Đánh bắt, nuôi trồng thủy sản là một vấn nạn của giao thông đường thủy
(Dân trí) - Các công trình đánh bắt, nuôi trồng thủy sản “mọc” trên các tuyến đường thủy nội địa được xem là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường thủy nghiêm trọng.
Một công trình đánh bắt thủy sản trên sông Cái Lớn ở Kiên Giang
Thống kê của Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam cho biết, số lượng công trình đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên các sông, kênh khu vực phía Nam rất lớn (đáy cá và bè cá chiếm số lượng nhiều nhất, trên 3.000 công trình). Số công trình không an toàn có 356 công trình chiếm luồng, 835 công trình chiếm hành lang bảo vệ luồng, 652 công trình chưa lắp đặt báo hiệu, 84 công trình không có ý kiến của cơ quan chức năng…
Theo tài liệu mà Chi cục Đường thủy nội địa phía Nam thu thập được, cho thấy đã có nhiều tai nạn đường thủy đáng tiếc xảy ra do ảnh hưởng từ các công trình đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Như cuối tháng 1/2005 trên kênh Mang Thít (Vĩnh Long) một tàu gỗ chở hàng vướng vào dây chằng đáy cá làm tàu lật gây thiệt hại trên 1 tỷ đồng; Giữa tháng 9/2008, trên sông Cái Xu (Cà Mau) một phương tiện thủy va vào hàng đáy cá làm lật tàu khiến chủ phương tiện chết tại chỗ; Đầu tháng 3/2010, trên sông Chà Và, một ca nô vướng vào dây đăng đáy và bị lật khiến một phụ nữ rơi xuống sông đập đầu vào cột đáy tử vong…
Ông Đồng Hữu Phong nhận định: “Đa số các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản trên tuyến đường thủy nội địa được hình thành tự phát. Các hình thức như giăng lưới, giăng câu, kéo cá…lấn chiếm luồng đang trở thành vấn nạn trên một số tuyến đường thủy nội địa của khu vực phía Nam nói riêng, cả nước nói chung mà hậu quả là những cái chết thương tâm đã xảy ra”.
Dù vấn nạn này rất được ngành chức năng quan tâm, nhiều địa phương cũng có những phương án để giải quyết nhưng thời gian qua vẫn không thể xử lý triệt để do vẫn còn nhiều bất cập như công tác tuyên truyền chưa sâu rộng, công tác quản lý chưa chặt chẻ, ý thức chấp hành luật pháp của người dân còn hạn chế, kinh phí hỗ trợ chuyển nghề cho người dân còn thấp…
Ban An toàn giao thông các tỉnh An Giang, Bình Dương, Kiên Giang, Bạc Liêu, TPHCM, Cần Thơ, Bến Tre… cho rằng, đa số người dân lấy việc đánh bắt, nuôi trồng thủy sản làm mưu sinh nên cũng có cái khó trong việc xử lý.
Để lập lại trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đề nghị các địa phương cần quy hoạch lại vùng khai thác, nuôi trồng thủy sản để đảm bảo công ăn việc làm cho người dân; tăng cường công tác tuyên truyền đến từng hộ gia đình hiểu rõ hơn sự nguy hiểm của các công trình trên sông; tăng cường tuần tra kiểm soát trên các con sông, kênh để xử lý triệt để những trường hợp vi phạm; hỗ trợ kinh phí chuyển đổi nghề hợp lý cho người dân...
Huỳnh Hải