1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hải Phòng:

Dân thành phố sống chung với... khói độc

Không thể ngờ giữa thành phố Hải Phòng mà cả ngàn hộ dân phải sống triền miên trong ô nhiễm bởi khói độc của rất nhiều nhà máy thải ra… Vừa đặt chân đến Quán Trữ tôi đã choáng bởi một thứ mùi “tổng hợp” khét nồng xộc thẳng vào mũi, xông thẳng lên não.

Quanh năm bịt khẩu trang

Từ xa đã thấy những cụm khói do hàng chục cơ sở sản xuất gần đó thải ra, âm ỉ vần vũ khiến cả khu vực phường Quán Trữ (quận Kiến An) và thôn Trang Quan, xã An Đồng (huyện An Dương) bảng lảng như được bao phủ bởi một làn sương mù.

Cái vẻ “lãng mạn” đó mất hẳn đi khi đi sâu vào “nội địa”: những căn nhà cửa đóng then cài im ỉm, thi thoảng mới có người ra đường vì sợ khói. Cảnh tượng khiến người ta liên tưởng đang đi giữa một vùng bệnh dịch. Lần ra mép sông Lạch Tray - nơi Công ty TNHH An Sinh xử lý và tái chế dầu cặn - mới càng kinh khủng: mặt hồ nhỏ đằng sau xưởng sản xuất váng nổi lều bều kinh khủng, nước lên đến đâu dầu dềnh đến đó. Cả một vùng cây cối xung quanh cháy vàng vì dầu, nền đất quanh đó cũng biến thành màu nâu sậm vì ngấm dầu.

Chị Huệ, chủ quán nước, cách xưởng dầu khoảng 200m, lúc nào cũng bịt khẩu trang kín mít, nhăn mặt: “Cái lò tái chế dầu đó mà hoạt động thì chỉ có đóng cửa quán, mùi kinh khủng. Đợt này nó hoạt động về đêm nên ban ngày còn đỡ mùi đó. Quanh đây có đến chục cái nhà máy, xưởng sản xuất quanh năm tỏa đủ thứ mùi: mùi khét, mùi nhựa, mùi khí gas... Nhà tôi làm giải khát gió hắt mùi vào không chịu nổi. Có nhà phải nhốt con cái trong nhà suốt ngày. Trẻ con mới được mấy tháng tuổi mà cứ phải ngửi những thứ mùi độc hại này thì nguy hiểm quá!”.

Thôn Trang Quan, An Đồng, An Dương - giáp với Khu công nghiệp Quán Trữ - cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Ông Vũ Nhật Vịnh, trưởng thôn Trang Quan, bức xúc: “Mấy cái xưởng xử lý dầu thải đó hoạt động cứ chiều chiều là xả khói bụi đen mịt mù, mùi hắc kinh khủng. Con cái đi học về không dám cho chơi ở ngoài, bắt vào nhà đóng cửa kín mít. Thôn có một trường mầm non khoảng 200 cháu, cũng phải đóng cửa bật điện suốt ngày vì mùi...”.

Không chỉ các hộ dân, ngay cả các cơ quan đóng gần đấy cũng chịu chung số phận bị hít khói. Ông Nguyễn Thành Lập, giám đốc Công ty Đảm bảo giao thông đường thủy Hải Phòng, cho biết: “Ngay cạnh công ty tôi là xưởng tái chế nhựa, bao bì của Công ty TNHH Hồng Thái. Mỗi lần họ đốt nhựa là khói mù mịt. Nhân viên văn phòng ngồi làm việc mà phải đeo khẩu trang, lấy khăn bịt mặt. Khói xộc vào mắt cay xè thì cứ phải chịu trận. Nhiều hôm phải cho anh em nghỉ sớm”.

Cơ quan chức năng thờ ơ

Ông Lê Sơn, trưởng Phòng quản lý môi trường thành phố Hải Phòng, xác nhận: “Qua kiểm tra, chúng tôi thấy rằng Công ty TNHH Hồng Thái có công nghệ không đảm bảo điều kiện về môi trường. Hiện công ty này đã có cam kết dừng sản xuất từ ngày 1/6/2006”.

Tuy nhiên, theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, cho đến hôm nay Công ty Hồng Thái vẫn tiến hành sản xuất bình thường và thải ra khu vực xung quanh khói bụi với mùi cay, hắc khẳn rất khó chịu.

Tương tự vậy, sau khi nhiều người dân tại thôn Trang Quan, xã An Đồng (An Dương) gửi đơn kêu cứu tập thể vì môi trường sống của họ đang bị đe dọa, Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) đã tiến hành kiểm tra thực địa cơ sở sản xuất dầu cặn An Sinh và kết luận nơi đây sản xuất gây ô nhiễm. Tuy nhiên, việc xử lý cũng chỉ mới dừng lại ở mức... cam kết.

Sở TN-MT Hải Phòng cũng cam kết với người dân: sẽ tiến hành quan trắc tức thời khi các hộ dân thôn Trang Quan phát hiện thấy có ô nhiễm để kiểm tra, giám định mức độ ô nhiễm để có biện pháp xử lý kịp thời. Tuy nhiên theo ông Sơn, cho đến nay sở vẫn chưa nhận được thông báo nào của các hộ dân phát hiện có dấu hiệu ô nhiễm, bởi vậy nên sở chưa tiến hành quan trắc để xử lý.

Song theo tìm hiểu của chúng tôi, đã nhiều lần người dân thôn Trang Quan thông báo tới Sở TN-MT hiện tượng xả khói trở lại của Công ty An Sinh nhưng không có hồi âm. Ông Vũ Nhật Vịnh, trưởng thôn Trang Quan, cho hay chính ông đã gọi điện đến Sở TN-MT báo ô nhiễm nhưng được một cán bộ của sở trả lời: UBND xã An Đồng điện hoặc thông báo thì sở mới cử cán bộ sang quan trắc, xử lý việc gây ô nhiễm (!).

Ông Vịnh bức xúc: “Họ xả khói ban đêm, khi đó UBND xã còn làm việc đâu mà chúng tôi thông báo tới sở được”. Trong lúc chờ các cơ quan chức năng xử lý, hàng ngàn người dân quanh Khu công nghiệp Lãm Hà chỉ còn cách tự bảo vệ mình bằng cái khẩu trang thô sơ và vẫn phải ngày đêm chung sống với khói độc...

Theo Trọng Phú
Báo Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm