Đằng sau những cánh đào Nhật Tân "danh bất hư truyền"
(Dân trí) - Hoa đào Nhật Tân đẹp nổi tiếng không phải tự thân nó đã vậy. Công sức thầm lặng chăm trồng, uốn nắn thổi hồn cho từng cánh hoa của người trồng mới thực sự là bệ phóng cho thương hiệu đào đất Bắc ngày nay.
Một nắng hai sương vất vả quanh năm, khi được mùa đào nở đúng thời điểm, người Nhật Tân lại cảm ơn ông trời. Tính cách nhún nhường chịu khó, biết ơn thiên nhiên của người làm vườn bao đời nay vẫn vậy, được thể hiện qua nét mặt, vóc dáng và nụ cười thân thiện.
Chị Đỗ Thị Hoa là người trồng đào gốc Nhật Tân. Gia đình chị đang trồng đào trên 4 suất đất của ông bà để lại. Chị Hoa hiện vẫn còn đang trong công tác, việc trồng đào là làm thêm nhưng chị cho biết, trồng đào bận bịu quanh năm và mất nhiều thời gian không kém gì công việc chính.
Hầu hết người trồng đào ở Nhật Tân đều có thâm niêm nhiều đời, từ ông bà, bố mẹ truyền lại và coi đó như nghề truyền thống của gia đình. Trong ảnh là bà Bùi Thị Bính, người gốc làng Nhật Tân, gia đình có thâm niêm bảy đời trồng đào.
Bà Bính đang tỉa bớt cành cho đào. Công việc này được người làm vườn gọi là phá tán, những cây đào phá tán sẽ dành cho năm sau.
Xưa người Nhật Tân trồng đào ngoài đồng, là khu vực đường Lạc Long Quân, đến khi mất đất họ mới quay về trồng nhiều tại khu trồng đào ngày nay. Bãi đất ven sông Hồng này trước đây người dân thường trồng dâu nuôi tằm, sau trồng rau, rồi chuyển hẳn sang trồng đào.
Cận cảnh một bông hoa đào Nhật Tân năm cánh. Đào năm cánh chiếm số lượng không nhiều, đào bích vẫn chiếm đa số do nhu cầu từ người tiêu dùng.
Những luống đào bắt đầu khoe sắc chạy thẳng tắp từ con đường đê quai ra đến sát mép sông Hồng.
Một vườn đào gồm phần lớn là những cây đào thế có giá cao của gia đình bà Huỳnh Kim Mai. Tại đây, cây rẻ nhất có giá vài triệu, những cây thế đẹp, gốc to lâu năm có giá lên đến hàng chục triệu.
Bà Mai, người gốc làng Nhật Tân, bên những cây đào đã sẵn sàng cho Tết. Gia đình bà Mai hiện tại sống ở phố Trịnh Công Sơn, phải mua và thuê đất để trồng đào.
Những bông đào bích bung nở đỏ thắm.
Bà Nhuận tươi cười cầm trên tay những cành đào thu hoạch sớm đang được bán ngay tại vườn.
Mua đào của bà Nhuận chính là người hàng xóm. Bà Nhuận chỉ tập trung vào việc trồng trọt, ít khi mang đào ra chợ bán. Còn hàng xóm của bà thì lại có quá ít đất trồng nên thường đi mua đào mang ra chợ Quảng An để bán lại.
Dôi vợ chồng đang chuyển đào ra chợ bán trên con đường chạy xuyên cánh đồng Nhật Tân.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hưng vừa trồng đào vừa trồng rau và hoa. Nhà anh đất rộng nhưng chỉ có hai vợ chồng còn giữ nghề trồng hoa nên khá vất vả. Anh cho biết, công việc bận bịu triền miên quanh năm, trong 365 ngày chỉ được nghỉ đúng ngày mùng Một Tết. Sang ngày mùng Hai, anh chị đã bắt đầu ra thăm vườn.
Vợ anh Hưng cho biết, nhà có hơn một mẫu đất nhưng không thuê người làm vì giá công cao, khoảng 250 nghìn đồng/công, do vậy chỉ có hai vợ chồng lăn lộn với hoa.
Hữu Nghị