1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

ĐBSCL:

Dân nghèo mưu sinh mùa lũ

(Dân trí) - Dù lũ lớn hay lũ nhỏ, những hộ dân có thu nhập thấp ở vùng lũ như Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ… vẫn phải lam lũ bắt từng con cá, con cua… bán kiếm thêm thu nhập khi mùa lũ về.

Mùa lũ năm nay nhỏ, nước trên đồng không ngập sâu như mọi năm. Vì thế, kéo theo nguồn lợi thủy sản giảm đáng kể, đặc biệt là cá linh. Nhiều địa phương như Cần Thơ, Vĩnh Long, Hậu Giang… giăng cả chục mét lưới chỉ bắt được vài con cá linh.

Anh Nguyễn Thanh Hiên – xã Xuân Thắng, huyện Thới Lai (Cần Thơ) - cho biết: “Những năm lũ lớn, khoảng 4 giờ sáng, mang 100 – 200m lưới ra đồng giăng thì sau khoảng 30 phút, cá linh mắc lưới không sao gỡ cá xuể. Những năm đó, đa phần bà con phải làm mắm vì gặp cảnh dội chợ. Còn năm nay, cá linh không có đủ mà ăn nói chi đến việc làm mắm”.

Mặc dù sản lượng cá giảm, bà con nông dân vẫn phải ra đồng, vẫn phải trầm mình dưới nước mưu sinh, như nghề: đẩy côn, đội mô xúc lươn đồng, giăng lưới… Nhiều nông dân còn tranh thủ làm 2 -3 nghề trong một chuyến “ra khơi”, như vừa giăng lưới, vừa nhổ bông súng, hái bông điên điển… để “phụ thu” khi nghề chính thất thu.

Anh Nguyễn Văn Hồng – xã Hòa An, huyện Phụng Hiệp, Hậu Giang cho biết: “Lũ năm nay nhỏ quá, một đêm đặt 20 cái dớn chỉ bắt được vài ký cá tạp. Nếu không làm thêm nghề giăng lưới, hái rau… thì thu nhập không sao đạt nổi 100.000 đồng. Tuy nhiên, ở Hậu Giang, Cần Thơ… có những nghề kiếm nửa triệu mỗi đêm, như nghề cấm câu ếch, soi chuột đồng, soi rắn…

Anh Nguyễn Văn Sửu - xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang) cho biết: “Với những người soi chuột đồng, soi rắn… như anh em chúng tôi thì một đêm thấp nhất cũng kiếm được 300.000 đồng. Nhiều đêm, soi được rắn to hay vài con gà nước thì hôm đó bỏ túi 1 triệu đồng là chuyện thường. Tuy nhiên với nghề này thì không phải nông dân nào cũng làm được vì đòi hỏi tai và mắt phải rất tinh, động tác phải thật chuẩn xác thì mới mong làm nghề soi chuột, soi rắn như chúng tôi được”.

Nhiều nông dân “ăn” theo mùa lũ đều có chung một suy nghĩ, dù lũ lớn hay nhỏ, họ vẫn phải ra đồng, vẫn phải bám theo con nước kiếm thêm thu nhập trước khi mùa lũ “trôi” đi, vụ gieo trồng mới lại về.

Mùa lũ năm nay nhỏ, mực nước chỉ cao hơn đầu gối người, làm nguồn lợi thủy sản giảm đáng kể
Mùa lũ năm nay nhỏ, mực nước chỉ cao hơn đầu gối người, làm nguồn lợi thủy sản giảm đáng kể

Ở vùng ĐBSCL không nhiều hộ mê nghề ụ cỏ xúc lươn đồng, vì nghề này quá vất vả
Ở vùng ĐBSCL không nhiều hộ "mê" nghề ụ cỏ xúc lươn đồng, vì nghề này quá vất vả

Một số vùng ở rốn lũ như Đồng Tháp mới có mực nước sâu như thế này
Một số vùng ở rốn lũ như Đồng Tháp mới có mực nước sâu như thế này
Lũ thấp, nghề đóng đáy cá linh trên sông cũng giảm đáng kể
Lũ thấp, nghề đóng đáy cá linh trên sông cũng giảm đáng kể
Lũ nhỏ, nghề đặt xà di bắt cá rô đồng... cũng bị ảnh hưởng
Lũ nhỏ, nghề đặt xà di bắt cá rô đồng... cũng bị ảnh hưởng
Anh Nguyễn Văn Sửu cho biết, nghề soi chuột đồng mùa lũ, thu nhập thấp nhất cũng 300.000 đồng/đêm
Anh Nguyễn Văn Sửu cho biết, nghề soi chuột đồng mùa lũ, thu nhập thấp nhất cũng 300.000 đồng/đêm

Anh Nguyễn Văn Sửu cho biết, nghề soi chuột đồng mùa lũ, thu nhập thấp nhất cũng 300.000 đồng/đêm
Đối với những nông dân ăn theo mùa lũ, dù lũ lớn hay nhỏ, họ vẫn phải ra đồng, bám theo con nước lũ mà mưu sinh

Anh Nguyễn Thanh Hiên vừa đặt xong 20 cái dớn...
Anh Nguyễn Thanh Hiên vừa đặt xong 20 cái dớn...

Tranh thủ hái thêm rau muống, nhổ bông súng... bán, tăng thêm thu nhập
Tranh thủ hái thêm rau muống, nhổ bông súng... bán, tăng thêm thu nhập

1 kg bông điên điển từ 25.000 - 30.000 đồng
1 kg bông điên điển từ 25.000 - 30.000 đồng

Năm nay lũn hỏ, cọng bông súng cũng không được dài và tươi tốt như mọi năm
Năm nay lũn hỏ, cọng bông súng cũng không được dài và tươi tốt như mọi năm

Khi nước trên đồng sắp cạn, nhiều nông dân bắt đầu xuống sông làm nghề cào hến.
Khi nước trên đồng sắp cạn, nhiều nông dân bắt đầu xuống sông làm nghề cào hến.

Nguyễn Hành