1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

"Đáng sợ nhất là mỗi lần phát cơm cho đồng đội thấy thừa mấy nắm cơm"

(Dân trí) - Để có được chiến thắng vang dội ngày 30/4/1975, không thể không nhắc đến công lao to lớn, sự hy sinh mất mát của hàng nghìn chiến sĩ đã ngã xuống trên mảnh đất Tàu Ô - Xóm Ruộng (Bình Dương).

Ngày nay, địa danh Tàu ô – Xóm Ruộng là di tích lịch sử nổi tiếng ở miền Đông Nam Bộ. Tại đây có một hệ thống tượng đài chiến thắng, bia tưởng niệm 1083 anh hùng liệt sĩ và hàng nghìn người dân đã ngã xuống trong chiến dịch phòng ngự 150 ngày đêm (từ tháng 4 đến tháng 8/1972), giữ vững trận địa, ngăn chặn bước tiến của quân địch trên đường 13 về An Lộc.

Cuộc chiến bảo vệ Tàu Ô là cuộc chiến đẫm máu và nước mắt
Cuộc chiến bảo vệ Tàu Ô là cuộc chiến đẫm máu và nước mắt

Đây là tuyến bàn đạp cực kỳ quan trọng cả về chiến lược cũng như tác chiến chiến thuật. Nếu giữ được, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta phát triển tấn công xuống trung tuyến; nếu mất, địch sẽ có cơ hội chiếm lại các tỉnh Lộc Ninh, Tây Ninh, Bình Long, Bình Phước. Cục diện chiến tranh sẽ hết sức bất lợi cho ta.

150 ngày đêm - máu và nước mắt

Một ngày tháng 4 đầy nắng, tôi về gặp lại người cựu binh đánh Mỹ năm xưa – nhân chứng trong 150 ngày đêm bảo vệ Tàu Ô- Xóm Ruộng. Người anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Cao Xuân Cới (66 tuổi, thôn Phong Mỹ, xã Hoằng Phong, huyên Hoằng Hóa- Thanh Hóa) vẫn còn nhớ như in những ngày tháng chiến đấu cùng đồng đội nơi “túi bom” của Mỹ điên cuồng dội xuống.

Chàng thanh niên Cao Xuân Cới nhập ngũ khi mới tròn 18 tuổi. Sau 2 năm hết bảo vệ biển Sầm Sơn- Thanh Hóa đến ra Nho Quan – Ninh Bình rồi về Nông Cống luyện tập. Năm 1971, ông bắt đầu bước chân vào chiến trường B. Nơi ông đóng quân là tiểu đoàn 209, Trung đoàn 9, Đại đội 11. Ông cùng đồng đội chiến đấu ở mặt trận Campuchia cho đến cuối năm 1971 thì trở về Việt Nam chiến đấu ở mặt trận Bù Đăng- Bù Đốp (Tây Nguyên)

Suốt cả hành trình cầm súng kháng chiến hết mặt trận này đến mặt trận khác nhưng với ông 150 ngày đêm chiến đấu ở Tàu Ô- Xóm Ruộng không thể nào quên. Với ông, đó là ký ức oai hùng nhất nhưng cũng đầy đau thương. Bởi nơi ấy, biết bao đồng đội ông ngã xuống, nơi ấy chính bàn tay ông đã chôn cất khi đồng đội hy sinh.

Cuộc chiến bảo vệ Tàu Ô là cuộc chiến đẫm máu và nước mắt
40 năm đã trôi qua nhưng cảm xúc về cuộc chiến đấu chống Mỹ vẫn vẹn nguyên trong người cựu binh này

Kể câu chuyện về 150 ngày đêm, ông không khỏi xúc động. Tự nhận mình là người may mắn khi đi qua những cuộc kháng chiến ác liệt vẫn có thể trở về, ông bảo, ngày đó đồng đội ngã xuống nhiều lắm, không kể xiết. “Tôi thường dùng ống đựng thuốc đã hết bằng thủy tinh ghi rõ tên, tuổi, địa chỉ rồi chôn cùng để sau này người thân còn tìm. Có nhiều khi đồng đội chết nhiều quá, trong thời gian cấp bách cũng không kịp viết gì, chỉ chôn đồng đội xuống thôi” – ông Cới rơm rớm nước mắt kể.

Thời điểm đó, người chiến sĩ Cao Xuân Cới làm nhiệm vụ nuôi quân. Dù nơi ông nấu ăn cho đồng đội chỉ khoảng 3km đường chim bay nhưng để tránh bị địch phát hiện, ông phải đi đường vòng xa 9-10km. Hôm nào không gặp máy bay địch thì đi từ hơn 4h chiều, khoảng 10h đêm đến nơi đồng đội chiến đấu nhưng nếu hôm nào gặp máy bay, pháo sáng của địch thì phải 12h đêm hay 1h sáng mới mang được cơm cho anh em.

“Để tránh bị phát hiện, mỗi ngày đi lại phải tìm những con đường khác nhau và nếu muốn nhớ được đường để quay trở lại phải bẻ những cành cây bên đường làm dấu. Mỗi anh em nuôi quân phải đèo 20-25 nắm cơm cho 2 bữa ăn và một bọc cơm cho buổi tối, 10lit nước, 5 lít canh, 1 khẩu súng Aka rồi lên đường. Nhiều hôm đi nửa đường, nước bị đổ, tôi lại phải quay lại lấy nước. Hồi đó, nước hiếm, anh em nhịn đói được chứ không nhịn khát được” – cựu binh Cao Xuân Cới nhớ lại.

