đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người là dùng giải pháp kiến trúc xây bịt các căn hộ tầng 17 và 18 không cho sử dụng, nhưng vẫn để lối thoát hiểm lên trên sân thượng và tầng mái. Phương án này được quận Ba Đình cho là đảm bảo an toàn nhất cho công trình cũng như người sử dụng sau này, nhưng vẫn đáp ứng yêu cầu phần công trình sai phạm không được sử dụng.

Theo ông Đàm Văn Long, Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Phương Bắc (đơn vị đã thực hiện phá dỡ hạng mục vi phạm giai đoạn 1 ở tòa nhà 8B Lê Trực), do tính chất phức tạp về kiến trúc và kết cấu của tòa nhà nên việc đưa ra biện pháp phá dỡ giai đoạn II rất khó khăn.

Cụ thể, để phá dỡ phần giật cấp của tòa nhà, sẽ phải bỏ hầu hết các cột và dầm biên chịu lực của tòa nhà. Do vậy, từ tháng 10/2016, Công ty CP Tập đoàn Phương Bắc đã có công văn đề nghị thành phố giao cho đơn vị thiết kế tòa nhà thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn 2 (vì chỉ có đơn vị này mới có đầy đủ bản vẽ thiết kế gốc và kết cấu lõi của tòa nhà).

Ông Đàm Văn Long cho biết, nếu thiết kế phương án phá dỡ giai đoạn 2 được các cơ quan có thẩm quyền, có chức năng đánh giá là tuyệt đối an toàn, thì trên cơ sở đó, công ty mới có đủ căn cứ hoàn chỉnh biện pháp thi công phá dỡ để trình lên các cơ quan chức năng phê duyệt.

Từ kinh nghiệm có được trong khi “cắt ngọn” tòa nhà giai đoạn 1, Công ty CP Tập đoàn Phương Bắc cũng cho rằng, việc phá dỡ giai đoạn 2 nếu tiến hành nguy cơ mất an toàn là rất cao, có thể phải phá bỏ cả tòa nhà.

Chờ đợi trong vô vọng

Việc TP Hà Nội chưa quyết phương án xử lý giai đoạn hai phần sai phạm tòa nhà 8B Lê Trực khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân đã mua nhà ở dự án này gặp rất nhiều khó khăn. Trong đó, nhiều người đến nay đã cạn tiền thuê nhà trong nội thành, phải sống vật vờ nhờ nhà người thân hoặc ra ngoại thành.

Năm 2014, để mua được một căn hộ rộng gần 100 m2 nhà 8B Lê Trực, bà Nguyễn Thị Hồng Xuân phải bán hết nhà cửa tại Ngõ Giếng (Hoàng Cầu, quận Đống Đa). Tất cả số tiền gần 7 tỷ đồng bà Xuân đem đóng chủ đầu từ nhà 8B Lê Trực với mong muốn sớm được về ở căn nhà mới.

Đập bỏ tầng 17, 18 nhà 8B Lê Trực hay giữ nguyên nhưng... không cho ở? - 2

TP Hà Nội đang cân nhắc các phương án xử lý tiếp theo tòa nhà 8B Lê Trực

Căn hộ của gia đình bà Xuân nằm trên tầng 10 tòa nhà 8B Lê Trực đã được chủ đầu tư bàn giao để tự hoàn thiện nội thất bên trong. Đến gần cuối năm 2015, sau nhiều ngày cùng thợ hoàn thiện nội thất, gia đình bà Xuân chuẩn bị về ở thì tòa nhà 8B Lê Trực bị TP Hà Nội ra quyết định “cắt ngọn”.

Gia đình bà Xuân phải đi thuê căn chung cư cũ ở Láng Hạ ở tạm, với hi vọng TP Hà Nội xử lý xong sớm sai phạm tòa nhà này. Thuê nhà ở Láng Hạ được hơn 3 năm, chờ đợi trong vô vọng ngày về 8B Lê Trực, gia đình bà Xuân vay mượn tiền của bạn bè về huyện Thanh Oai (cuối đường Đại lộ Thăng Long) cất tạm căn nhà để ở.

Cùng cảnh ngộ gia đình bà Xuân là ông Nguyễn Sỹ Duyên. Ông Duyên cho biết, gia đình ông ký hợp đồng mua nhà 8B Lê Trực từ 10 năm trước. Sau nhiều lần đóng theo tiến độ, đến năm 2015, ông Duyên đã đóng cho chủ đầu tư hơn 6 tỷ đồng và bỏ ra hàng trăm triệu đồng hoàn thiện nội thất trong nhà.

“Chúng tôi đã đến nhà 8B Lê Trực ở được mấy ngày thì bị yêu cầu di dời ra ngoài để đảm bảo an toàn khi phá dỡ tầng 19 tòa nhà”, ông Duyên cho hay.

UBND phường Điện Biên lập chốt bảo vệ gác không cho các hộ dân được vào nhà của mình từ năm 2016 cho đến nay. Không được vào trong căn hộ của mình ở 8B Lê Trực, gia đình ông Duyên phải xuống Mỹ Đình (Nam Từ Liêm) thuê nhà để ở.

Ngày 18/6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, TP chỉ đạo quận Ba Đình trưng cầu giám định với một số đơn vị khác xem có thực sự việc phá dỡ tầng 17-18 tòa nhà có được hay không.

“Thời gian tới chúng tôi sẽ cương quyết cưỡng chế phần sai phạm của tòa nhà này. Nói thật, để đảm bảo kỷ cương phép nước thì có đập cả tòa nhà này cũng phải làm, vì công trình sai từ móng, từ tầng một”, ông Chúng nói.

Quang Phong