Đánh giá việc tổ chức thi hành án một số vụ án kinh tế, tham nhũng trọng điểm

(Dân trí) - Bộ Tư pháp cho biết trong thời gian tới sẽ tổ chức sơ kết, đánh giá việc tổ chức thi hành án một số vụ án kinh tế - tham nhũng trọng điểm được Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội quan tâm, kịp thời có phương hướng, giải pháp thi hành án hiệu quả.

Cục Thi hành án dân sự Hà Nội mới đây thông tin, trên 88,5 tỷ đồng của Dương Chí Dũng -cựu Chủ tịch Vinalines có nguy cơ không thu hồi được.
Cục Thi hành án dân sự Hà Nội mới đây thông tin, trên 88,5 tỷ đồng của Dương Chí Dũng -cựu Chủ tịch Vinalines có nguy cơ không thu hồi được.

Bộ Tư pháp vừa có văn bản trả lời các bộ ngành, địa phương đã có ý kiến nêu tại Hội nghị toàn quốc triển khai công tác Tư pháp năm 2018. Trong đó đáng chú ý nhất là các ý kiến trả lời kiến nghị của ông Vũ Quốc Doanh- Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TPHCM.

Trả lời đề xuất tổ chức họp liên ngành Trung ương để thống nhất cơ chế xử lý đối với các vụ việc có tài sản thi hành án nằm ở nhiều địa phương khác nhau của ông Doanh, Bộ Tư pháp thừa nhận đây là một trong những khó khăn, vướng mắc mà các cơ quan thi hành án dân sự địa phương đang gặp phải.

“Ví dụ như một số vụ việc có tài sản phải xử lý ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau trong vụ Phạm Công Danh, vụ Công ty cho thuê tài chính II, vụ Vinashin và vụ việc liên quan đến Cao Bạch Mai tại Đắk Nông, Tổng cục Thi hành án dân sự đã báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp chủ trì họp liên ngành tại Trung ương thống nhất quan điểm chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện ủy thác thi hành án đối với các vụ án lớn, vụ án kinh tế, tham nhũng, vụ án trọng điểm”- Bộ này cho hay.

Để có cơ chế chung xử lý, Bộ Tư pháp cho rằng cần có sự thống nhất liên ngành từ Trung ương và đã đề xuất theo hướng sửa Luật Thi hành án dân sự.

Trước đề nghị tổ chức sơ kết, đánh giá các vụ án tham nhũng để chỉ đạo, tháo gỡ cũng như rút kinh nghiệm, Bộ Tư pháp khẳng định cơ quan này cùng với Tổng cục Thi hành án dân sự đã có nhiều buổi làm việc với các cơ quan thi hành án dân sự địa phương để đánh giá kết quả thi hành án các vụ án kinh tế - tham nhũng lớn; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chuyên môn nghiệp.

Trong thời gian tới, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ tiếp tục tham mưu lãnh đạo Bộ Tư pháp tổ chức sơ kết, đánh giá việc tổ chức thi hành án một số vụ án kinh tế - tham nhũng trọng điểm được Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội quan tâm, kịp thời có phương hướng, giải pháp thi hành hiệu quả hơn.

Tổng kết 5 năm thi hành Luật Thủ đô

Trả lời Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn về đánh giá 5 năm thi hành Luật Thủ đô, Bộ Tư pháp thừa nhận việc này hết sức cần thiết để đánh giá, nhìn nhận tổng thể kết quả đạt được, tồn tại, hạn chế, làm cơ sở cho việc đề xuất hoàn thiện pháp luật về Thủ đô phù hợp với tình hình mới.

Hiện tại, Bộ Tư pháp đã có chủ trương tổng kết 5 năm thi hành Luật Thủ đô. Trong thời gian tới, cơ quan này sẽ chủ động phối hợp với UBND TP Hà Nội xây dựng và thực hiện kế hoạch liên tịch giữa hai cơ quan để triển khai việc tổng kết. Kế hoạch sẽ phân công cụ thể trách nhiệm chủ trì, phối hợp thực hiện các nhiệm vụ có liên quan và dự kiến ban hành sớm trong quý I/2018.

Trên cơ sở kết quả tổng kết thi hành Luật Thủ đô, kết quả nghiên cứu, đánh giá tác động của các chính sách có liên quan, Bộ Tư pháp sẽ thống nhất với UBND TP Hà Nội và các cơ quan có liên quan, báo cáo xin ý kiến Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung luật.

Thế Kha