“Danh hiệu” top 10 hệ thống giáo dục hàng đầu: “Rất khó hiểu!”

(Dân trí) - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hỏi lại thông tin Chính phủ báo cáo, Việt Nam là 1 trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội thốt lên: “Nói thế, chính tôi cũng rất… khó hiểu”.

Phần thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại phiên họp 34 của UB Thường vụ Quốc hội sáng 8/5, Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên & Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình đề cập vấn đề xử lý, giải quyết vụ gian lận thi cử THPT quốc gia. Thông tin về vấn đề này được đề cập chỉ 1 câu trong báo cáo của Chính phủ. UB Kinh tế của Quốc hội, khi thẩm tra báo cáo này đã nhắc đi nhắc yêu cầu cần xác định rõ các trường hợp sai phạm trong công tác tổ chức thi, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật, nhất là sự tiếp tay, vi phạm của công chức, cán bộ trong ngành giáo dục hoặc giữ chức vụ quản lý ở địa phương.

“Danh hiệu” top 10 hệ thống giáo dục hàng đầu: “Rất khó hiểu!” - 1

Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Phan Thanh Bình phát biểu về vấn đề giáo dục 

“Khi đặt ra vấn đề sai phạm trong thi cử, có thể thấy việc này không  chỉ đơn cử xảy ra ở 1 vài cán bộ quản lý, ở một vài địa phương khi số lượng thí sinh bị kết luận có gian lận, can thiệp nâng điểm lên đến hàng trăm em. Nếu không làm rõ việc này sẽ dẫn đến nhận thức sai lệch về chế độ thi cử của chúng ta, dẫn đến cuộc đua tiêu cực ở các địa phương” – Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục cảnh báo.

Cũng về lĩnh vực giáo dục, Chủ nhiệm Phan Thanh Bình cũng đề nghị Chính phủ cân nhắc lại thông tin thành tích được báo cáo “Việt Nam là 1 trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới nằm ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương”. Ông Bình nhận định, thông tin này nhận nhiều nghi vấn, băn khoăn trong dư luận.

Ông Bình thông tin, ý kiến trao đổi một cách không chính thức của Bộ Giáo dục – Đào tạo với UB Văn hoá, Giáo dục thì dường như việc dịch “danh hiệu” này chưa chuẩn, nên hiểu Việt Nam được ghi nhận là 1 trong 10 hệ thống giáo dục có tiến bộ nhất của thế giới thì đúng hơn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hỏi lại cụ thể thông tin này, Chủ nhiệm UB Văn hoá, Giáo dục trả lời: “Nói Việt Nam là 1 trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới tại khu vực Đông Á – Thái Bình Dương thì chính tôi cũng rất khó hiểu”.

Ông Bình đề nghị Chính phủ cân nhắc thêm thông tin được đưa vào báo cáo.  

Dư luận hoài nghi về điều hành giá điện

“Danh hiệu” top 10 hệ thống giáo dục hàng đầu: “Rất khó hiểu!” - 2

Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị báo cáo xác đáng hơn về các vấn đề xã hội nổi cộm

Phiên thảo luận cũng ghi nhận nhiều ý kiến trăn trở của các Uỷ viên UB Thường vụ Quốc hội về các vấn đề xã hội đã bộc lộ mà chưa được đề cập một cách thích đáng trong báo cáo của Chính phủ.

Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Giàu nêu vấn đề, tệ nạn xã hội hiện ở mức đáng báo động khi những vụ án bắt ma tuý, số lượng lên tới cả tấn. Vấn nạn lái xe sử dụng ma tuý, gây tai nạn, nhiều vụ án mạng kinh hoàng, người lương thiện chết oan… thể hiện sự liên quan rất rõ với tệ nạn ma tuý. Bạo lực học đường, xâm hại trẻ em cũng đang nóng lên…

“Tôi đề nghị tới đây Quốc hội có nghị quyết, yêu cầu phải xử lý, kéo giảm những bức xúc xã hội ngay, bằng những chế tài mạnh, gắn với trách nhiệm chính trị của người đứng đầu các cơ quan quản lý” – ông Giàu nói.

Chia sẻ vấn đề này, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nhận xét, mảng xã hội từ kỳ họp thứ 6 của Quốc hội (tháng 10/2018) đến nay có rất nhiều vấn đề phát sinh nhưng báo cáo của Chính phủ vẫn thiên về lĩnh vực kinh tế. Bà Nga cho rằng, mảng xã hội cần tập trung phân tích thêm và cần phải có giải pháp giải quyết các vấn đề.

Chủ nhiệm UB Tư pháp đề cập, ma tuý chưa bao giờ kinh khủng như thế khi những vụ đã bắt được hơn 1 tấn chất cấm. Vậy mà đó vẫn được đánh giá chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Việc quản lý người nghiện ma tuý, đặc biệt ma tuý đá, cũng chưa thực chất, Chính phủ cần báo cáo kỹ hơn hoặc có báo cáo riêng.

Những vụ án giết người thời gian gần đây diễn ra rất nghiêm trọng, nhất là những vụ giết người thân, giết nhiều người mà có nhiều vụ việc đã rõ nguyên nhân do “ngáo đá”. Tình trạng cháy nổ phức tạp, có những nơi đoàn giám sát của Quốc hội vừa đi qua, vừa làm việc như Bình Dương thì về cái lại cháy.

Chuyện thời sự nhất, xung quanh việc tăng giá điện, bà Nga đề cập, lâu nay dư luận, xã hội vẫn có sự hoài nghi về việc quản lý, điều hành giá điện và hoạt động của Tập đoàn Điện lực. Như vậy, các cơ quan cần kiểm tra và giải đáp cho cử tri. Cần giải thích lý do việc tăng lần này để xem trong cơ cấu giá, có gì hợp lý, phần nào không hợp lý.

“Về biểu giá điện bậc thang, có ý kiến cho rằng biểu giá chỉ hợp lý với thời xưa vì đến nay, làm gì còn gia đình nào dùng dưới 50 Kwh/tháng. Kể cả gia đình chỉ có 2 ông bà già, trời nóng lắm mới bật cái quạt thì cũng không thể có mức sử dụng điện thấp như vậy. Hơn nữa, trên thế giới, có phải người càng dùng nhiều điện thì mức giá về sau càng tăng lên không? Điều đó có đúng với tinh thần thị trường? Tại sao ngành điện lại chọn thời điểm tăng giá vào lúc nóng nhất, khiến dư luận bức xúc?” – bà Nga nêu một loạt câu hỏi.

P.Thảo