1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Bình:

Dân thành phố “chết khát” vì nguồn nước nhiễm bẩn

(Dân trí) – Nhiều năm qua, người dân ở thôn 1, xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới luôn sống trong cảnh thiếu nước sinh hoạt do nguồn nước bị nhiễm phèn nghiêm trọng. Đã có nhiều người chết vì bệnh tật, một số khác cũng đang lâm bệnh. Họ nghi là do sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn?

“Cắn răng” dùng nước nhiễm phèn

Cách trung tâm TP Đồng Hới chừng chưa đầy 5 km nhưng nhiều năm qua, hơn 30 hộ dân sống ở thôn 1, xã Lộc Ninh luôn “khát” nước sạch sinh hoạt. Để có nước sạch sử dụng, nhiều hộ dân đã tìm đủ mọi cách như hứng nước mưa, gọi thợ về khoan giếng và khử phèn... Thế nhưng, tất cả mọi phương án đều không có kết quả và người dân vẫn phải “nhắm mắt” sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn, với nguy cơ gây bệnh rất cao.

Dân thành phố “chết khát” vì nguồn nước nhiễm bẩn

Nhiều năm qua, người dân thôn 1, xã Lộc Ninh phải "cắn răng" sử dụng nguồn nước giếng bị nhiễm phèn nặng

Dẫn chúng tôi đi khảo sát thực trạng sử dụng nước sinh hoạt của người dân, ông Nguyễn Văn Di, Trưởng thôn 1 cho biết, nhiều năm nay người dân phải sử dụng nguồn nước nhiễm phèn để sinh hoạt, một số hộ dân có giếng bị nhiễm phèn nặng thì phải đi chở nước ở nhà người quen hoặc phải mua từ các nơi khác về sử dụng.

Để có đủ nước sử dụng trong những ngày nắng nóng, người dân phải chắt chiu từng giọt. Mọi sinh hoạt như tắm, giặt đều phải sử dụng nước bị nhiễm phèn bởi chi phí mua nước sạch quá cao, trung bình mỗi tháng những hộ này phải bỏ ra vài trăm ngàn đồng tiền mua nước sạch.

Cùng chung cảnh thiếu nước với các hộ dân nói trên, gia đình các ông Phan Xuân Nậm, Hoàng Công Vệ, Võ Khắc Sứ,… là những hộ bị nhiễm phèn nặng nhất xóm. Dù đã đầu tư xây dựng bể lọc nhưng nguồn nước nhà ông Nậm cũng chẳng khá hơn. Toàn bộ chậu rửa, xoong, nồi đều ngả sang màu vàng cho dù ông đã chùi rửa thường xuyên. Ông Nậm cho biết, dưới đáy bể ông sử dụng cát tinh khiết để lọc, nhưng chỉ sau một tuần, lớp cát dưới đáy cũng như hai bên thành bể lọc đã chuyển thành màu đỏ.

Bể lọc nước và toàn bộ dụng cụ đựng nước của nhà ông Nậm đều bị phèn bám thành từng mảng

Bể lọc nước và toàn bộ dụng cụ đựng nước của nhà ông Nậm đều bị phèn bám thành từng mảng

Đang tiện tay lau chùi dụng cụ đựng nước, chị Nguyễn Thị Lài (vợ anh Vệ) phàn nàn: “Thật không có nỗi khổ nào hơn việc thiếu nước sinh hoạt các chú nhà báo ơi! Toàn bộ dụng cụ đựng nước nhà tui không còn màu trắng nữa rồi! Về mùa nắng nóng, nhu cầu dùng nước rất nhiều nhưng vợ chồng tui phải đi mua từng can về uống và nấu ăn. Nước giếng chỉ dùng để tắm giặt nhưng quần áo vàng ố hết cả”.

