1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Ngãi:

Đào tạo ngư dân đánh bắt xa bờ bằng tàu vỏ thép

(Dân trí) - Chiều ngày 8/7, tại đảo Lý Sơn, Tổng Cục dạy nghề (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức Hội thảo với chủ đề: “Đào tạo, bồi dưỡng cho thủy thủ, thuyền viên đánh bắt cá xa bờ bằng tàu vỏ thép” cho ngư dân Quảng Ngãi.

Với gói tín dụng 16.000 tỷ đồng của Chính phủ hỗ trợ đóng tàu vươn khơi xa (đặc biệt ở Hoàng Sa và Trường Sa), trong đó có 4.500 tỷ đồng cho ngư dân vay đóng tàu vỏ thép. Song song đó, ngư dân lo lắng đến vấn đề vận hành tàu vỏ thép và các hệ thống đông lạnh, trang thiết bị trên tàu.

Đào tạo ngư dân đánh bắt xa bờ bằng tàu vỏ thép

Hội thảo có sự tham gia của lãnh đạo các Vụ thuộc Tổng Cục dậy nghề, trường CĐ nghề và địa phương có ngư dân.

Đại diện ngư dân Lý Sơn, ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Vĩnh - cho biết: “Việc chuyển hoán từ tàu gỗ sang tàu vỏ thép, ngư dân chúng tôi rất đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, ngư dân không biết quy trình vận hành tàu vỏ thép khác như thế nào so với tàu gỗ truyền thống”.

Cũng theo ông Chinh, chi phí đầu tư tàu vỏ thép lớn (khoảng từ 7 – 10 tỷ đồng/tàu), do đó, ngư dân Lý Sơn băn khoăn về hiệu quả sử dụng tàu vỏ thép trên điều kiện đánh bắt ở Hoàng Sa và Trường Sa. Bên cạnh đó, đối với tàu gỗ, ngư dân biết cách xử lý tai nạn như thủng thân tàu, còn tàu vỏ thép khó xử lý trên biển khi xảy ra sự cố thủng tàu do va đâm. Hoặc việc vận hành các trang thiết bị hiện đại, hệ thống đông lạnh lâu ngày trên biển, nguyên liệu,…

Đào tạo ngư dân đánh bắt xa bờ bằng tàu vỏ thép

Đại diện cho ngư dân Lý Sơn, ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã An Vĩnh chia sẻ nỗi trăn trở của ngư dân.

“Khi đóng tàu, chúng tôi mong muốn đơn vị đóng tàu phải tìm hiểu, nghiên cứu sâu về từng ngành nghề đánh bắt trên biển, vì mỗi nghề cách thức hoạt động đều khác nhau như nghề giã cào, câu mực, lặn, lưới vây,… Để vận hành tàu vỏ thép có hiệu quả, yêu cầu phải đào tạo, bồi dưỡng nghề trước khi ngư dân đóng tàu vỏ thép”, ông Chính đề nghị.

Là địa phương đầu tiên có ngư dân sở hữu tàu vỏ thép (Hoàng Anh 01), ông Lê Văn Chức – Bí thư Đảng ủy xã Bình Chánh (huyện Bình Sơn) cho biết: “Toàn xã có 102 chiếc tàu, trong đó có hơn 60 tàu hành nghề câu mực. Tuy nhiên, với tàu vỏ thép Hoàng Anh 01 (hành nghề lưới vây), nhiều ngư dân hoạt động nghề khác nên họ sợ đóng tàu không đúng chức năng, dẫn đến hiệu quả không đạt so với tàu gỗ truyền thống. Ngư dân thường đi biển dài ngày, nếu tổ chức đào tạo, bồi dưỡng thì cần sắp xếp thời gian ngắn ngày cho phù hợp, kể cả học ở đâu, chế độ ưu tiên ra sao”.

Với những khó khăn khi đào tạo, bồi dưỡng cho ngư dân đánh bắt cá xa bờ, TS.Trương Thanh Dũng – Hiệu trưởng trường CĐ nghề Hàng hải TPHCM - bày tỏ: “Trình độ phổ thông của mỗi ngư dân đều khác nhau, do đó đào tạo chung giáo trình và thời gian dài sẽ không hợp lý. Tôi đề nghị nên bồi dưỡng ngắn ngày, đồng thời soạn riêng giáo trình phù hợp với từng trình độ của mỗi ngư dân”.

Ông Đặng Xuân Thức phát biểu kết luận tại Hội thảo.

Ông Đặng Xuân Thức phát biểu kết luận tại Hội thảo.

Thông qua các ý kiến, đề xuất tại Hội thảo, ông Đặng Xuân Thức – Vụ trưởng Vụ dạy nghề chính quy thuộc Tổng Cục dạy nghề - kết luận: “Với kiến thức mà ngư dân đã có từ tàu gỗ, chúng ta chỉ nên bồi dưỡng nâng cao lên loại tàu vỏ thép, còn bộ phận hoặc thiết bị nào mà ngư dân chưa tiếp cận thì đào tạo mới, ít nhất cũng cấp được cho ngư dân bằng hạng 3 với các cấp bậc thuyền trưởng, máy trưởng, thuyền viên và thủy thủ. Điều đặc biệt, chương trình đào tạo phải đáp ứng yêu cầu hàn lỗ thủng, sơ cấp cứu, cấp đông hải sản ngay trên biển để ngư dân vẫn tiếp tục hành nghề”.

Ngoài hình thức đào tạo, bồi dưỡng cho ngư dân đánh bắt cá xa bờ bằng tàu vỏ thép, trong thời gian tới, Tổng Cục dạy nghề tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành thống nhất đơn vị cấp chứng chỉ, chính sách hỗ trợ và trang thiết bị thực hành cho ngư dân.

“Trước mắt, chúng tôi chọn tỉnh Quảng Ngãi đào tạo, bồi dưỡng thí điểm cho ngư dân, bởi đây là địa phương có số tàu cá và ngư dân đánh bắt hải sản ở Hoàng Sa, Trường Sa nhiều nhất cả nước”, ông Đặng Xuân Thức khẳng định.

Hồng Long