Quảng Trị:
Đàn ông trai tráng hăm hở đi thi... chẻ đá
(Dân trí) - Vào đầu Xuân mới, chính quyền huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị tưng bừng mở hội thi chẻ đá để các thanh niên trai tráng, nghệ nhân tại địa phương có cơ hội thi thố tài năng. Trong khoảng thời gian nhất định, đội nào chẻ được nhiều viên đá đẹp nhất, vuông thành sắc cạnh nhất sẽ giành chiến thắng.
Hội thi chẻ đá được tổ chức tại xã Gio Hòa, huyện Gio Linh, vùng đất nổi tiếng với nghề chẻ đá ở vùng phía Tây của huyện. Thiên nhiên đã tạo cho vùng đất này trữ lượng đá vô tận đến nỗi đâu cũng thấy đá: trong vườn, ngoài ngõ và cả ngoài đồng… Những khối đá xanh lớn nằm giữa bạt ngàn đất đỏ bazan, giữa những rừng cây cao su rộng lớn là công cụ mưu sinh của người dân trong vùng.
Đây là năm thứ 4 địa phương tổ chức hội thi chẻ đá. Theo thể lệ Ban tổ chức đưa ra, những người tham gia thi tài phải có kinh nghiệm trong nghề chẻ đá, phải là những thanh niên trai tráng. Hội thi thường được tổ chức sau mấy ngày nghỉ Tết Nguyên đán để bà con vui Xuân và khởi đầu cho quá trình lao động của năm mới.
Tham gia hội thi có 6 đội của các thôn trong xã, mỗi đội thi có 2 người. Ban tổ chức đã chuẩn bị cho mỗi đội một khối đá tròn lớn. Nhiệm vụ của mỗi đội chơi là trong khoảng thời gian một giờ đồng hồ sẽ chẻ đá thành viên. Đội chơi nào chẻ được nhiều viên, đúng kích thước 10-18-26 và đẹp nhất sẽ giành chiến thắng. Phương thức chẻ đá chủ yếu sử dụng các công cụ thủ công.
Theo Ban tổ chức cuộc thi, việc mở hội thi tài chẻ đá nhằm để người dân vui chơi đầu Xuân, giao lưu học hỏi kinh nghiệm và còn rèn luyện tay nghề cho người dân. Dù đội giành thắng cuộc chỉ được tặng phần thưởng rất nhỏ mang tính động viên, nhưng người dân vẫn hứng khởi tham gia.
Anh Nguyễn Thanh Phương, nghệ nhân có thâm niên chẻ đá hơn 20 năm tại Gio Hòa cho biết, anh tham gia hội thi chẻ đá lần thứ 2 và luôn cảm thấy hào hứng. Trong khoảng thời gian 1 giờ, đội nào giữ được bình tĩnh, cẩn thận sẽ nhanh chóng hoàn thành yêu cầu của hội thi và Ban tổ chức đặt ra.
Anh Phan Dương Thái, nghệ nhân tại đơn vị 4 năm liền giành giải Nhất chia sẻ: "Đây là nghề mưu sinh của người dân địa phương nên ai cũng làm thành thạo. Bước vào hội thi tôi cảm thấy rất hồi hộp vì thời gian thi rất ngắn, trong khi yêu cầu phải chẻ được nhiều viên đá đúng kích thước và đẹp nhất. Người chẻ đá phải biết quan sát, chọn vị trí trên thân khối đá để đục đẽo sao cho viên đá được mở ra đúng tư thế, đúng chiều thì viên đá thành phẩm mới đẹp. Tham gia hội thi chủ yếu để giao lưu, học hỏi và rèn luyện tay nghề nên ai thắng, ai thua cũng không quan trọng".
Đăng Đức