Bể lọc nước và toàn bộ dụng cụ đựng nước của nhà ông Nậm đều bị phèn bám thành từng mảng

Nước nhà anh Hoàng Công Vệ và chị Nguyễn Thị Lài bị nhiễm phèn nghiêm trọng. Chỉ một phút sau khi bơm từ giếng lên, nước đã đóng váng thành màu đỏ và xuất hiện mùi tanh

Nhiều người dân nghi ngại do việc ngày ngày phải sử dụng nguồn nước nhiễm bẩn nên đã khiến nhiều người dân lâm bệnh và chết. Ông Di lật lại cuốn sổ theo dõi nhân khẩu rồi liệt kê những cái chết thương tâm xảy ra đối với người dân trong thôn. Trong số đó, có những người còn rất trẻ mới chưa đầy 30 tuổi. Ông Di nhớ lại, cách đây mấy năm anh Nguyễn Viết Hồng bị chết vì căn bệnh ung thư để lại vợ cùng các con sống trong cảnh nghèo khó. Liên tiếp những năm sau đó, các anh Đặng Minh Bụng, Hoàng Công Quyến, Hoàng Văn Phào, Võ Khắc Long… đều lần lượt ra đi cũng vì bệnh ung thư.  Mới đây nhất, vào năm 2011, anh Trần Văn Kiên (30 tuổi) mới lập gia đình cũng đã sớm ra đi vì bệnh nặng. Và còn rất nhiều người dân vẫn đang mang bệnh tật chưa thể liệt kê hết.

Nguồn nước ô nhiễm là do nhà máy nhôm?

Liên quan đến vấn đề nước sinh hoạt, nhiều hộ dân thôn 1, xã Lộc Ninh tỏ ra nghi ngại nguồn nước nhiễm bẩn, và họ cho rằng, nguồn nước đang sử dụng gây nên một số bệnh tật là do ảnh hưởng từ nguồn nước thải của nhà máy nhôm?

Mặc dù, mối nghi ngại đó vẫn chưa được kiểm chứng nhưng vẫn khiến người dân nơi đây cảm thấy bất an khi sử dụng. Dẫn chúng tôi đi tìm hiểu nguồn nước, ông Nguyễn Đăng Ước cho biết: “Trước đây, người dân vẫn sử dụng nguồn nước lấy từ giếng khơi để sinh hoạt nhưng không có vấn đề gì. Từ khi nhà máy nhôm đi vào hoạt động, nước thải từ nhà máy được thiết kế cho chảy thẳng về đồng ruộng và khu dân cư thôn 8, phường Bắc Lý. Một thời gian, đồng lúa bắt đầu có biểu hiện chết dần, có nơi không thể mọc được, nước dưới ruộng đóng cặn thành một lớp vôi trắng. Về sau, phía công ty này thỏa thuận với người dân xây dựng một con mương, và từ đó tất cả mọi nguồn nước đều đổ về vùng giáp ranh giữa phường Bắc Lý và xã Lộc Ninh. Vào những mùa mưa lũ, toàn bộ thôn 1, thôn 2 xã Lộc Ninh bị chìm ngập trong nước. Cũng từ đó đến nay, nguồn nước của người dân bị nhiễm phèn nghiêm trọng”.

Trước những bức xúc từ người dân, Nhà máy nhôm mới thỏa thuận xây dựng chiếc cống xả nước thải này

Trước những bức xúc từ người dân, Nhà máy nhôm mới thỏa thuận xây dựng chiếc cống xả nước thải này

Trao đổi với PV Dân trí xung quanh vấn đề này, ông Nguyễn Văn Cội, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Lộc Ninh cho biết, sau khi nhận được kiến nghị từ người dân, chính quyền xã cũng đã làm tờ trình kiến nghị cấp trên. Sau đó, phối hợp với Công ty một thành viên (MTV) cấp thoát nước Quảng Bình để khảo sát và lập dự toán cung ứng nước sạch cho bà con. Dự toán tổng mức đầu tư cho công trình này khoảng hơn 500 triệu đồng. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí quá lớn và chưa có nguồn vốn phân bổ nên phía Công ty MTV cấp thoát nước Quảng Bình cũng yêu cầu người dân nộp tiền mới đấu nối. Từ đó đến nay, do số tiền quá lớn người dân không có tiền đóng nộp, cũng như chưa có nguồn vốn nên kế hoạch đấu nối nước sạch cho bà con vẫn chưa thể triển khai.

Nói về nguyên nhân khiến nguồn nước bị nhiễm phèn nặng, ông Cội cho biết, trước những nghi ngại của người dân cho rằng nguồn nước bị ô nhiễm là do ảnh hưởng từ nước thải nhà máy nhôm, cách đây 2 năm đã có một đoàn cán bộ của Sở Tài nguyên - Môi trường về lấy mẫu nước để đưa đi kiểm định. Sau đó, đơn vị này trả lời rằng nguồn nước không có ảnh hưởng gì.

Đăng Đức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm