1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Thanh Hóa:

Dân tự ý dựng cầu tạm để thu phí

(Dân trí) - Lợi dụng cầu tạm của công trình cầu đang thi công bị nước lũ cuốn trôi, một số hộ dân xã Hà Thanh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa đã tự ý dựng cầu tạm để thu phí gần một tháng qua, khiến dư luận địa phương rất bức xúc.

Theo phản ánh của người dân hai xã Hà Thanh và Hà Châu, huyện Hà Trung, 4 hộ dân trú xã Hà Thanh, huyện Hà Trung đã tự ý dựng một đoạn cầu bằng tre, luồng, gỗ nối với đoạn cầu tạm do đơn vị thi công cây cầu bắc qua sông Hoạt để thu tiền người dân qua lại nơi đây.

Dân tự ý dựng cầu tạm để thu phí
Đoạn cầu tạm của đơn vị thi công cầu mới làm là nơi ngồi thu phí của một số hộ dân xã Hà Thanh.

Được biết, cầu Hà Thanh bắc qua sông Hoạt, nối xã Hà Thanh với Hà Châu, Hà Hải, Hà Lai, huyện Hà Trung được thi công từ năm 2011, dự kiến đến cuối năm 2012 hoàn thành đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, đến thời điểm này, cầu mới chỉ xây dựng được một nhịp và đang bỏ dở.

Trong quá trình thi công, đơn vị nhà thầu đã xây dựng cầu tạm để người dân đi lại. Tuy nhiên, thời điểm làm cầu tạm nước sông Hoạt cạn khô nên đơn vị xây cầu chỉ làm một đoạn cầu sắt dài khoảng 10m, còn hai đầu cầu chỉ đổ đất. Sau đợt mưa lũ đầu tháng 9 vừa qua, nước sông Hoạt dâng cao không có lối thoát, tuyến đê bao dọc con sông này có nguy cơ bị vỡ. Trước tình hình trên, chủ tịch UBND huyện Hà Trung đã chỉ đạo đơn vị thi công cho phá vỡ hai đoạn đầu cầu để tiêu nước, chống ngập lụt các khu vực thượng nguồn.

Sau khi nước rút, đơn vị thi công cũng như chính quyền địa phương không tu sửa lại cầu tạm để đảm bảo lưu thông cho người dân. Lợi dụng việc cầu tạm bị chia cắt, một số hộ dân xã Hà Thanh đã tự ý ra dựng một đoạn cầu bằng tre, luồng để thu phí người dân qua đây.

Cây cầu tạm của một số hộ dân xã Hà Thanh tự ý dựng lên để thu phí.
Cây cầu tạm của một số hộ dân xã Hà Thanh tự ý dựng lên để thu phí.

Theo quan sát của phóng viên, đoạn cầu tạm được nối từ con đường liên xã của Hà Thanh qua đoạn cầu tạm do đơn vị thi công làm trước đó dài khoảng hơn 10m, rộng gần 1m được chống bằng tre, luồng, mặt cầu đặt những tấm ván. Sau khi dựng cầu tạm, các hộ dân này tự đặt ra mức phí mỗi lần qua cầu đối với xe máy là 5.000đ/lượt và xe đạp là 2.000đ/lượt.

Qua tìm hiểu được biết, đoạn đường này mỗi ngày có hàng trăm lượt người và công nhân đi làm ở các nhà máy tại thị xã Bỉm Sơn qua lại. Những người dân bỏ tiền ra xây dựng cầu tạm cho biết, nếu chính quyền địa phương hay đơn vị thi công bỏ tiền ra mua lại cầu tạm thì họ sẵn sàng bán lại.

“Ngày cầu mới bị tháo dỡ, chúng tôi phải đi đò qua, từ khi có cây cầu tạm này thì mỗi ngày phải bỏ thêm một khoản phí tiền cầu. Chúng tôi là dân buôn bán nhỏ lẻ, mỗi ngày cũng chỉ mong kiếm thêm vài đồng mà còn phải bỏ tiền qua cầu, nhưng không bỏ thì không được qua, mỗi ngày tôi qua lại cây cầu này 4 lượt”, một người dân cho biết.

Trao đổi với Dân trí, ông Đỗ Tiến Phong, Chủ tịch UBND xã Hà Thanh cho biết: “Sau khi thi công cầu mới, cầu cũ bị tháo dỡ, đơn vị thi công làm cầu tạm. Khi làm cầu tạm là một dòng sông chết, đơn vị thi công không tham khảo ý kiến của địa phương. Trong đợt lụt vừa qua, nước tràn đê phải phá cầu tạm. Sau đó, một số hộ dân tự ý lập cầu tạm thu tiền, chính quyền địa phương đã cưỡng chế tháo dỡ nhưng sau đó 4 hộ dân này tiếp tục bắc lại cầu phục vụ nhân dân và có thu phí. Xã đã có văn bản đề nghị lên huyện để đấu nối với đơn vị thi công. Huyện và các ngành chức năng đã xuống làm việc yêu cầu đơn vị thi công làm cầu tạm cho người dân qua”.

Cây cầu tạm của một số hộ dân xã Hà Thanh tự ý dựng lên để thu phí.
Mỗi ngày có hàng trăm người dân và công nhân qua lại cây cầu tạm và phải trả phí cho 4 hộ dân tự ý dựng cầu.

Ông Phong cho biết thêm, cầu này là do người dân tự phát làm, sau khi có ý kiến của địa phương, đơn vị thi công vẫn chưa ra làm việc và bên đơn vị thi công phải bỏ tiền ra mua lại cầu tạm của dân để giải tỏa cho dân đi lại.

Trong khi chính quyền thiếu trách nhiệm, còn nhà thầu lại đổ lỗi cho UBND huyện phải làm thì mỗi ngày, hàng trăm người dân phải đi lại trên cây cầu tạm đầy bất trắc và phải trả một khoản phí mà đáng nhẽ ra họ không phải trả.

Duy Tuyên