1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Ngãi:

Đảo tiền tiêu "bí" nơi đổ đất thải

(Dân trí) - Dù đã quy hoạch các vị trí làm bãi chứa đất thải trong sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, lượng đất thải quá lớn khiến cho những vị trí này đã bị lấp đầy. Việc tìm nơi phù hợp để chứa hàng nghìn m3 đất thải mỗi năm đang là bài toán khó mà huyện Lý Sơn đang đau đầu đi tìm lời giải.

Huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) có dân số khoảng hơn 22 nghìn người, chủ yếu sống bằng nghề khai thác hải sản và sản xuất nông nghiệp, trong đó có khoảng 55% dân số sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Hiện Lý Sơn có khoảng 335 ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là trồng hành, tỏi.

Đảo tiền tiêu bí nơi đổ đất thải - 1

Để hành, tỏi đạt năng suất và chất lượng, mỗi năm người dân Lý Sơn phải thay lớp đất, cát trên bề mặt đất canh tác.

Đảo tiền tiêu bí nơi đổ đất thải - 2

Ông Phạm Văn Bắc (xã An Hải, huyện Lý Sơn) chia sẻ, với đặc thù canh tác nông nghiệp ở Lý Sơn là dùng một lớp cát trắng phủ lên diện tích đất canh tác dày khoảng 0,5 - 1 cm. Sau một năm canh tác là phải thay mới lớp đất, cát bề mặt. 

“Theo tập quán canh tác hành, tỏi từ bao đời nay của người dân chúng tôi, cứ sau khoảng 1 năm thì mình phải cào bỏ lớp đất, cát cũ trên mặt thay lớp đất mới để hành tỏi cho năng suất cao và chất lượng thơm ngon. Còn nếu không thì tỏi, hành sẽ giảm năng suất, thậm chí không tạo củ”, ông Bắc nói.

Thời gian qua, huyện Lý Sơn đã quy hoạch 26 vị trí đổ đất thải nông nghiệp với diện tích hơn 3.300 m2. Song với đặc thù sản xuất nông nghiệp ở huyện, hàng năm lượng đất thải phát sinh quá nhiều. 

Theo tính toán của chính quyền Lý Sơn, ước tính lượng đất thải phải thu gom, vận chuyển đến vị trí đổ thải khoảng 10.200 m3/năm. Trong khi đó, diện tích đảo nhỏ hẹp nên tại các vị trí quy hoạch đổ đất thải hầu như đã bị lấp đầy.

Đảo tiền tiêu bí nơi đổ đất thải - 3
Hiện những địa điểm quy hoạch đổ đất thải đã quá tải, đất thải được đổ tràn lan ra môi trường.

Theo bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, hiện việc tìm kiếm khu vực đổ đất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Lý Sơn cũng như việc xử lý khối lượng đất thải này gặp nhiều khó khăn.

Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều cử tri huyện Lý Sơn đề xuất ý kiến cho dân đổ đất thải trực tiếp xuống biển. Việc này sẽ giúp giảm thiểu tình trạng đổ đất thải tràn lan gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan và hành lang an toàn giao thông trên địa bàn huyện.

Đảo tiền tiêu bí nơi đổ đất thải - 4
Với diện tích khá nhỏ, trong khi lượng đất thải phát sinh ngày càng nhiều khiến đảo Lý Sơn "bí" hướng xử lý đất thải

Trên cơ sở đề xuất của người dân và thực tế “bí” nơi đổ đất thải sản xuất nông nghiệp trên đảo, UBND huyện Lý Sơn vừa có văn bản gửi Sở TN&MT tỉnh Quảng Ngãi xin ý kiến tham vấn về việc người dân Lý Sơn xin đổ đất thải từ hoạt động sản xuất nông nghiệp xuống biển.

UBND huyện Lý Sơn cũng đề nghị Sở TN&MT tỉnh quan tâm, hướng dẫn địa phương các quy trình, thủ tục cần thiết trong việc xử lý đất thải nông nghiệp theo phương án đổ thải xuống biển theo đúng quy định hiện hành.

Quốc Triều

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm