Dàn rơ-moóc tự động “cõng” cần cẩu 650 tấn đi hàng trăm mét
Chiếc cần cẩu KOCKS tại cảng Tân Vũ (Hải Phòng) nặng tới 650 tấn vừa được dàn rơ-moóc chuyên dụng “cõng” đi quãng đường dài hàng trăm mét tới vị trí cầu cảng chỉ bằng một thiết bị điều khiển từ xa.
Mới đây, cảng Tân Vũ (Hải Phòng) đã thực hiện di chuyển chiếc cần cẩu KOCKS nặng tới 650 tấn, dài 95m, rộng 27m, cao 56m từ vị trí chế tạo trong bãi cảng ra khu vực phía ngoài cầu cảng để thực hiện nhiệm vụ bốc dỡ hàng tại đó.
Việc di chuyển cần cẩu “khủng” nói trên nằm trong kế hoạch di chuyển một số cảng trong nội thành sang cảng Lạch Huyện của TP Hải Phòng.
Để thực hiện di chuyển được an toàn chiếc cần cẩu có khối lượng, kích thước và giá trị kinh tế lớn nói trên ra vị trí theo yêu cầu, cảng Tân Vũ đã phải ký hợp đồng với Công ty Cổ phần vận tải đa phương thức Vietranstimex - là đơn vị có kinh nghiệm chuyên vận tải hàng nặng hàng đầu Việt Nam, với những thiết bị máy móc rất hiện đại.
Ông Võ Duy Nghi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần vận tải đa phương thức Vietranstimex cho biết: Để thực hiện việc di chuyển cần cẩu nói trên đến vị trí theo yêu cầu, công ty phải sử dụng phương tiện đặc chủng SPMT (rơ-moóc tự hành).
Để di chuyển cần cẩu "khủng" này phải huy động phương tiện đặc chủng SPMT.
“Chúng tôi là doanh nghiệp vận tải duy nhất ở Việt Nam sở hữu thiết bị hiện đại như thế này. Thiết bị này có thể tự hành, không cần phải dùng đầu kéo mà chỉ cần sử dụng thiết bị điều khiển từ xa. Trục bánh của thiết bị này có thể quay một góc 360 độ.
Đối với dự án cảng Hải Phòng do mặt bằng hẹp và vuông góc, bắt buộc phải sử dụng thiết bị này thì mới đưa được cần cẩu ra vị trí cầu cảng” – ông Nghi cho biết.
Dàn rơ-moóc tự động "cõng" cần cẩu đi hàng trăm mét bằng thiết bị điều khiển từ xa.
Cũng theo ông Nghi, về mặt nhân sự công ty đã điều động những kỹ sư giỏi nhất, công nhân lành nghề. Các kỹ sư này đều được đào tạo ở Italia, Nhật, Hàn Quốc và đã có kinh nghiệm từng làm hàng chục các dự án tương tự.
Để thực hiện di chuyển, Vietranstimex đã phải làm công tác chuẩn bị rất kỹ như: Điều động phương tiện từ các vùng khác về khu vực cảng Hải Phòng, sau đó tổ hợp các mô đun thành những đoàn rơ-moóc, mỗi đoàn là 18 trục và 2 đoàn là 36 trục để vận chuyển cẩn cẩu “khủng” nói trên.
Bước tiếp theo, công nhân tiến hành lắp các dầm phân tải trên rơ-moóc để đảm bảo lực tác động lên các trục là đồng đều.
Sau đó các kỹ sư, công nhân đưa các khối rơ-moóc và dầm phân tải vào dưới dầm chịu tải của cần cẩu. Tiếp theo tiến hành nâng cần cẩu lên và tính toán làm sao cho trọng tâm của cần cẩu đúng vào trọng tâm của rơ-moóc để đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Tiếp đến công nhân, kỹ sư thực hiện cân chỉnh thử và chằng buộc rồi tiếp tục cho rơ-moóc di chuyển qua vượt các chướng ngại vật trong bãi cảng để đưa cần cẩu ra vị trí cầu cảng và lắp đặt vào đường ray của cầu cảng.
Mặc dù tự động hóa, nhưng công nhân vẫn luôn theo dõi chặt chẽ quá trình di chuyển của dàn rơ-moóc.
Theo ông Nghi, trong tất cả các công đoạn nói trên, công đoạn nào cũng rất quan trọng, nếu sai phạm một công đoạn thì sẽ ảnh hưởng đến các công đoạn tiếp theo.
Tuy nhiên, công đoạn quan trọng nhất là di chuyển cần cẩu ra cầu cảng và hạ cẩu xuống đường ray với độ chính xác đến từng mm.
“Với thiết bị thông thường thì không thực hiện được, nhưng với thiết bị SPMT này chúng tôi có thể thực hiện được nhanh chóng. Quan trọng nhất khi di chuyển ra cầu cảng thì kỹ sư của chúng tôi phải vận hành làm sao bánh xe của cầu cẩu phải lắp đúng vị trí đường ray ở cầu cảng để đảm bảo cho cẩu vận hành tốt” – ông Nghi nói thêm.
Được biết, trước đó Vietranstimex đã thực hiện hàng trăm các dự án tương tự như này, đặc biệt là các nhà máy điện, nhà máy lọc dầu.
Nguyễn Dương