Đăng kiểm viên bị phạt cải tạo không giam giữ vẫn được hành nghề?
(Dân trí) - Dự thảo sửa đổi Nghị định 139 quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới đề xuất, đăng kiểm viên phạm tội thuộc lĩnh vực khác chỉ bị cải tạo không giam giữ thì vẫn có thể làm đăng kiểm viên.
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến sửa đổi Nghị định 139. Đáng chú ý trong đó, dự thảo sửa đổi quy định thu hồi "Giấy chứng nhận đăng kiểm viên".
Cụ thể, trước đây đăng kiểm viên sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận nếu "bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án" nhưng trong dự thảo mới sẽ sửa thành "bị kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới".
Theo ban soạn thảo, nguyên nhân do quy định bị kết tội bằng bản án có hiệu lực pháp luật do vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực kiểm định xe cơ giới phù hợp với nguyên tắc áp dụng hình phạt bổ sung quy định tại Bộ luật Hình sự. Trong dự thảo mới, đăng kiểm viên vi phạm các tội thuộc lĩnh vực khác mà chỉ bị cải tạo không giam giữ thì vẫn được giữ giấy chứng nhận và có thể làm đăng kiểm viên.
Dự thảo cũng thay đổi về nhân sự tại các trung tâm đăng kiểm. Theo đó, mỗi đơn vị có tối thiểu 1 lãnh đạo có đủ điều kiện. Mỗi dây chuyền chỉ cần tối thiểu 1 đăng kiểm viên xe cơ giới bậc cao phụ trách.
Mỗi dây chuyền kiểm định phải có tối thiểu 2 đăng kiểm viên đảm bảo thực hiện đủ các công đoạn kiểm định thay vì mỗi dây chuyền đăng kiểm tối thiểu có 3 đăng kiểm viên và tối thiểu có 1 đăng kiểm viên bậc cao như hiện nay.
Ngoài ra, điều kiện của đăng kiểm viên cũng được sửa thành có tối thiểu 12 tháng thực tập nghiệp vụ đăng kiểm viên theo nội dung do Bộ GTVT quy định.
Nếu học viên đã có kinh nghiệm làm việc trực tiếp tại các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô cho các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô thì phải tuân thủ các yêu cầu sau: Nếu có tổng thời gian làm việc cộng dồn từ 12 - 24 tháng, thời gian thực tập là 6 tháng; Tổng thời gian làm việc cộng dồn trên 24 tháng, thời gian thực tập là 3 tháng (có xác nhận của cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô).
"Đối với những người có kinh nghiệm trực tiếp làm công tác bảo hành, bảo dưỡng, sửa chữa xe ô tô, chỉ cần thực tập thêm về nghiệp vụ đăng kiểm", ban soạn thảo cho biết.
Một điểm khác đáng chú ý trong dự thảo về điều kiện đối với lãnh đạo đơn vị đăng kiểm ký giấy chứng nhận kiểm định, lãnh đạo đơn vị đăng kiểm được phân công ký giấy chứng nhận kiểm định phải: "Được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về hoạt động kiểm định xe cơ giới tại đơn vị, đồng thời phải là đăng kiểm viên xe cơ giới đã thực hiện nhiệm vụ của đăng kiểm viên tối thiểu 36 tháng".
Quy định sẽ phân tách rõ lãnh đạo đơn vị ký giấy chứng nhận đăng kiểm và không ký giấy đăng kiểm.
Dự thảo cũng sửa đổi quy định điều kiện chung của các đơn vị tham gia hoạt động đăng kiểm. Theo đó, các cơ sở bảo hành, bảo dưỡng 3S/4S đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức, nhân lực theo quy định tại nghị định này được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định xe cơ giới.
Trong một số trường hợp cấp bách có thể huy động cơ sở đăng kiểm của công an, quân đội tham gia.