Điều mà khiến ông sợ nhất đó là mỗi lần mang cơm ra phát cho đồng đội thấy thừa ra mấy nắm cơm. Lúc đó ông bảo nước mắt lại chực trào, tay chân run vì biết hôm đó lại có người hy sinh rồi. Biết chúng tôi buồn, anh em lại kể chuyện vui, pha trò đùa để quên đi cái đau thương ấy, lấy khí thế cho ngày hôm sau chiến đấu.

“Nếu trong chiến dịch Điện Biên Phủ, anh em với 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” thì chúng tôi ở đây cũng không khác gì. 150 ngày đêm là những ngày vừa đào hầm, vừa chiến đấu, ăn đói, ăn khổ. Trời nắng thì không sao, trời mưa thì khổ vô cùng, anh em đào hầm đến đâu cứ phải dùng cây căng áo mưa đến đó, rồi lấy lá cây ngụy trang ở trên để cho địch không phát hiện ra”.

“Mỗi ngày địch điên cuồng dội bom xuống, có những ngày vài ba trận, có khi thì vài ngày lại có 1 trận. Chúng âm mưu đánh tan quân ta ở đây để tiến vào chi viện cho Bình Lăng. Cuối tháng 5 đầu tháng 6/1972, sau khi tất cả các mũi, hướng tiến công, với sự góp sức của nhiều sư đoàn, lữ đoàn cùng các vũ khí tối tân không thể xuyên thủng được phòng tuyến An Lộc, không lực Hoa Kỳ và không quân của Quân đội Việt Nam cộng hòa đã thực hiện con bài cuối cùng là sử dụng 10 máy bay B52 ném bom rải thảm; thực hiện hàng nghìn phi vụ cường kích, ném hơn 40.000 tấn bom xuống khu vực Tàu ô - Xóm Ruộng. Nhưng những gì mà Mỹ đạt được chỉ là biến đất đai, cây cỏ ở khu vực này thành một đống hoang tàn. Dù bị hy sinh nhiều xương máu, cho đến nay, hàng trăm liệt sĩ và người dân vẫn chưa tìm được hài cốt, nhưng Tàu Ô – Xóm Ruộng vẫn đứng vững”.

Phá tan “cánh cửa sắt”

Địch nhận thấy không đánh chiếm được các trận địa chốt chặn trên đường 13, lại bị tiêu hao nhiều, chúng tìm cách rút quân khỏi Tàu Ô - Xóm Ruộng về ứng cứu phía sau. Lúc này, cả một vùng giải phóng rộng ở phía bắc Sài Gòn đã góp phần chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 để giải phóng hoàn toàn miền Nam.

Nhớ về những ngày tháng kháng chiến, ông Cới lại cảm thấy như những trận đánh đó chỉ vừa diễn ra thôi. Dù đã 40 năm trôi qua, những cảm xúc của ngày ấy như vẫn còn vẹn nguyên.

Ông bảo, lúc đó dù ta giải phóng được nhiều nơi nhưng thị xã An Lộc vẫn bị bao vây, cô lập. Trận địa này chính là “cánh cửa sắt” để ta tiến vào Sài Gòn.  Bọn địch xác định phải giữ cho được Xuân Lộc, mất Xuân Lộc là mất Sài Gòn. Bởi vậy mà, trận Xuân Lộc, kéo dài từ ngày 9-20/4/1975, là chuỗi các trận đánh ác liệt nhất trong Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.

“Tôi nhớ trong trận đánh này, anh em chúng tôi bị mắc kẹt một tuần không đồ ăn, thức uống gì nhưng tinh thần chiến đấu thì lúc nào cũng mãnh liệt. Ai nấy đều quên đi khó khăn, gian khổ trước mắt để mơ về một tương lai đất nước được giải phóng” – người cựu binh đánh Mỹ kể lại.

Đến ngày 21/4 thì ta giải phóng được Xuân Lộc. Mỹ lúc này điên cuồng thả 2 quả bom xuống khu vực này, rất may thời điểm đó, sau khi giải phóng, quân và dân ta đã rút khỏi nên tránh được thương vong. Sau trận Xuân Lộc, chính quyền Sài Gòn lung lay nghiêm trọng. Phá tan được Xuân Lộc chính là đạp đổ được “cánh cửa sắt” để mở ra cuộc tổng tiến công vào ngày 30/4/1975.

Trong trận đánh này, Đại đội của ông Cới có 18 tay súng thì hy sinh 3, 5 người bị thương, nhưng ông bảo lúc đó, niềm vui của chiến thắng đã khiến cho ông cùng đồng đội quên đi những đau thương mất mát.

Cho đến 7h30 phút sáng ngày 30/4/1975 đơn vị của ông Cới tiến được vào sân bay Biên Hòa, đánh đến đâu địch bỏ chạy đến đó, vứt súng, áo trà trộn vào dân để thoát thân. 

Ông nhớ lại: “Khi nghe trên đài tiếng Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, chúng tôi đã cùng ôm nhau hò reo, ai nấy đều sung sướng đến mức khóc òa. Niềm hạnh phúc lúc đó không thể tả được”.

Nguyễn Thùy